Đợt dịch thứ 4 xuất hiện nhiều biến chủng của vi rút SARS-CoV-2

11:05, 29/05/2021

(LĐ online) - Sáng nay, 29/5, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần "Chống dịch như chống giặc".

(LĐ online) - Sáng nay, 29/5, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.
 
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Khu công nghiệp Phú Hội (Đức Trọng)
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Khu công nghiệp Phú Hội (Đức Trọng)
 
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 17 giờ 00 ngày 28/5, tổng số ca mắc Covid-19 trên cả nước là 6.570 trường hợp; trong đó, có 5.077 trường hợp ghi nhận trong nước và 47 trường hợp tử vong.
 
Từ đầu dịch đến ngày 26/4, tổng số có 2.852 trường hợp; trong đó, có 1.570 trường hợp ghi nhận trong nước (55%), 1.282 trường hợp nhập cảnh (45%) và ghi nhận 35 trường hợp tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi trong 3 đợt dịch là 2.705 trường hợp (93,3%). 
 
Đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 và tính đến 16 giờ 00 ngày 28/5, tổng số ghi nhận 3.718 trường hợp; trong đó, có 3.507 trường hợp ghi nhận trong nước (91,5%), 211 trường hợp nhập cảnh (8,5%) và ghi nhận 12 trường hợp tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi trong đợt dịch này là 182 trường hợp, hiện đang điều trị 3.524 trường hợp.
 
Đến thời điểm hiện tại, đã có 8 địa phương qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, gồm: Yên Bái (32 ngày), Đồng Nai (24 ngày), Quảng Ngãi (23 ngày), Nghệ An (22 ngày), Quảng Ninh (20 ngày), Quảng Nam (19 ngày) và Quảng Trị (18 ngày), Thừa Thiên Huế (16 ngày). 
 
23 tỉnh, thành phố còn lại ghi nhận 3.491 ca mắc từ ngày 27/4 đến nay. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong tỏa.
 
Bộ Y tế nhận định, đợt dịch thứ 4 xuất hiện nhiều biến chủng của vi rút SARS-CoV-2, bao gồm: Biến chủng B.1.1.7 phát hiện tại Anh (đã ghi nhận tại Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Nội…), các biến chủng phát hiện tại Ấn Độ là B.1.617.2 (đã ghi nhận tại Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội…) và B.1.222, B.1.6192 (đã ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh). So với các đợt dịch trước, chỉ ghi nhận biến thể B.1.1.7 phát hiện tại Anh trong đợt dịch thứ 3 liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương và biến thể D614G phát hiện tại Châu Âu trong đợt dịch thứ 2 liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng.
 
Để tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh ở cộng đồng, bảo đảm an toàn cho các khu công nghiệp, Bộ Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý chặt khu công nghiệp, thực hiện xét nghiệm tối thiểu 2 lần với kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi tổ chức sản xuất, kinh doanh, đảm bảo không làm đình trệ hoạt động của khu công nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng tránh lây nhiễm trong các khu công nghiệp.
 
 Những địa bàn, khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội tuyệt đối không để người dân ra, vào khu vực cách ly, phải triệt để thực hiện nghiêm các hoạt động phòng chống lây nhiễm trong khu vực theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không để lây nhiễm trong cơ sở cách ly tập trung và lây lan ra cộng đồng; tổ chức bàn giao, tiếp nhận và giám sát y tế sau khi cách ly tập trung; tăng cường quản lý chuyên gia, người nhập cảnh; tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, động viên, khen thưởng, xử phạt kịp thời.
 
Tổ chức, củng cố lại tổ Covid-19 trong cộng đồng và trong các khu công nghiệp. Các tổ này phải hoạt động thực chất, có kiểm tra giám sát và có báo cáo hàng ngày. Đây là biện pháp chiến lược vô cùng quan trọng để chống dịch tại cộng đồng không thể không làm.
 
Tổ chức lại sản xuất tại các khu công nghiệp đảm bảo công tác phòng chống dịch, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt đối với các nhà máy, xí nghiệp lớn mang tính toàn cầu. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lao động sản xuất phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định; trong đó, người dân được phép lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất của địa phương; các phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa được hoạt động nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch.  
 
AN NHIÊN