R'Chai 1, buôn nhỏ nằm dưới chân đỉnh núi R'Chai, quê hương của những người con K'Ho Cil chăm chỉ lao động, mang những hạt lúa vàng về đầy bồ, đầy sân...
R’Chai 1, buôn nhỏ nằm dưới chân đỉnh núi R’Chai, quê hương của những người con K’Ho Cil chăm chỉ lao động, mang những hạt lúa vàng về đầy bồ, đầy sân. R’Chai 1 cũng là thôn duy nhất của xã Phú Hội, huyện Đức Trọng có đội chiêng truyền thống, nơi những làn điệu chiêng còn vang trong những ngày hội hè.
|
Ông Ha Tông thử tiếng chiêng |
Ông Ha Tông (76 tuổi) bảo, ông là con cái buôn R’Chai 1 từ lúc mới sinh ra đến nay. Thủa nhỏ, trong nhà có dàn chiêng, vừa là tài sản quý, vừa mang ý nghĩa rất lớn với một gia đình K’Ho như gia đình ông. Những ngày xa ấy, mỗi vụ mùa mừng hạt lúa mới về buôn, những ngày hội hè, lễ đâm trâu, dàn chiêng lại được người lớn mang ra chơi trong đám lễ, bên ché rượu cần nồng nàn. Những ngày hạn, những mùa khô, tiếng chiêng lại vang lên cầu mưa cầu nắng, dâng lên Yàng tấm lòng của con người. Tiếng chiêng làm người K’Ho bớt đau khổ, thêm an tâm, nối liền tấm lòng người với thần linh, ông bà cha mẹ và xứ sở. Tiếng chiêng in sâu vào trái tim, vào tâm tưởng của ông Ha Tông, của những người R’Chai 1 từ những đêm trường sâu thẳm.
Và đến hôm nay, ông Ha Tông rất sung sướng khi vẫn lưu giữ được bộ chiêng của cha mẹ. Bộ chiêng của gia đình ông gồm 6 cái, từ lớn đến nhỏ. Ông bảo, chiêng cũng có gia đình, cái chiêng to nhất là chiêng Mẹ, tiếng ấm, trầm, làm chiêng cái giữ nhịp cho cả dàn chiêng. Giữ được kỷ vật quý giá, ông và những người cùng lứa còn yêu, còn nhớ tiếng chiêng thành lập đội cồng chiêng thôn R’Chai 1. Ngoài những giờ lao động, làm lúa, làm cà phê, khi rảnh rang các ông lại tập hợp nhau lại, cùng tập những điệu chiêng truyền thống. Ông Ha Tông khoe, đội tập được 12, 13 điệu chiêng cổ truyền. “Ngày xưa, ông bà thường đánh chiêng trong lễ hội như mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cầu mưa cầu nắng. Giờ cuộc sống thay đổi nhiều, đội chiêng R’Chai 1 chơi trong những ngày hội như ngày đại đoàn kết, ngày Noel, đám cưới. Tiếng chiêng vui đón khách, đón bạn bè tới mừng cho cuộc sống người R’Chai 1 ngày càng no ấm, ngày càng phát triển”, ông Ha Tông chia sẻ.
Đội chiêng thôn R’Chai 1 là niềm tự hào của thôn và của xã Tân Hội. Ông Ha Tông bảo, ông và cả đội “đem chiêng đi đánh xứ người”, biểu diễn, thi đấu khắp nơi trong xã, trong huyện. Đội chiêng R’Chai 1 đã cho thấy sức sống lâu bền, mạch chảy âm nhạc bền bỉ của người K’Ho. Nhưng, ông Ha Tông cũng như những người trong đội chiêng vẫn canh cánh nỗi lo đội chiêng không còn người tiếp quản. Cả sáu thành viên của đội đều trên 60 tuổi. Thời gian mỗi lúc một trôi, những người già ra đi, tiếng chiêng sẽ còn ai tiếp nối. Ông Ha Tông cho biết, đội vẫn thường vận động thanh niên tới học các lớp đánh cồng chiêng, giữ lại được các điệu chiêng của ông bà. Để sau này, khi người già về với ông bà, lớp trẻ ở lại vẫn còn biết đánh chiêng. Và, dưới những mái hiwpal (nhà sàn truyền thống), bộ chiêng không chỉ được treo như kỷ vật mà vẫn vang vọng trong những ngày vui, ngày lễ của người K’Ho. Để tiếng chiêng tiếp tục vang vọng trong những đêm dài cao nguyên hùng vĩ. Ông tâm sự: “Thanh niên giờ thích nhạc trẻ, ít thích chơi cồng chiêng. Người già chúng tôi rất lo lắng và thực sự cần những người trẻ tiếp tục truyền thống ông bà”.
Anh Liêng Hót Ha Dung, trưởng thôn trẻ của thôn R’Chai 1 chia sẻ, bản thân anh cũng yêu thích đánh chiêng. Anh cũng rất áy náy khi các bạn thanh niên ít quan tâm tới nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Anh cho biết, xã Tân Hội cũng như huyện Đức Trọng rất quan tâm tới việc giữ gìn văn hóa, văn nghệ truyền thống, thường mở các lớp dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên. Bản thân anh sẽ đi học và cũng vận động các bạn thanh niên học, biểu diễn cồng chiêng cùng các cụ cao tuổi, nối tiếp truyền thống của người R’Chai 1, để tiếng chiêng trở thành một phần của đời sống người K’Ho, tiếp nối truyền thống ngàn đời dưới chân ngọn R’Chai vững chãi.
DIỆP QUỲNH