(LĐ online) - Đảm bảo công tác y tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu nhằm phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...
(LĐ online) - Đảm bảo công tác y tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu nhằm phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Để đảm bảo nội dung này, ngoài ban hành các công văn, hướng dẫn chi tiết để triển khai trong toàn ngành, lãnh đạo ngành y tế cũng đã xuống tận các thôn, buôn ở vùng sâu vùng xa để triển khai chi tiết công tác phòng chống dịch.
Ông K’Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông báo cáo về công tác triển khai phòng dịch tại các điểm bầu cử |
Trực tiếp có mặt trong đoàn kiểm tra chuẩn bị công tác bầu cử ở các xã, thôn vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra chi tiết công tác chuẩn bị phòng dịch tại các điểm bầu cử ở cơ sở. Ngoài khẩu trang, nước sát khuẩn, mã QR để khai báo y tế điện tử… ông Nguyễn Đức Thuận đã trực tiếp chỉ đạo trung tâm y tế các huyện hướng dẫn các địa phương làm đường hướng dẫn bầu cử cho bà con và việc xây dựng các khu cách ly dã chiến ngay tại điểm bầu cử.
Giám đốc Sở Y tế cũng lưu ý các địa phương phải khoanh vùng, cách ly tại chỗ nếu có tình huống xảy ra, không được để cử tri di chuyển làm nguy cơ lan rộng và việc khoanh vùng trở nên phức tạp hơn. Ông Nguyễn Đức Thuận cho biết toàn tỉnh có 1.110 điểm bầu cử, mỗi điểm sẽ có 1 cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ. Tại các điểm bầu cử đã chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm và phương tiện hỗ trợ phục vụ bầu cử. Sở Y tế cũng đã rà soát, xây dựng kịch bản, phương án ứng phó cụ thể cho từng tình huống của dịch Covid-19 theo nguyên tắc “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” và thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ trong các tình huống thực tế của dịch.
Ông K’Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông cho biết: Thực hiện yêu cầu của Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện cũng đã xây dựng kịch bản, phương án để xử lý các tình huống có thể xảy ra trước và trong thời gian bầu cử. Trung tâm Y tế cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các điểm bầu cử đảm bảo thông thoáng, ngăn dây hướng dẫn cử tri tham gia bầu cử đi vào và ra theo một chiều. Trung tâm cũng đã quán triệt các nhân viên y tế được phân công thực hiện nhiệm vụ tại các tổ bầu cử ghi chép thời gian bầu cử của cử tri để thuận lợi trong tổ chức quản lý và truy vết nếu có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2; đồng thời, đảm bảo giãn cách và tuân thủ 5K tại khu vực tổ chức bầu cử. Không để những người có biểu hiện ho, sốt hoặc nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 tham gia Tổ bầu cử và hoạt động bầu cử.
Ngày bầu cử đã cận kề, cán bộ trung tâm y tế các huyện, thành phố vẫn thường xuyên rà soát triệt để nắm chắc tình hình cử tri là các trường hợp đi về từ khu vực có dịch, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới… để khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng thì khẩn trương tổ chức khoanh vùng nhanh, gọn nhất có thể; thực hiện thần tốc truy vết, cách ly y tế kịp thời và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu xét triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.
Các quy định phòng dịch được triển khai xuyên suốt từ trước, trong và sau bầu cử |
Ông Nguyễn Đức Thuận khẳng định, ngành y tế đã chuẩn bị đủ đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất để sẵn sàng xử lý các tình huống trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt, mỗi đơn vị thành lập 1 tổ cấp cứu lưu động bao gồm 1 bác sỹ, 1 điều dưỡng, 1 lái xe có đầy đủ thuốc, phương tiện cấp cứu và xe cứu thương để sẵn sàng hỗ trợ cho các huyện và xã khi cần. Thông báo đường dây nóng của đơn vị cho các xã, phường, thị trấn và các Ban bầu cử tại địa phương để kịp thời tiếp nhận thông tin khi cần thiết. Kích hoạt toàn bộ các đội phản ứng nhanh của đơn vị, sẵn sàng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra.
Hiện, Lâm Đồng chưa phát hiện ca mắc Covid-19 nên các địa phương đang triển khai đảm bảo y tế theo phương án đối với vùng không có dịch. Ngành y tế lưu ý các địa phương nếu trong quá trình bầu cử xảy ra tình huống phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc Covid-19, cán bộ y tế cách ly ngay cử tri tại điểm bầu cử, chuyển bệnh nhân nghi nhiễm về cách ly điều trị tại cơ sở y tế, phong tỏa điểm bầu cử, niêm phong hòm phiếu, báo cáo xin ý kiến Ban bầu cử tỉnh/huyện, vệ sinh khử khuẩn khu vực bầu cử. Cử tri còn lại chưa vào điểm bầu cử, Ban bầu cử lập danh sách gửi đến Tổ bầu cử gần nhất để được tiếp tục bầu cử.
Đối với việc tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại nhà, cần chuẩn bị hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động), phiếu bầu cử, bút, thước kẻ, găng tay, dung dịch sát khuẩn bằng cồn dạng phun sương, khẩu trang. Vận chuyển đến nhà bệnh nhân (phối hợp với Tổ Covid -19 cộng đồng để thực hiện việc bỏ phiếu và giám sát người cách ly tại nhà). Trường hợp này cần lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 trước và sau thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ của Tổ bầu cử.
Đối với việc tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung cần căn cứ điều kiện thực tế để bố trí thùng phiếu ở vị trí phù hợp, có hàng rào ngăn cách. Sử dụng bút, thước kẻ, găng tay riêng cho từng người và bỏ vào thùng chứa rác thải có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2” sau khi dùng.
Mặc dù hiện nay, các ca nghi nhiễm Covid-19 ở Lâm Đồng đều đang cho kết quả xét nghiệm âm tính, song ngành y tế cũng đã chuẩn bị kịch bản chi tiết cho 7 tình huống cụ thể để không lúng túng trong thực hiện bầu cử nếu phát hiện có dịch.
Tại tất cả các điểm kiểm tra công tác bầu cử ở cơ sở, đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh đều đặc biệt lưu ý các địa phương sức khỏe Nhân dân là quan trọng nhất. Việc bầu cử diễn ra trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp nên chính quyền địa phương và bà con Nhân dân, nhất là các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số phải nghiêm túc thực hiện việc giãn cách và nâng cao ý thức phòng dịch nhằm thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ kép: Bầu cử và phòng dịch.
NGỌC NGÀ