Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn tỉnh Lâm Đồng (nhiệm kỳ 2018 - 2023),...
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn tỉnh Lâm Đồng (nhiệm kỳ 2018 - 2023), nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, số lượng đoàn viên công đoàn và công đoàn cơ sở tăng qua các năm. Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao vị trí của công đoàn trong xã hội, phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đồng chí Hoàng Liên - TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh và đồng chí Lê Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, tặng cờ thi đua cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. |
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, ngay sau Đại hội IX Công đoàn tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2018-2023, LĐLĐ tỉnh đã ban hành chương trình nâng cao hiệu quả đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động giai đoạn 2018-2023 và quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện, cụ thể hóa theo từng ngành, địa phương và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong 3 năm, toàn tỉnh đã phát triển mới 7.311 đoàn viên, đạt tỷ lệ 121,7%, thành lập mới 75 CĐCS, trong đó có 43 CĐCS có trên 25 đoàn viên.
Qua thực tiễn công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, đã có nhiều cách làm, phương pháp sáng tạo, đổi mới như một số công đoàn cấp trên cơ sở đã chủ động đề xuất phối hợp với các cơ quan cùng cấp của địa phương để cung cấp thông tin, địa bàn doanh nghiệp, tổng số lao động; cán bộ lãnh đạo trực tiếp làm việc với chủ doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của đơn vị để kiến nghị địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động thăm doanh nghiệp nhân dịp khai trương, thành lập... nhằm tạo thiện cảm, hợp tác với tổ chức công đoàn và có sự hỗ trợ, tạo điều kiện để thành lập công đoàn tại cơ sở.
Song song với đó, triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn”, trong nửa nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn đã tổ chức 75 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho trên 9.135 lượt cán bộ CĐCS với các chuyên đề: Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, chế độ, chính sách mới liên quan đến quyền lợi của NLĐ, nghiệp vụ tài chính, nữ công, UBKT...
Mặt khác, thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn hệ thống, đồng thời tuyên truyền rộng rãi các chương trình đã được ký kết để đoàn viên, CNVCLĐ biết, chủ động tham gia chương trình. Hiện nay, LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn đã tổ chức ký kết, thỏa thuận với 45 đơn vị, doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống xã hội. Nhiều LĐLĐ huyện, thành phố đã có những sáng tạo, chủ động ký kết và chỉ đạo các CĐCS trực tiếp ký kết các chương trình phúc lợi tại địa phương, thiết thực trong cuộc sống hàng ngày như: Các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng may mặc...với mức ưu đãi từ 5-20% tùy theo sản phẩm, dịch vụ... tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và thụ hưởng của đoàn viên, CNVCLĐ. Toàn tỉnh hiện có 18.900 đoàn viên tham gia chương trình, với tổng số tiền được thụ hưởng trên 2,8 tỷ đồng.
Không những vậy, trong nửa nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn cũng chú trọng hoạt động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhằm bảo vệ quyền, lợi ích cho NLĐ. Các cấp công đoàn đã tập trung chỉ đạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn nâng cao kỹ năng đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động để ký kết và tổ chức giám sát việc thực hiện. Số lượng các bản TƯLĐ được ký kết tăng hàng năm so với đầu nhiệm kỳ, đến nay toàn tỉnh có 355 bản thỏa ước/366 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn được ký kết, đạt tỷ lệ 96,9%, trong đó, doanh nghiệp nhà nước đạt 100%, doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 94,5%, có 241 bản thỏa thuận với nội dung có lợi hơn cho NLĐ với giá trị cao hơn quy định của pháp luật như: Chế độ phúc lợi tập thể, thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, cải thiện điều khoản làm việc, tiền ăn ca, tổ chức tham quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tiền tàu xe khi nghỉ phép, mua bảo hiểm thân thể... Nhiều CĐCS đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện thỏa ước và đưa vào chương trình công tác năm để đảm bảo việc ký kết và thực hiện được thống nhất, góp phần đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Bên cạnh đó, Chương trình “Tết sum vầy” được duy trì hàng năm và tạo được sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ và sự ủng hộ, đồng tình từ các tổ chức, cá nhân, góp phần chung tay chia sẻ đối với những CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết đến, xuân về. Với phương châm không để bất cứ gia đình công nhân, NLĐ nào không có tết, nửa nhiệm kỳ qua, hầu hết các cấp công đoàn đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa hướng về NLĐ như tổ chức vui xuân, đón tết, các cuộc thi văn nghệ, thể thao, nấu bánh chưng, trang trí mâm cỗ tết, tổ chức bán hàng giảm giá thông qua các “Phiên chợ nghĩa tình”, tổ chức tham quan, du lịch... cho hàng ngàn đoàn viên, CNVCLĐ. Đặc biệt, hoạt động thăm, tặng quà được quan tâm trong dịp này, ngoài nguồn kinh phí của tổ chức công đoàn, các tổ chức, cá nhân, đơn vị đã hỗ trợ để các cấp công đoàn tặng quà, hỗ trợ tiền mặt, vé xe về quê... cho trên 30.000 lượt đoàn viên, CNVCLĐ, với tổng số tiền là 7,6 tỷ đồng.
NHẬT MINH