Vận đã đủ Khéo để Dân nghe

06:05, 30/05/2021

Trong Kinh tế học có một nguyên lý cơ bản đó là "Quy luật hiệu suất giảm dần". Thoạt nghe, quy luật mang tính học thuật này có vẻ không liên quan tới công tác dân vận để làm thay đổi tư duy của người dân vùng đồng bào DTTS...

[links()]
Bài 2: Cần hơn ở cán bộ cơ sở 4 chữ “Hoàn thành nhiệm vụ”
 
Trong Kinh tế học có một nguyên lý cơ bản đó là “Quy luật hiệu suất giảm dần”. Thoạt nghe, quy luật mang tính học thuật này có vẻ không liên quan tới công tác dân vận để làm thay đổi tư duy của người dân vùng đồng bào DTTS. Nhưng nếu cách thức vận động thiếu đi chiều sâu, vẫn cứng nhắc lập trình khuôn thước mà thiếu đi sự linh hoạt, thiếu đi sự lắng nghe, thì tiếng nói của những cán bộ cơ sở sẽ chẳng bao giờ có thể giúp cho người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông tỏ.
 
Trẻ em vùng DTTS luôn được tạo điều tốt nhất để phát triển
Trẻ em vùng DTTS luôn được tạo điều tốt nhất để phát triển
 
Theo các nhà Kinh tế học tân cổ điển thì Quy luật hiệu suất giảm dần diễn ra bởi sự rối loạn trong toàn bộ quá trình sản xuất khi mà yếu tố đầu vào là lao động được gia tăng, trong khi yếu tố nguồn vốn lại không thay đổi. Điều này cũng có nghĩa việc sản xuất thêm một đơn vị đầu ra trên mỗi đơn vị thời gian thậm chí có thể gia tăng thêm chi phí, bởi vì các yếu tố đầu vào bị lãng phí và không được sử dụng một cách hiệu quả.
 
Quy luật này giống hệt cách thức Nhà nước đầu tư tiền vốn, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất cho người dân nghèo nói chung và người DTTS nói riêng. Khi nguồn vốn hỗ trợ chưa đủ thời gian để phát huy tác dụng thì ngay trong chính hộ nghèo đó lại “đẻ” thêm một hộ nghèo khác, bởi có người trong gia đình tách hộ ra ở riêng. Điều này dẫn tới tình trạng, lại phải có thêm hàng chục chương trình mới giúp đỡ thêm cho một hộ nghèo, đồng thời gia đình được nhận hỗ trợ ban đầu lại có nguy cơ cao tái nghèo. 
 
Với những vùng DTTS vẫn còn nặng về đời sống cộng cư, duy trì thói quen, tập tục cũ, chậm thay đổi thì việc đầu tư cả “con cá lẫn cần câu” cũng sẽ không phát huy được tác dụng nếu công tác dân vận của hệ thống chính trị cơ sở đó không làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình.
 
Lắng nghe nhiều hơn để thuyết phục làm thay đổi tư duy là chìa khóa duy nhất để vượt qua cửa ải này. Sự bằng lòng với cuộc sống có đủ cái ăn, khó khăn thì đã có Đảng và Nhà nước lo chính là căn bệnh trầm kha dai dẳng của một số bộ phận người đồng bào DTTS Lâm Đồng nói riêng. Thuốc trị hữu hiệu không phải là những chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Trung ương và địa phương (điều này vượt tầm suy nghĩ của những người dân nghèo hạn chế về nhận thức), cái họ cần là những liệu pháp tâm lý gần gũi của những người cán bộ cơ sở có tâm và có tầm. 
 
Để làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng đồng bào DTTS, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữ vùng đô thị với vùng đồng bào DTTS, trong Nghị quyết số 14 “Về phát triển vùng đồng bào Dân tộc thiểu số Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” ban hành năm 2018, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã nêu rõ: Dù đã đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng sự phát triển của vùng đồng bào DTTS Lâm Đồng vẫn tồn tại rất nhiều hạn chế. Một trong những thách thức lớn nhất đó là, công tác giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đồng bào vẫn còn khó khăn ...trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một số xã vùng đồng bào dân tộc chưa hoàn thành các tiêu chí như: thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo ...
 
Áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc cây cà phê của người DTTS tại Đam Rông
Áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc cây cà phê của người DTTS tại Đam Rông
 
Để hoàn thành mục tiêu chung, Nghị quyết số 14 cũng đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng: Công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ... Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới...
 
Không ai có thể phủ nhận tính đúng đắn và cấp thiết về những nội dung mà Nghị quyết số 14 của Tỉnh ủy Lâm Đồng đề ra. Tuy nhiên, để Nghị quyết đến được với người dân nghèo của vùng đồng bào DTTS lại là một câu chuyện dài.
 
Trong những năm vừa qua, đội ngũ cán bộ chuyên môn của hệ thống chính trị cơ sở Lâm Đồng đã được kiện toàn và được đào tạo căn bản. Tuy nhiên, cũng không ngại ngần thẳng thắn thừa nhận là ở một số nơi cán bộ cấp xã, phần nào đó cấp huyện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong những lần trước đây, chính Bí thư Huyện ủy Đam Rông - Nguyễn Văn Lộc cũng đã từng chia sẻ về điều này: Hơn ai hết, họ là những người vất vả nhất, là những người gần dân nhất. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, nhưng vẫn còn nhiều anh em thiếu sâu sát và chưa đáp ứng được năng lực chuyên môn.
 
Chúng tôi hiểu cái khó của Bí thư Huyện ủy Đam Rông, một lãnh đạo của một huyện còn nhiều khó khăn như anh: Đó là sự thiếu hụt về đội ngũ cán bộ có đủ sự nhiệt tình cũng như tri thức để có thể gánh vác và sẵn sàng đảm đương trách nhiệm ở những nơi người dân cần nhất.
 
Hay như ở Di Linh, một huyện có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp và dù là địa phương có nhiều đơn vị hành chính cấp xã nhất Lâm Đồng nhưng cũng đã có những bước phát triển ngoạn mục trong chương trình xây dựng. Tuy nhiên, huyện cũng đã một lần phải lỡ hẹn với mục tiêu về đích nông thôn mới vì vướng mắc ở hai xã vùng sâu có với truyền thống cách mạng và là nơi sinh sống tập trung của người đồng bào dân tộc thiểu số K’ho là Sơn Điền và Gia Bắc. Cản trở lớn nhất để hai xã này không thể về đích sớm trong những năm vừa qua chính là tiêu chí thu nhập. Thời gian vừa qua, UBND huyện Di Linh cũng đã phải ra công văn riêng với những giải pháp cấp bách để xã Sơn Điền và Gia Bắc cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2021. 
 
Theo quy định về tiêu chí thu nhập với người dân ở những xã nông thôn mới là 43 triệu đồng/người/năm, tuy nhiên hiện nay ở hai xã nói trên mới chỉ chạm ngưỡng 30 triệu đồng/người/năm. Một năm để nâng mức thu nhập từ 30 lên 43 triệu đồng đối với những người dân nghèo tại Sơn Điền và Gia Bắc là điều gần như không thể. Theo ông Trần Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Gia Bắc, thì bà con người DTTS nơi đây rất chăm chỉ nhưng vì những tác động khách quan như thời tiết, thổ nhưỡng dẫn tới cà phê, bắp không đạt được năng suất cao nên rất khó để hoàn thành về tiêu chí thu nhập.
 
Tuy nhiên, ông Đặng Văn Khá - Phó Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh (một người có thâm niên gắn bó với ngành nông nghiệp cả huyện) lại có cái nhìn khác. Cũng đồng tình với ông Hồng về sự chăm chỉ của người dân, tuy nhiên ông lại cho rằng mấu chốt lại nằm ở công tác cán bộ. Bên cạnh yếu tố năng lực thì chính sự bằng lòng với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ của một số công chức xã đã khiến cho người dân hai xã nói trên ít có sự thay đổi.
 
Ông Khá đưa ra dẫn chứng, đất ở Sơn Điền - Gia Bắc không thể là đất xấu. Bởi nếu đưa ra so sánh với thổ nhưỡng của Tây Bắc hoặc vùng núi đá Hà Giang thì đất đai nơi đây là “thiên đường”. Cụ thể hơn ông nêu ra những trường hợp người đồng bào DTTS tại chỗ đã xây dựng rất tốt các mô hình nông nghiệp với chủ lực là cây cà phê, đồng thời nuôi thêm heo cỏ và thả gà đồi đã cho thu nhập cao, vươn lên làm giàu. Những nhận định của ông Phó phòng Nông nghiệp huyện Di Linh đã giúp cho chúng tôi có những nhận định khách quan theo nguyên lý của Hiệu suất giảm dần. Đó là, sự bằng lòng của một số người dân với cuộc sống hiện tại (kể cả ở mức thiếu thốn) và sự hỗ trợ thường xuyên của Nhà nước từ các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã khiến họ rơi vào thế thụ động, chậm thay đổi.
 
Có một sai lầm theo nhận định của chúng tôi, chính là chính sách vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” trong công tác dân vận của một số cán bộ cơ sở. Phương châm trên chỉ phù hợp với từng giai đoạn, bối cảnh lịch sử nhất định mà không còn đáp ứng được với xu thế phát triển hiện tại. Bởi sự phát triển của một địa phương có nhiều tiềm năng và cơ hội như Lâm Đồng không thể chậm lại bởi một huyện, và con đường đến đích trong một mục tiêu cụ thể của một huyện cũng không thể bị lỡ hẹn bởi một xã, một vùng đồng bào DTTS nào đó chỉ bởi sự bằng lòng với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ cơ sở.
 
ĐẶNG TUẤN LINH (còn tiếp)