UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh...
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã quy định chi tiết về việc kiểm kê, xếp hạng di tích, đón bằng công nhận xếp hạng di tích, hủy bỏ việc xếp hạng di tích; quản lý mặt bằng và không gian di tích, quản lý hiện vật thuộc di tích; tiếp nhận, bổ sung biểu tượng, sản phẩm, linh vật, đồ thờ tự mới vào di tích. Tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường tại di tích; quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch tại di tích; nguyên tắc và quy trình tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp di tích; bảo quản, bảo vệ, phát huy giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quản lý di vật, cổ vật trong di tích khảo cổ; mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; nhiệm vụ, trách nhiệm của sở, ngành, địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Cụ thể, việc kiểm kê di tích phải được tiến hành ít nhất 5 năm 1 lần, thường xuyên rà soát, bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh mục kiểm kê di tích các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên không đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích. Việc xếp hạng di tích phải được thực hiện theo đúng quy trình, đúng thẩm quyền trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Di tích đã được xếp hạng phải được cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích; việc cải tạo xây dựng các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Hàng năm thực hiện kiểm kê hiện vật thuộc di tích đã được xếp hạng; không tự ý di dời, tu bổ, làm thay đổi màu sắc, kiểu dáng hiện vật và các yếu tố gốc cấu thành di tích. Biểu tượng, sản phẩm, linh vật đồ thờ tự mới được tiếp nhận, bổ sung vào di tích phải có giá trị thẩm mỹ, phù hợp với thuần phong mỹ tục; kích thước, kiểu dáng, màu sắc phải phù hợp với không gian kiến trúc, phù hợp với mỹ thuật truyền thống và nội thất, cảnh quan di tích. Việc tổ chức lễ hội tại di tích phải phù hợp với tính chất, đặc điểm lịch sử của di tích, phù hợp với thuần phong mỹ tục và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời thực hiện nếp sống văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các tổ chức, cá nhân được giao quyền quản lý di tích có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, du lịch tại di tích.
Khuyến khích chủ sở hữu hiến tặng các sưu tập di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào Bảo tàng tỉnh để bảo vệ và phát huy giá trị trong trường hợp chủ sở hữu không có đủ điều kiện và khả năng bảo vệ, trưng bày, giới thiệu phục vụ công chúng. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong bảo tàng phải được bảo vệ tuyệt đối an toàn; di vật, cổ vật được phát hiện trong di tích, di chỉ khảo cổ phải được khoanh vùng bảo vệ, tổ chức lực lượng bảo vệ kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm và tổ chức thu nhận, bảo quản theo quy định. Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng di tích để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh trái phép và hoạt động vi phạm pháp luật.
Việc ban hành quy định này nhằm kịp thời bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và bảo vệ sự tôn nghiêm của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa địa bàn tỉnh.
QUỲNH UYỂN