Bấy lâu nay Thôn 8, xã Mỹ Đức (Đạ Tẻh) vẫn được biết đến với cái tên đặc biệt: buôn Con Ó, đa phần dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ...
Bấy lâu nay Thôn 8, xã Mỹ Đức (Đạ Tẻh) vẫn được biết đến với cái tên đặc biệt: buôn Con Ó, đa phần dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Châu Mạ. Trước đây, tiếng cồng chiêng và những điệu múa xoang của bản làng dần trôi vào quên lãng vì nhiều lý do. Cho đến năm 2019, những thanh niên trong buôn quyết tâm khôi phục những thanh âm rền vang như sấm dậy của núi rừng để bảo lưu nét văn hóa tốt đẹp của cha ông đã được dân tộc và cả thế giới tôn vinh.
|
K’Túc và K’Giang giới thiệu về cồng chiêng của buôn Con Ó |
Khoảng 5 năm trước, chúng tôi có dịp ghé buôn Con Ó để thực hiện chương trình “Trung thu cho em” do Báo Lâm Đồng tổ chức. Trong ký ức cũ, buôn Con Ó là một nơi còn nhiều khó khăn với những ngôi nhà gỗ bạc thếch vì mưa nắng của đại ngàn. Khó, khổ một thời có lẽ đã kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó việc bảo lưu và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông, mà ở đây là cồng chiêng và múa xoang dần bị mai một.
Dịp này, tôi lại trở về buôn Con Ó. Bí thư Đoàn Thanh niên xã, anh K’Giang là “hoa tiêu” dẫn đường. K’Giang bảo: Đổi thay nhiều lắm, bây giờ trong buôn đã có nhà xây, mà xây đến vài trăm triệu đồng hẳn hoi. Cao su, dâu tằm đã lên xanh trên những triền đất hoang hóa, bà con đã được đa dạng sinh kế để thoát nghèo bền vững.
K’Giang rong ruổi xe máy chở khách đi thăm một vòng quanh buôn, rồi bất chợt anh dừng lại nơi hội trường thôn, là nơi cất giữ “báu vật” của đại ngàn: cồng chiêng. Năm 2019, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Đức cùng Đoàn Thanh niên xã quyết tâm xây dựng câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng và múa xoang của xã với lực lượng nòng cốt chính là thanh niên buôn Con Ó.
Công tác vận động thanh niên ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, ngay bản thân K’Giang là người của buôn Con Ó còn cảm thấy khó vì thời gian gần đây Internet, mạng xã hội, dòng nhạc tân thời đã chi phối một phần trong việc thưởng thức nghệ thuật của thanh niên nói chung và thanh niên buôn Con Ó nói riêng.
Dù vậy, kế hoạch đã đề ra thì không thể không thực hiện, trong lúc lực lượng thanh niên của buôn Con Ó khá đông đảo. Thế là ý định mời các cao niên, trung niên trong buôn biết đánh cồng chiêng biểu diễn vào mỗi tối để thanh niên thưởng thức được triển khai. Trưởng thôn K’Túc cộng tác với các công sự là K’Vị, K’Gẹo rền vang những thanh âm trầm bổng bằng cồng chiêng, còn bà Ka Mít thì nhịp nhàng điệu xoang núi rừng. Biểu diễn xong, các cao niên, trưởng thôn, người uy tín xin ý kiến đóng góp về nhu cầu thưởng thức âm nhạc và dân vũ của nam nữ trong thôn. Ban đầu cũng không mấy ai hào hứng nhưng “mưa dầm thấm lâu”; nốt trầm nốt bổng cũng phải có thời gian mới thẩm thấu được vào sự cảm nhận của các bạn trẻ.
|
Thanh niên nam nữ buôn Con Ó biểu diễn cồng chiêng và múa xoang trong các dịp lễ, hội của địa phương |
Trưởng thôn K’Túc chia sẻ: Ban đầu khó khăn lắm, có mấy thanh niên hào hứng đâu, tai thì nghe mà tay thì bấm điện thoại. Thấy thế là không ổn, tôi bắt đầu cầm tay chỉ việc luôn. Thanh niên nam nữ nào trong thôn nghe xong chúng tôi đánh mà thể hiện lại được một phần thì sẽ có phần thưởng. Đó chính là những tràng pháo tay động viên; dần dà, ai cũng thích thú, muốn thể hiện mình.
Nhịp cồng chiêng và điệu múa xoang được thể hiện thường nhật vào mỗi tối nhưng đặc biệt đến tối Chủ nhật có thêm phần đốt lửa trại ngay tại nơi tập luyện, bởi thanh âm của núi rừng không thể thiếu bập bùng lửa khuya để khơi dậy tinh thần của thanh niên trong buôn làng. Đến nay, cả buôn có 22 thanh niên nam nữ tham gia vào CLB, trong đó có 12 thanh niên là biên chế “cứng”.
Là thành viên của CLB, K’Doãn - Bí thư Chi đoàn thôn cũng là một người hết sức năng nổ với hoạt động tập luyện cồng chiêng, vì một sự rằng bản thân mình là người con của buôn làng, là Bí thư Chi đoàn thôn thì phải luôn gương mẫu đi đầu. Chính vì vậy, trong mỗi buổi tập luyện, K’Doãn đều có mặt rất sớm, ở lại muộn để ghi chép lại những kiến thức về cồng chiêng và múa xoang để truyền tải đến các thành viên.
Còn Ka Thỏa là người được giao trọng trách phụ trách viết bài và quay phim về cồng chiêng của nhóm để đưa lên facebook. Tân tiến cũng có nhiều mặt lợi nếu ta biết khai thác và sử dụng; từ những bình luận tích cực và góp ý xây dựng của nhiều người thưởng thức mà các thành viên trong CLB đã đúc rút được kinh nghiệm cho những lần biểu diễn và tập luyện tiếp theo.
Giờ đây, vào mỗi tối, nhịp cồng chiêng, điệu xoang đã trở thành nhịp thở của buôn Con Ó, thanh âm rền vang xua đi sự tối tăm của núi rừng, trả lại những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Châu Mạ. Mong muốn của thanh niên ở buôn Con Ó là cố công tập luyện để mai này khi du lịch phát triển, họ có thể vững tin thể hiện một cách chuyên nghiệp để chào đón khách thập phương.
ĐỨC TÚ