Sáng 8/1, tại Hà Nội (Điểm cầu chính và được truyền trực tuyến với điểm cầu tại Nhật Bản cùng tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản...
Sáng 8/1, tại Hà Nội (Điểm cầu chính và được truyền trực tuyến với điểm cầu tại Nhật Bản cùng tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì Hội thảo trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số”. Đầu cầu Lâm Đồng có lãnh đạo Sở TTTT chủ trì cùng sự có mặt của đại diện các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trong toàn tỉnh.
Đây là lần thứ 3 hội thảo giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển Chính phủ điện tử (lần thứ nhất vào tháng 8/2019, lần thứ 2 vào tháng 2/2020) và là một trong các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong lĩnh vực này được diễn ra.
Kinh nghiệm và chính sách của Nhật Bản đã trở thành tư liệu quý, cần thiết và hữu ích để các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng trao đổi, nghiên cứu, cũng như ứng dụng phù hợp với tình hình thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị.
Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xác định phát triển Chính phủ điện tử là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam. Với quan điểm xuyên suốt là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.
Một mục tiêu quan trọng nữa, đó là: Đẩy mạnh xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các doanh nghiệp, trong đó tập trung triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc tại các Bộ, HĐND, UBND tỉnh, cấp huyện.
Cùng với đó, là triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Bên cạnh đó, cần phải tập trung triển khai các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương và hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: “Qua trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo lần này, Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trong triển khai Chính phủ điện tử, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản”.
Đáp từ, Đại sứ Nhật Bản cũng khẳng định: “Việt Nam là bạn, là đối tác quan trọng của Nhật Bản trong suốt nhiều năm qua. Mối quan hệ đó đã được khẳng định, chứng minh bằng những hợp tác chiến lược, xuyên suốt và mang đến nhiều thành công. Với những kinh nghiệm trong lĩnh vực và chính sách phát triển Chính phủ điện tử, Nhật Bản sẽ nỗ lực và tạo điều tốt nhất có thể để giúp Việt Nam”.
Ở khía cạnh địa phương, trong nhiều năm qua, Lâm Đồng cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực này. Tỉnh luôn nằm trong nhóm đầu của cả nước về việc xây dựng chính quyền điện tử để hướng tới lộ trình hoàn thiện Chính phủ số.
LAM ANH