Việc đan tên lên những chiếc gùi đẹp để làm sính lễ đám cưới, làm quà tặng trong các dịp lễ hội và để những bé gái tham dự các buổi biểu diễn văn nghệ…
Việc đan tên lên những chiếc gùi đẹp để làm sính lễ đám cưới, làm quà tặng trong các dịp lễ hội và để những bé gái tham dự các buổi biểu diễn văn nghệ… sẽ làm cho sản phẩm này trở nên độc đáo, hấp dẫn hơn. Chính vì vậy, người Cill ở nhiều nơi đã tìm đến bàn tay đan lát tài hoa của ông Kon Sa Ha Pall, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.
|
Ông Kon Sa Ha Pall luôn nặng lòng với việc truyền dạy kỹ thuật đan gùi cho con cháu ở buôn làng |
Tại Tu Tra, bà con người Cill quần tụ ở buôn nhỏ Đa Hoa. Nơi đây, trong số những nét văn hóa đậm đặc của người Cill còn được lưu giữ, truyền thống đan lát được giữ gìn bởi bàn tay ông Kon Sa Ha Pall. Ông Ha Pall năm nay đã 60 tuổi, nhiều người già ở tuổi ông đã không còn đủ sức ngồi cần mẫn chuốt từng sợi nan, đan từng chiếc gùi. Nhưng ông Ha Pall, vẫn miệt mài như thủa mới bắt đầu. Ông bảo rằng, cách đây lâu lắm rồi, khi người Cill trong buôn làng ông vẫn còn sống ở Lạc Dương, chưa di cư xuống vùng Tu Tra ngày nay, những đứa trẻ trong buôn làng đều phải học đan lát để làm các vật dụng sử dụng trong gia đình. Ông cũng đã được chính cha mình dạy cách đan lát, trong đó khó nhất là đan gùi. Đan gùi để mang lên rẫy bẻ bắp, cắt lúa, làm quà tặng cho những vị khách quý của gia đình… Thủa ấy con đường đi lấy lồ ô của ông Ha Pall và cha mình ngắn hơn nhiều, bởi những năm ấy Tu Tra còn được bao bọc bởi rừng. Cứ vào khoảng tháng 6, tháng 7, khi cây lồ ô không quá non và cũng không quá già, tức là đã đạt độ dẻo dai vừa phải, đàn ông trong buôn lại vào rừng tìm những cây mắt dài, thân thẳng mang về. Ngoài ra, để đan gùi còn cần cả dây mây, cây sim rừng hoặc cóc rừng để làm đế gùi. Lồ ô sau khi mang về được phơi 3 - 4 nắng là người ta đã bắt đầu đan. Nhưng ông Ha Pall lại trải qua thêm khâu ngâm lồ ô dưới nước, sau đó lại phơi khô. Quá trình ấy kéo dài khoảng một tuần mới đạt chuẩn để đan.
Chặt lồ ô bằng xà gạc, chẻ lồ ô bằng dao lớn nhưng để chẻ thanh đan phải là con dao gọt có đầu nhọn hoắt và sắc bén. Con dao của ông Ha Pall có mũi nhọn được ông đặt thợ rèn làm riêng. Cán dao được làm bằng gốc cây tre nhỏ để vừa cứng và càng dùng càng bóng. Con dao gọt đã gắn bó với ông Ha Pall hàng chục năm nay, đến bây giờ lưỡi giao đã mỏng và cong như lưỡi liềm. Con dao mỏng bao nhiêu thì ngón trỏ và ngón cái trên bàn tay trái của ông Ha Pall chai sần bấy nhiêu. Dù có bọc bông gòn mỗi lần chẻ, vuốt nan nhưng không thể tránh được những vết chai sần vẫn in hằn trên bàn tay người đàn ông ấy.
Để có một chiếc gùi hoàn thiện phải trải qua thời gian hai mùa mưa nắng. Mùa nắng chuẩn bị nguyện liệu, mùa mưa ngồi tỉ mẩn đan. Bởi việc đan gùi chủ yếu do đam mê vì nó không thể trang trải cho cuộc mưu sinh thường trực mỗi ngày. Để đan gùi phải có đủ nan xương và nan thường. Nan xương chắc và nhỉnh hơn. Phần giữa của nan chừa to bản để đan phần đáy gùi, nan xương rất quan trọng, nó quyết định kích thước và độ cứng của gùi. Gùi được bắt đầu đan từ đáy đến móng gùi là hai đoạn cành sim rừng hai đầu được vạt nhọn, cây móng được cắm chéo ở chính giữa dưới đáy gùi và cài chặt vào bốn góc của đáy gùi. Sau khi cài xong cây móng, người đan phải dùng động tác thật khéo léo vừa đan vừa bẻ góc, uốn cong nan xương để bắt đầu lên thân gùi. Đế gùi thường được làm sau cùng bằng gỗ cóc rừng vạt mỏng. Gỗ được đo cho vừa bằng cạnh vuông của đáy gùi rồi bắt đầu uốn cong theo hình bông hoa 4 cánh. Mỗi cánh tựa sát vào một góc đáy gùi. Sau đó kết chặt đế với 2 cây móng và cả phần đáy gùi. Và tiếp đó vành miệng, quai gùi, dây ràng lần lượt được tiến hành. Tất cả đều cần sự công phu, tỉ mỉ và khéo léo vô cùng. Trên những chiếc gùi thường thấy người ta tết họa tiết mắt công để trang trí trên thân và cài những túm sợi hoặc len đã được cắt sẵn để làm hoa xung quanh miệng gùi.
Ông Ha Pall bảo rằng, ngày trước các cụ chỉ sử dụng hai mặt của lồ ô để sắc đậm nhạt tạo nên những hoa văn khác nhau. Nghĩa là khi đan gùi hoa, họ sẽ dùng toàn bộ nan cật, các nan đều để nguyên cật xanh, riêng nan xương được cạo sạch lớp cật xanh mỏng ở bên ngoài cho nhạt hơn. Sau khi đan xong thì người ta mang gác trên giàn bếp một thời gian, lúc này khói và bồ hóng ăn vào các nan gùi tạo ra hai màu đậm nhạt rõ rệt. Một số người kỳ công hơn sẽ trang trí các hoa văn trên gùi bằng màu đỏ và đen. Các màu sắc này được lấy từ vỏ, lá cây rừng. Rừng ngày càng thu hẹp, những loại cây có thể tạo màu cũng vì thế mà khan hiếm dần nhưng ông Ha Pall thì khác, ông dùng sơn nước để tạo nên những màu đỏ, đen, vàng sống động cho gùi. Ngoài mắt công, hoa len, gùi ông Ha Pall đan còn có tên những người đặt. Cũng bởi vậy mà thời gian đan gùi của ông Ha Pall dài hơn nhiều lần so với thường thấy. Cũng nhờ việc đan tên lên gùi mà những chiếc gùi ông Ha Pall đan được bà con người Cill dùng trong các sự kiện quan trọng. Người Cill ở Đa Hoa bảo rằng, trong mỗi nóc nhà của bà con nơi này đều có ít nhất một chiếc gùi được đan bởi ông Ha Pall. Tiếng lành đồn xa, những chiếc gùi đan tên của ông Ha Pall làm đã theo chân người Cill sang vùng Suối Thông, vùng Đạ Sar, Đạ Nhim và tận cả vùng Đam Rông…
Chị Cill Pam Ka Sy, con gái ông Ha Pall đầy tự hào khi bảo rằng đi đâu mà thấy gùi tô sơn nước và đan tên đó chắc chắn được tạo nên từ đôi bàn tay của cha mình. Sức khỏe đã không còn như thời trai trẻ, mắt không tinh và tay chân đã chậm nhưng ông Ha Pall vẫn miệt mài với việc đan gùi. Mùa mưa đã sắp kết thúc ở Nam Tây Nguyên và những chiếc gùi cũng sắp được ông Ha Pall hoàn thiện để chuẩn bị cho những đám cưới của các gia đình người Cill ở Đạ Sar…
HOÀNG MY