Trong khi cuộc sống và công việc kinh doanh ở Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) đang gặp rất nhiều thuận lợi và ổn định...
Trong khi cuộc sống và công việc kinh doanh ở Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) đang gặp rất nhiều thuận lợi và ổn định, nhưng từ khi kết duyên với Hoa hậu thân thiện Ka The - người con của buôn làng K’Ming, thị trấn Di Linh (huyện Di Linh), ông Đoàn Thành Nghĩa đã không chút do dự, quyết định từ bỏ cuộc sống khá an nhàn nơi phồn hoa đô hội lên cao nguyên Di Linh bắt đầu cuộc sống mới.
Ông Đoàn Thành Nghĩa đang chăm sóc vườn hoa hồng môn |
Chọn nghề hoa ở xứ cà phê
Qua trao đổi với vợ chồng ông Đoàn Thành Nghĩa chúng tôi được biết, những năm qua, trào lưu “bỏ phố lên rừng”, về quê để đầu tư sản xuất, nghỉ dưỡng hay để theo đuổi niềm đam mê, trải nghiệm cuộc sống mới để bớt đi sự căng thẳng, ngột ngạt ở thành phố lớn nay không còn là chuyện lạ lẫm. Riêng đối với ông Đoàn Thành Nghĩa khi quyết định bỏ phố lên cao nguyên chỉ với suy nghĩ rất giản dị, đó là mong muốn có nhiều thời gian được sống vui vẻ, hạnh phúc bên vợ con. Chị Ka The chia sẻ: “Ông xã em quyết định từ bỏ công việc ở Sài Gòn về ở rể, cùng sống với bà con làng xóm cũng là mong muốn cho vợ con được sống gần gũi với họ hàng, con cái có nhiều bạn bè hơn. Những ngày đầu về đây, ngoài duy trì công việc ở Sài Gòn ổng còn phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu, lựa chọn, làm quen và bắt đầu một công việc mới”.
Ở Sài Gòn ông Đoàn Thành Nghĩa hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, chuyên về thiết kế bàn ghế trong xưởng gỗ và mở xưởng gốm, kinh tế gia đình ổn định. Khi về cao nguyên Di Linh, vùng đất có thế mạnh phát triển cây cà phê nhưng ông Nghĩa không chọn nghề trồng cà phê làm công việc chính trong phát triển kinh tế gia đình, mà đi theo một hướng khác đó là gắn bó với nghề trồng hoa hồng môn. Theo ông Nghĩa, công việc canh tác cà phê rất nặng nhọc đòi hỏi người làm phải khỏe mạnh, tốn nhiều công lao động, giá cả cà phê trên thị trường lại bấp bênh…, còn công việc trồng hoa hồng môn tuy đòi hỏi kiến thức về khoa học - kỹ thuật khá cao, vốn đầu tư ban đầu rất lớn và thu hồi vốn lâu nên ít người trồng nhưng bù lại công việc rất nhẹ nhàng và đầu ra sản phẩm cũng khá ổn định.
Ông Đoàn Thành Nghĩa bày tỏ: “Năm 2012, tôi bắt đầu trồng hoa hồng môn với diện tích gần 1 sào. Lúc đầu trồng cảm thấy mới lạ, do chưa nắm vững khoa học - kỹ thuật và chưa có nhiều kinh nghiệm trong khâu chăm sóc nên đã nếm trải sự thất bại như cây chậm ra bông và chất lượng bông không đạt so với yêu cầu. Bên cạnh đó, do chưa có đầu ra ổn định nên gặp nhiều khó khăn”.
Sau vài lần nếm trải thất bại, cùng với kiến thức học hỏi kinh nghiệm từ một số người đi trước, ông Đoàn Thành Nghĩa đã tự tìm hiểu qua sách, lên mạng nghiên cứu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa hồng môn…, mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà kính cùng hệ thống tưới, bón phân tự động. Ông là một trong số người đầu tiên ở huyện Di Linh nhập giống cây hoa hồng môn từ Hà Lan về trồng.
Là người chịu khó, ham học hỏi, không nản chí trước những khó khăn, ông Nghĩa vừa làm vừa học để tích lũy kinh nghiệm và áp dụng vào mô hình sản xuất của gia đình. Nhờ đó ông Đoàn Thành Nghĩa đã dần đúc kết kinh nghiệm và từng bước khắc phục được những mặt hạn chế nhất là trong khâu kỹ thuật chăm sóc. “Cây hồng môn có tuổi thọ khá ngắn trên 5 năm tuổi phải thay giống mới thì cây mới cho năng suất và chất lượng bông tốt. Một sào có thể trồng khoảng 8.000 cây. Còn về chi phí đầu tư cũng rất cao, khoảng 600 triệu đồng/sào. Nếu chăm sóc bài bản theo đúng khoa học - kỹ thuật thì từ khi trồng phải mất 3,5 năm mới lấy lại vốn. Vì vậy, nhiều người không dám mạo hiểm chuyển đổi một số diện tích cà phê để phát triển trồng hoa hồng môn”, ông Đoàn Thành Nghĩa nói.
Di Linh là vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá ôn hòa nên thích hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó có cây hoa hồng môn. Từ khi trồng đến khoảng 15 tháng tuổi thì cây mới cho thu hoạch bông ổn định. “Với lợi thế khí hậu mát mẻ nên thích hợp cho cây hoa hồng môn phát triển. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao, dễ lây bệnh, nên hiện nay trên địa bàn huyện cũng ít người trồng hồng môn. Mặc dù, thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng giá cả hoa hồng môn trên thị trường khá ổn định và dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/bông. Sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi 15 triệu đồng/sào/tháng”.
Thành quả từ sắc màu
Từ thành quả bước đầu mà hoa hồng môn mang lại không chỉ giúp gia đình ông Đoàn Thành Nghĩa có cuộc sống ổn định, mà đã tạo thêm động lực cho ông gắn bó và đam mê với nghề trồng hoa. Đến nay, vợ chồng ông Đoàn Thành Nghĩa đã hợp đồng thuê 3 sào đất để mở rộng diện tích trồng hoa lên đến gần 4.000 m2. “Để đa dạng các loại sản phẩm hoa nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, ngoài các màu hoa phổ biến trước đây như màu đỏ, trắng và màu hồng thì thời gian qua chúng tôi đã nhập về thêm cây hồng môn có hoa màu tím, xanh, vàng, màu cà rốt, song hỉ…, nên hiện tại trong vườn lúc nào cũng luôn rực rỡ đủ sắc màu”, chị Ka The phấn khởi.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Thành Nghĩa, hồng môn là loại cây trồng cũng rất nhạy cảm với nhiều bệnh nấm nhất là nấm Xanthomonas gây vàng lá…, do con vi khuẩn gây ra và đường lây truyền chủ yếu từ cây hồng môn sang hồng môn, một khi cây đã nhiễm bệnh thì dùng thuốc hóa học cũng khó mà trị được. Vì vậy, chủ vườn cần làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, ít tiếp xúc với người khác, hạn chế thấp nhất những người vào thăm vườn nhất là những người trồng hồng môn và xung quanh vườn hồng môn không nên trồng cây họ môn.
Với gần 4 sào hồng môn nhưng do được ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, tưới bón phân tự động nên đã giúp ông Nghĩa giảm công lao động, tiết kiệm được nước tưới và tăng năng suất cho vườn cây. Hiện nay, vườn hồng môn của gia đình ông Đoàn Thành Nghĩa thường xuyên cho bông ổn định, mỗi tuần cắt một lần với số lượng bình quân đạt khoảng 4.000 bông/tuần, cung cấp cho thị trường Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc và Di Linh…, sau khi trừ chi phí gia đình ông Nghĩa thu lãi trên 700 triệu đồng/năm.
Đánh giá về ông Đoàn Thành Nghĩa, ông K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh khẳng định: “Ông Đoàn Thành Nghĩa là người tiên phong chọn nghề trồng hoa làm hướng đi phát triển kinh tế gia đình ở tổ dân phố K’Ming. Những năm qua, ông Nghĩa đã giải quyết và tạo công ăn việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương, góp phần làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, ông Đoàn Thành Nghĩa tham gia tích cực phong trào xây dựng đời sống văn hóa và bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn khu dân cư”.
NDONG BRỪM