Chuyển mình sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

04:03, 12/03/2021

Trong 10 năm (2011- 2020) triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Lâm Hà đã đạt được nhiều kết quả nổi bật...

Trong 10 năm (2011- 2020) triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Lâm Hà đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trình độ dân trí được nâng lên. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển theo quy hoạch, đồng bộ, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được mở rộng, cảnh quan, môi trường khang trang, sạch đẹp. 
 
Nhờ xây dựng NTM mà Lâm Hà giờ đã “thay da đổi thịt”, vươn mình phát triển ấn tượng
Nhờ xây dựng NTM mà Lâm Hà giờ đã “thay da đổi thịt”, vươn mình phát triển ấn tượng
 
Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã tạo ra luồng gió mới giải quyết căn bản, đồng bộ những vấn đề bức xúc ở nông thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn cũng như tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội khu vực nông thôn Lâm Hà.
 
Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân nông thôn, Lâm Hà đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Các xã đã chủ động, tích cực thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.
 
Trong giai đoạn này, Huyện ủy, UBND huyện Lâm Hà đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển vùng sản xuất với các loại cây trồng chính như cà phê, chè, dâu, mở rộng diện tích rau, hoa theo hướng công nghệ cao. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng giảm diện tích có hiệu quả kinh tế thấp (cây lương thực, cây lấy củ chất bột, cây đậu công nghiệp, đậu thực phẩm,...) sang cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, dâu tằm, dược liệu, cây ăn quả, bơ, mắc ca...; từ đó kinh tế nông nghiệp ở nông thôn có chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng tăng nhanh giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích. Thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng qua từng năm: Năm 2010 đạt 19,70 triệu đồng; năm 2015 đạt 47,4 triệu đồng; năm 2018 đạt 49,2 triệu đồng; năm 2019 là 52,5 triệu đồng; năm 2020 là 53 triệu đồng. 
 
Các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo đã được triển khai thực hiện lồng ghép đồng bộ, hiệu quả. Đời sống kinh tế - xã hội của Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo được cải thiện và nâng lên rõ rệt, các hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thể hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm. Cụ thể: Năm 2010 có 3.598 hộ nghèo, chiếm 12,57%, giai đoạn 2011- 2018 giảm 2.621 hộ, còn 977 hộ nghèo, chiếm 3,50%; năm 2019 tiếp tục giảm còn 3,11%, năm 2020 giảm còn 2,03%.
 
Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội là vấn đề huyện đặc biệt quan tâm, nên đã huy động mọi nguồn lực từ nhiều nguồn. Tổng kinh phí huy động trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn này là gần 5.000 tỷ đồng. Qua đó, đã kiện toàn hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện, đảm bảo kết nối giữa các xã, thị trấn. Đường giao thông của huyện có tổng chiều dài 1.605 km, trong đó đường quốc lộ (QL.27 và QL.28) dài 36 km mặt đường bê tông nhựa 100%; đường tỉnh lộ (ĐT.724, ĐT.725, ĐT.726) dài 130 km đã thực hiện bêtông nhựa 130 km, đạt 100%; đường huyện, liên xã có tổng chiều dài 121,0 km, đường được cứng hóa bằng bê tông nhựa và bê tông xi măng 121,0 km, đạt 100%; đường huyện do huyện quản lý, với tổng chiều dài 70,1 km, được kết nối tới trung tâm hành chính các xã theo quy hoạch, đến thời điểm hiện tại đã thực hiện nhựa hóa 70,1 km, đạt 100%. Ngoài ra, các công trình điện, trường học, trạm y tế, hệ thống chợ, thủy lợi cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa để đáp ứng nhu cầu của người dân. 
 
Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà cho biết, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, hành trình 10 năm (2011 - 2020) xây dựng NTM của Lâm Hà đã đạt kết quả toàn diện. Sản xuất nông nghiệp đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất; áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất. Kinh tế, xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trình độ dân trí được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm hỗ trợ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cao. Phong trào xây dựng xã, thôn, làng, gia đình văn hóa, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển sôi nổi, rộng khắp. Hệ thống tổ chức chính trị ở cơ sở được củng cố; công tác quản lý, điều hành được đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển theo quy hoạch, đồng bộ, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được mở rộng; cảnh quan, môi trường được cải thiện, khang trang, sạch đẹp, văn minh; nét đẹp truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc được giữ gìn và phát huy. 
 
HOÀNG YÊN