''Hạt ngọc'' dân gian nơi cao nguyên

12:01, 14/01/2021

Sáng tươi lên giữa hơn 400 diễn viên Liên hoan Văn hóa dân gian ở Lâm Đồng là một cụ bà 88 tuổi với chất giọng hát xẩm...

Sáng tươi lên giữa hơn 400 diễn viên Liên hoan Văn hóa dân gian ở Lâm Đồng là một cụ bà 88 tuổi với chất giọng hát xẩm. “Tôi cảm giác như có một cụ bà Hà Thị Cầu ngày xưa vọng lại…”, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Đình Nghĩ - Trưởng ban Giám khảo nhận xét.  
 
Nghệ nhân Nguyễn Thị Dung diễn xuất hát xẩm tại nhà
Nghệ nhân Nguyễn Thị Dung diễn xuất hát xẩm tại nhà
Cuộc đời lắm cheo leo 
 
Theo chị Lê Thị Mai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Dân ca và Nhạc cổ truyền xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tôi đến nhà cụ bà, nghệ nhân Nguyễn Thị Dung. Xe máy vừa dừng góc sân ngôi nhà nhỏ, chúng tôi đã thấy cụ Dung ôm đứa chắt thứ 14 nói vọng ra rất trong trẻo: “U có đây, chào cô Mai. Vào nhà đi”. Rồi “u Dung” bảo chị Mai pha trà mời khách và hào hứng chia sẻ thật nhiều những câu chuyện đời chuyện nghề với tôi. Những câu chuyện không đầu không cuối, nhớ đâu kể đấy, kể và diễn xướng, theo cảm xúc tự nhiên, chân chất vốn dĩ. Cụ là người thôn Kim Châm, xã Đôi Bình, huyện Sơn Lãng, tỉnh Hà Tây (cũ), nay là huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Khi cụ Dung còn 3 tuổi đã mồ côi cả cha và mẹ, cụ làm con nuôi của ông chú họ. Cảnh nghèo, phận côi, nhưng cụ được theo chú “cũng là ông hương ông phó” cho đi xem cô đào hát ca trù. Chỉ một tháng “bình dân học vụ”, “chữ thầy trả lại cho thầy” nên cụ học mót. Nhiều ngày nhiều tháng được xem được nghe thứ nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc từ ca trù, cụ học theo lối truyền khẩu và nhập tâm. “Tôi cứ bắt chước rồi quen. Hồng… hồng… tuyết… tuyết… ư… ư… hư… hư… hự… Nhớ ngày nào ư… hư… hự… chửa biết chi chi… Mười lăm năm… thấm thoắt có xa gì… Ngoảnh mặt lại đã tới kì… tơ liễu…”, cụ Dung nói và cất giọng. “Rồi nhớn lên chả hát hò gì nữa”, cụ nói. Mãi đến năm 1954, khi Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương được ký kết, làng xã thành lập hội hát, tổ chức bán vé biểu diễn, cụ Dung trở lại tham gia với đam mê và giọng ca trời phú về ca trù, hát xẩm. Đây là thời điểm cụ được tiếp xúc với văn công tỉnh và học hỏi thêm nhiều hơn về màu sắc nghệ thuật diễn xướng tinh túy này. 
 
Rồi một dịp qua bên Dục Yến, nơi có Chùa Hương Tích, để giao lưu dân ca, đào nương 17 tuổi Nguyễn Thị Dung đã nên duyên với chàng thanh niên Hoàng Văn Lộc, người cùng mê dân ca cổ truyền, lớn hơn 3 tuổi. “Cuộc đời của tôi cheo leo lắm. Lại đi khai hoang tận ở Phú Thọ”, cụ Dung kể. Năm 1980, cụ và chồng dắt díu cả 8 người con vào vùng đất Trảng Dầu, huyện Đạ Tẻh theo chủ trương “kinh tế mới” của Nhà nước. “Vào 2 bàn tay trắng, 4 bàn tay không”, cái khó còn đeo đẳng nhiều năm sau… Người con trai và người con gái của hai cụ mất do “ngã nước” khi mới 7 tuổi và 3 tuổi. Bây giờ thì tứ tán, 3 người con ở lại đất Đạ Tẻh, 2 cụ cùng con trai ở Di Linh, hai người con khác ở Đắc Nông và Thanh Hóa. Nhưng ông trời thương tình những người chịu khó lam làm và phấn đấu. Cuộc sống mỗi gia đình nay đều khấm khá, an lành và nhiều thành công của một đại gia đình 12 con dâu, rể; 12 cháu nội, ngoại và 14 chắt nội, ngoại. 
 
Tiết mục do cụ Dung hát và gõ phách cùng bạn diễn trong CLB
Tiết mục do cụ Dung hát và gõ phách cùng bạn diễn trong CLB
 
Giọng ca tinh tế trời phú  
 
Trong câu chuyện cụ Dung kể xen lẫn về cuộc đời và thể hiện nghệ thuật, tôi không thể dẫn nhiều những đoạn người nghệ nhân tài hoa này thể hiện. Nhiều lối diễn, nhiều nội dung gắn bó với đời sống dân gian văn hóa Việt, thứ văn hóa phi vật thể được thế giới đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn… Chỉ nói gọn là, nghệ nhân Nguyễn Thị Dung thực sự đa tài ở nhiều lĩnh vực: ca trù, hát xẩm, ngâm thơ và cả cải lương, tuồng cổ. Cụ nói: “Tôi thích vui thôi, đoàn kết, chị em với nhau, câu hát tiếng cười. Cuộc đời khổ nhiều rồi, vợ chồng chúng tôi tham gia câu lạc bộ người cao tuổi, mỗi khi có sinh hoạt là biểu diễn”. Khi diễn ca trù, cụ Dung vừa hát vừa gõ phách, cụ Lộc là trống chầu và ông Bân đánh đàn. Khi hát xẩm, cụ Dung là ca nương, ông Bân hoặc anh Minh kéo nhị. Cụ Lộc còn là người sưu tầm nhiều lời ca từ các bài thơ của Nguyễn Du, Thôi Hạo, Hà Đình, Đặng Dung, Nguyễn Bính… để cụ Dung học và thể hiện. “Đồ nào thức nấy và phải hát giọng ngày xưa cơ”, cụ Dung nói rồi phân tích khá nhiều về những yêu cầu tinh tế của mỗi hình thức diễn xướng. Ca xẩm nhiều giọng, dễ hơn ca trù, nhưng cũng phải luyến láy đẩy chữ. Còn ca trù mệt nhiều vì phải nín hơi, nhả hơi… “Tôi hát cho ông nghe này: Thuyền à thuyền a… hư… làm bạn với thuyền…”. Cụ Dung say sưa, giọng ngọt, trong veo và biểu cảm được thả đến tận chót sự thăng hoa...
 
Với lối kể sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn, hát xẩm, ca trù là một loại hình âm nhạc có lối diễn xướng dân gian độc đáo, tinh vi trong kho tàng âm nhạc cổ truyền dân tộc. Đó là những làn điệu lấy từ lời thơ, lời văn có tinh thần yêu nước, yêu quê hương, chống giặc ngoại xâm... Nó đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục về đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp trong xã hội. Nó là cả một thế giới nội tâm, chứa đựng tâm tư, tình cảm của con người đối với quê hương, đất nước, ngợi ca công cha nghĩa mẹ, ngợi ca tình yêu đôi lứa, tình anh em, nghĩa bạn bè... Giá trị âm nhạc, giá trị trình diễn còn ở kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu bởi sự nắn nót, trau chuốt từng chữ của ca nương. Loại hình nghệ thuật dân gian ấy đã khẳng định ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt.
 
“Tôi cũng dạy các bà từng câu, từng chỗ nào “ư hử”, chỗ nào không “ư hử” nhưng các bà bảo khó lắm”. Con cháu và chắt không ai theo đam mê của cụ Dung và cụ Lộc, lời cụ Dung ở trên là việc làm của mình đối với thành viên CLB Dân ca và nhạc cổ truyền xã Đinh Lạc. CLB thành lập trên 20 năm, hiện có 20 thành viên. Ngoài phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội của xã, các thành viên còn giao lưu nhiều với các CLB bạn ở trong và ngoài huyện với nhiều loại hình phong phú: ca trù, hát xẩm, hát ru, hát chèo, hát dân ca và dân vũ... CLB đã 3 lần tham gia Liên hoan Các CLB dân ca và nhạc cụ truyền thống tỉnh Lâm Đồng với những tiết mục ấn tượng. Nhận xét về cụ Dung, Chủ nhiệm CLB Dân ca và Nhạc cổ truyền xã Đinh Lạc Lê Thị Mai nói: “Mặc dù tuổi rất cao, nhưng cụ rất nhiệt tình, tham gia xây dựng làm bước đường cho lớp trẻ noi theo để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Cụ tâm huyết và có chất giọng thanh trong lắm anh ạ”.        
 
Chị Mai phải về làm lụng với mưu sinh nuôi con cháu, còn tôi ở lại nghe nghệ nhân Nguyễn Thị Dung thể hiện ca trù, hát xẩm và ngâm thơ. Mãi quá giờ ngọ mới chia tay. Hình bóng người phụ nữ gần 90 tuổi nhỏ thó, nhưng đầy sức sống bền bỉ và trải nhiều thăng trầm không thể phai trong trí nhớ của tôi. Đặc biệt, những âm sắc của lối diễn xướng dân gian độc đáo ở cụ đưa tôi về năm tháng tuổi thơ lung linh chất văn hóa của thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Một cảm giác thăng hoa dọc đường về giữa bạt ngàn xanh và ấm áp của hoa trái cao nguyên vào mùa viên mãn…
 
Bút ký: MINH ĐẠO