Đà Lạt vốn dĩ từ khi được hình thành và phát triển đến nay luôn là một thành phố nhỏ bé và nhàn hạ...
Đà Lạt vốn dĩ từ khi được hình thành và phát triển đến nay luôn là một thành phố nhỏ bé và nhàn hạ. Cho dù trải qua nhiều giai đoạn, chịu nhiều tác động của việc tăng dân số, môi trường, đô thị cũng có đổi thay ít nhiều nhưng cốt cách văn hóa của Đà Lạt thì vẫn còn nguyên và trên cơ sở cốt cách ấy, Đà Lạt đã bắt đầu triển khai xây dựng thành phố thư nhàn thành thành phố thông minh.
|
Quang cảnh trung tâm TP Đà Lạt |
Và kể từ ngày Đà Lạt loan đi ý tưởng xây dựng thành phố thông minh, có rất nhiều ý kiến của cư dân thành phố lẫn người dân yêu mến ở khắp nơi bàn luận sôi nổi về một đô thị thư nhàn thông minh trong tương lai. Kế hoạch này nếu đi đúng với quy hoạch, chắc chắn sẽ giúp Đà Lạt trở thành một nơi đáng sống hơn nữa, bởi xây dựng thành phố thông minh đặt nhiều nỗ lực vào việc mở dữ liệu của chính quyền và xây dựng sự đồng thuận thông qua sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trên nền tảng cốt cách văn hóa riêng vốn có của Đà Lạt.
Thành phố thông minh là gì?
Có lẽ cụm từ thành phố thông minh (smart city) là một trong những cụm từ mà thời gian gần đây được nhiều nước trên thế giới nhắc đến và ngày càng trở nên phổ biến, bởi nó đang là xu hướng đổi mới và phát triển mà tất cả các quốc gia tiến bộ trên thế giới theo đuổi. Trong các cuộc hội thảo, rất nhiều khái niệm về thành phố thông minh, về vai trò của thành phố thông minh được nêu ra. Tuy nhiên, vẫn chưa có một khái niệm chung nào cho thành phố thông minh bởi lẽ cụm từ ấy chỉ là cách định hướng phát triển mà ở đó chính quyền tập trung vào việc tạo ra những giá trị tích cực, thiết thực bằng công nghệ mới cho người dân, doanh nghiệp, đô thị phù hợp với quy hoạch sẵn có.
Sự tiến bộ vượt bậc ngày nay của công nghệ thông tin và truyền thông là tiềm năng to lớn để Đà Lạt nâng cấp thành phố lên một tầm cao mới. Công nghệ số là yếu tố thúc đẩy quan trọng nhưng “ghế người lái” vẫn là do “con người”. Ưu việt của thành phố Đà Lạt thông minh đó là công nghệ sẽ hỗ trợ và giúp chính quyền giải nhiều bài toán khó trong quản lý đô thị. Và hiện Đà Lạt đang tập trung triển khai xây dựng trên một số lĩnh vực là: Chính quyền số; Đô thị thông minh; Nông nghiệp thông minh; Giáo dục thông minh; Y tế thông minh; Du lịch thông minh; Giao thông thông minh; Môi trường thông minh.
Trong một chuyến thăm và làm việc tại Đà Lạt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sau khi đi thực tế một số điểm về du lịch, kinh tế, sản xuất và ghé thăm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của thành phố Đà Lạt đã đưa ra những đánh giá rất cao về mô hình thành phố thông minh mà Đà Lạt đang theo đuổi. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, có nhiều cách thức và hướng để xây dựng thành phố thông minh. Tùy theo năng lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ, và các đặc điểm tự nhiên, văn hóa, xã hội… mà mỗi nơi có những chiến lược riêng phù hợp. Để mô hình ở Đà Lạt khá sát với thực tế phát triển của địa phương ông cũng bày tỏ hy vọng người dân thành phố sẽ ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ việc Đà Lạt xây dựng thành phố thông minh để từ đó hình thành bộ máy quản trị thông minh bên cạnh những công dân thông minh. Những phản hồi và kết quả ban đầu đang thúc đẩy chính quyền thành phố thêm hào hứng và quyết tâm hơn trong việc theo đuổi tham vọng xây dựng thành công mô hình thành phố thông minh trong tương lai gần.
|
Du khách tra cứu thông tin bằng ứng dụng hỗ trợ thông tin Du Lịch thông minh |
Giải quyết vấn đề cũ theo cách mới
Có thể thấy rằng, quy hoạch và quá trình triển khai xây dựng thí điểm thành phố thông minh của Đà Lạt đặt nhiều nỗ lực vào việc mở dữ liệu của chính quyền và xây dựng sự đồng thuận thông qua sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Điểm nhấn đầu tiên là Đà Lạt đã triển khai bước đầu về quản lý quy hoạch đô thị, đất đai. Có lẽ bởi đây là một trong những nội dung vốn nhận được góp ý từ người dân nhiều nhất về “thủ tục hành chính” thời gian qua. Người dân bây giờ không phải mất quá nhiều thời gian hay “chạy vạy, nhờ vả” để tìm kiếm những thông tin về quy hoạch đất đai hay những vấn đề phát sinh khác. Đồng thời, được cung cấp dịch vụ trực tuyến tra cứu thông tin để biết vị trí đất nào nằm trong quy hoạch, diện tích đất có thể chuyển đổi, khu đất đó được phép xây bao nhiêu tầng. Những dữ liệu mở như thế này sẽ giúp tất cả mọi người có thông tin và cho phép họ tạo ra các giải pháp thông minh hơn cho các vấn đề của mình. Và cũng giúp chính quyền quản lý đô thị tốt nhất. Hiện tại, thành phố Đà Lạt đã số hóa dữ liệu 97.751 thửa đất cho các phường; số hóa dữ liệu quy hoạch 11 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn đã được phê duyệt. Hệ thống đang tiếp tục cập nhật và từng bước hoàn chỉnh các dữ liệu.
Thành phố hiện cũng đã chủ động tăng quyền truy cập của người dân vào các dữ liệu của chính quyền. Ví dụ, người dân có thể thông qua ứng dụng trực tuyến gửi phản ánh, khiếu nại về vấn đề xảy ra ở nơi mình sinh sống, làm việc; những việc bất cập mình gặp phải về Trung tâm điều hành thông minh thành phố Đà Lạt. Tất cả các cơ quan chức năng sẽ cùng một lúc nhận được phản ánh của người dân. Thông tin đã được chính quyền tiếp nhận, chưa xử lý hoặc đang xử lý sự việc đến đâu đều được thể hiện công khai, minh bạch ngay trên hệ thống. Các ý kiến chỉ đạo, xử lý và báo cáo kết quả cũng được công khai nhiều chiều. Những trường hợp đặc biệt thì sẽ có chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Điều này giúp giảm thời gian chờ đợi của người dân, tăng mức độ hài lòng của người dân vào chính quyền. Ông Nguyễn Đức Dũng - Chánh Văn phòng UBND TP Đà Lạt cho biết, sau 19 tháng vận hành, đã tiếp nhận gần 1.800 phản ánh của người dân trên 9 lĩnh vực ở 16 xã, phường của thành phố.
Ngoài ra, hiện nay ở một số địa bàn trung tâm, thành phố cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống camera có độ phân giải cao và cực kỳ sắc nét. Hệ thống này có khả năng giám sát cả trên cao lẫn dưới thấp và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, như giám sát trực quan trên bản đồ số, xử lý phản ánh về bất cập đô thị, giám sát đô thị trực tiếp, quản lý quá trình triển khai thủ tục cấp phép xây dựng ở từng cung đường, tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công… UBND thành phố đã bố trí 1 cán bộ và Chánh Văn phòng UBND thành phố trực tiếp theo dõi xử lý ứng dụng, trực tiếp giải quyết kiến nghị đối với lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính phát sinh trên toàn địa bàn.
Các dữ liệu về du lịch thông minh hiện cũng đang được thành phố liên tục cập nhật trên cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh - Dalat flower city, được du khách sử dụng ngày càng nhiều. Ngoài cung cấp các tiện ích để khách tra cứu, tìm kiếm thông tin về khách sạn, địa điểm du lịch, địa điểm mua sắm, giải trí, địa điểm tiện ích công cộng khác, thành phố Đà Lạt còn thiết lập đường dây hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh khi đi du lịch.
Các thông tin dữ liệu về y tế, giáo dục, nông nghiệp, các dữ liệu kinh tế - xã hội của các đơn vị trên địa bàn Đà Lạt cũng đều được cập nhật lên hệ thống, kết nối đồng bộ để vừa phục vụ công tác quản lý, vừa để người dân tiện tra cứu, tìm hiểu, học tập. Việc này đã giảm rất nhiều thời gian, công sức của người dân và cơ quan quản lý, công việc được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
Đánh giá những ưu, khuyết trong suốt quá trình triển khai xây dựng thành phố thông minh đến nay cho thấy những lĩnh vực này đang mang lại hiệu quả và được người dân đón nhận nhiệt tình. Tất nhiên, quá trình triển khai không thể mọi thứ đều hoàn hảo hết, lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Lạt vẫn đang nỗ lực cải tiến cả về kỹ thuật, chỉnh sửa quy trình, hoàn thiện tất cả các dữ liệu để mô hình thành phố thông minh thật sự phát huy tính ưu việt và mang lại lợi ích thiết thực, lâu bền, tạo nên những giá trị tăng thêm hữu ích cho cả chính quyền, cư dân thành phố lẫn khách du lịch, các nhà đầu tư đến với thành phố.
NGUYỄN NGHĨA