(LĐ online) - "Ở mảnh đất này, tại sao vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều người nghèo"? Tôi mang câu hỏi ấy đi cùng suốt những năm qua, nhưng chẳng có ai, từ những người mang trên mình chức phận quan trọng...
[links()]
(LĐ online) - “Ở mảnh đất này, tại sao vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều người nghèo”? Tôi mang câu hỏi ấy đi cùng suốt những năm qua, nhưng chẳng có ai, từ những người mang trên mình chức phận quan trọng được giao phó, đến những người nhiều năm nặng tình với mảnh đất này, chẳng một ai có thể đủ lý lẽ thuyết phục để cho tôi một câu trả lời tận tường, thấu đáo đến tận cùng của nguồn cơn.
Bài 1: Những “nốt lặng” trong bản hòa tấu Nam Tây Nguyên
“Xuất phát điểm của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn thấp. Tư tưởng trông chờ ỷ lại của một bộ phận đồng bào dân tộc còn lớn. Tính thụ động, thiếu ý thức khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống vẫn còn tồn tại...”. Đây là một những đoạn văn bản được tôi ghi lại không thừa thiếu một dấu chấm phẩy trong mục nguyên nhân chỉ ra những khó khăn, hạn chế của Báo cáo tình hình chiến lược công tác dân tộc 2018 -2020 của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng.
|
Sự thay đổi đời sống của người đồng bào DTTS rất cần sự lắng nghe của những cán bộ cơ sở |
Với những ai thường xuyên tiếp xúc với các loại báo cáo dạng này, không khó để chúng ta nhận thấy tất cả đều có sự giống nhau đến kinh ngạc. Giống đến mức độ khiến nhiều người lãnh cảm không buồn lướt qua. Đầu tư nhiều cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có thay đổi nhưng hiệu quả không cao; diện mạo thôn buôn thay đổi bằng những chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn kinh phí nhà nước mà không phải bằng nội lực tự thân, giống như chiếc phông màn che phủ đi những nội tại mang gam trầm ở phía sau. Và cứ nếu theo những gì trong báo cáo viết, thì việc thay đổi tư tưởng của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với tính thụ động gần như một căn bệnh mãn tính kinh niên, suốt nhiều năm không tìm ra phương thuốc hữu hiệu.
Nhưng liệu đó có phải là câu trả lời đúng? Không sai! nhưng vô cảm và thiếu lý lẽ biện minh để thuyết phục.
Ai đã từng trải qua cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc chí ít cất công tìm hiểu, cũng đều biết đời sống của người DTTS Tây Nguyên nói riêng và các DTTS khác ở Việt Nam phần lớn đều nương tựa vào rừng cộng đồng. Ở đó, họ có những khu rừng thiêng phục vụ mục đích về tâm linh, tín ngưỡng cũng như người Kinh có đền thờ và nhà thờ dòng họ. Không những thế, còn có những khu rừng khai thác sản phẩm chung của cả buôn làng như dược liệu, củi và vật liệu để làm đồ thủ công và nhà ở. Hình thức quản lý rừng truyền thống theo cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong phong tục, tập quán cũng như sinh kế của họ. Giản đơn hơn, với rừng, họ có quyền lực, có được không gian sống và cả thức ăn của đời sống thường ngày.
Sự phát triển theo quy luật tự nhiên nhưng thiếu sự kiểm soát trong một thời gian dài đã khiến rừng tự nhiên dần bị thu hẹp. Khi “rừng bị đóng cửa” với nhiều nhóm người DTTS quen với canh tác truyền thống hoàn toàn dựa vào nắng mưa của trời và quen hưởng những đặc ân của rừng ban phát, họ gần như mất đi một nửa nguồn sống.
Không thể phủ nhận, việc quy hoạch dân cư tập trung, sản xuất tập trung tuân theo quy luật phát triển cùng với đó là hàng loạt chủ trương, chính sách hỗ trợ đúng đắn, sự quan tâm, chăm lo đời sống của Đảng và Nhà nước đã giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, cũng với những chính sách, chương trình hỗ trợ đó, tại sao việc thay đổi ở một số nơi trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều trở ngại, thách thức. Điều này, đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu công tác dân vận ở những cơ quan chức năng đã làm tốt phận sự của mình hay chưa? Không khó để tìm ra câu trả lời, bởi nếu có, thì trong những bản báo cáo như đề cập ở trên đã không có những dòng nguyên nhân luôn ở trong tình trạng “không cần đọc cũng biết”.
Có một câu chuyện cứ mãi ám ảnh tôi. Khi ở vùng sâu Đạ Tông của huyện Đam Rông có một ông Phó Chủ tịch UBND xã mỗi năm làm được 4-5 tấn lúa nhưng không bao giờ dám đem về nhà. Giống như người trong cơn mộng mị, tôi hỏi lý do, ông Nguyễn Quốc Hương – Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đam Rông trả lời: Vì sợ dòng họ đến xin!
|
Đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi khi thay đổi thói quen, tập tục canh tác cũ |
Cũng ở huyện Đam Rông, vài năm trước để chủ động cho bà con ổn định lương thực tại chỗ, tăng gia cải thiện, xã Liêng Srônh đã phát động phong trào mỗi gia đình người đồng bào DTTS tại chỗ trồng rau và nuôi gà để lấy trứng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào này cũng sớm “chết yểu” bởi chuyện đi xin qua lại.
Lớn hơn, theo ông Hương khi triển khai xây dựng cánh đồng mẫu cho bà con với nguồn kinh phí được hỗ trợ của Nhà nước, cộng thêm cán bộ nông nghiệp cầm tay chỉ việc, mỗi vụ bà con đều có thể thu từ 5-6 tấn lúa/ha/năm. Nhưng chương trình thành công, chuyển giao cho người dân, đâu lại vào đó. Là người đã từng phản đối và không đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng một số người dân vùng đồng bào DTTS vẫn còn ỷ lại, ông Nguyễn Quốc Hương cho rằng chính sự nặng nề về phong tục, đời sống cộng cư, bó hẹp trong cộng đồng đã khiến người dân khó mạnh dạn thay đổi để thoát ra khỏi cuộc sống đói nghèo.
Những câu chuyện thực tế khiến không ít người nghe lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” ở Đam Rông chỉ là một trong vô vàn những lý do chính đáng được người trong cuộc nhìn nhận bằng chính cảm quan của mình. Điều này làm cho tôi nhớ lại hình ảnh trong nhiều bộ phim, sau mỗi cuộc săn, tất cả phần thịt ở mỗi bộ phận đều được chia đều cho tất cả người dân trong cộng đồng đó.
“Làm sao để thay đổi điều đó”? Hỏi ông Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đam Rông theo đúng chức chức năng công việc mà ông được giao nhiệm vụ. “Rất khó để thay đổi, phải cần rất nhiều thời gian. Bởi bản thân mỗi người đồng bào DTTS có vai vế, có của ăn của để, có sự thành công trong cuộc sống cũng không thể độc lập, hoặc đủ dũng khí để thoát ra khỏi cộng đồng đó. Bởi nếu không chia sẻ, chính họ sẽ bị cả dòng tộc cô lập và đào thải ra khỏi đời sống của họ”. Thế nên ở Đam Rông có một câu chuyện mà gần như ai cũng biết, đó là cửa sau nhà bếp của một lãnh đạo cấp huyện không bao giờ đóng trong những lúc gia đình ông đi làm việc, bởi khi cần thì tiện cho bà con khó khăn đến lấy gạo ăn.
Cùng chia sẻ với ông Hương, bà Đa Cát Ka Hương – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông cho rằng: “Đa số bà con DTTS nơi đây đều theo chế độ mẫu hệ, đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy và rừng. Để thay đổi tư duy, cho bà con quen với việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phải mất rất nhiều thời gian. Sự hỗ trợ của nhà nước cũng phần nào đó khiến bà con không trông chờ và thiếu đi tính chủ động. Tâm lý trên, xuất phát từ thói quen ngàn đời của bà con là chỉ cần đủ cái ăn, cái mặc, đủ cho những nhu cầu tối thiểu mà ít có sự sự vươn lên làm giàu”.
Có một nghịch lý rất khó để chấp nhận. Khi Nhà nước không thể không đầu tư, hỗ trợ, bởi đó là chủ trương và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong mục tiêu không để cho người nghèo bị bỏ lại phía sau. Trong khi đó, một số bộ phận người dân lại bằng lòng với cuộc sống bằng những định kiến, hủ tục khó thay đổi.
Chính sự bằng lòng của một số người dân đã khiến cho kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện Đam Rông trong năm 2020 không đạt so với mục tiêu đề ra tới trên 7%. Trong đó hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn xấp xỉ 1.000 hộ, chiếm tỷ lệ 12,6% trong tổng số 7,45% hộ nghèo của toàn huyện.
Tất nhiên, ở Lâm Đồng, không chỉ mỗi Đam Rông. Sự chậm phát triển ở một số vùng có đông người đồng bào DTTS sinh sống ở những địa phương khác cũng đang là bài toán nan giải, là trở ngại thực sự cũng như là thách thức không dễ để vượt qua đối với Đảng bộ và chính quyền tỉnh. Đồng thời kéo theo nhiều hệ quả làm chậm lại quá trình tăng tốc và những mục tiêu cụ thể trong lộ trình phát triển của địa phương.
Theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 thì chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Không cần người giỏi toán, chỉ cần một phép tính đơn giản, 1,5 triệu đồng ở thời điểm hiện tại chỉ chưa đầy quá 6 ngày công của một lao động phổ thông như phụ hồ hay làm cỏ vườn. Vậy mà, có những địa phương vẫn không thể hoàn thành mục tiêu giảm nghèo với những tỷ lệ thay đổi ì ạch đến ám ảnh.
Biết được những tồn tại, những căn nguyên của vấn đề bà con người DTTS ít chịu thay đổi vì những tập tục, vì thói quen truyền thống xưa cũ. Lại cũng là lúc chúng ta chất vấn, vai trò, tiếng nói của cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã đủ thuyết phục người dân hay chưa? Không thể bằng lòng với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng để mỗi con người có thể thoát nghèo và bình thản thống kê vào mỗi bản báo cáo cuối năm cho hoàn thành nhiệm vụ. Phải ngửi thấy mùi cháo chua trong mỗi gian bếp ngái nặng mùi khói, chỉ có như thế, mỗi con số giảm nghèo mới bớt vô hồn.
ĐẶNG TUẤN LINH (còn tiếp)