Về Sơn Điền trong mùa ve náo nức

06:05, 02/05/2021

Tôi về lại Sơn Điền trong mùa ve náo nức. Tiếng râm ran náo động cả cánh rừng già như khí thế của những người con Sơn Điền...

Tôi về lại Sơn Điền trong mùa ve náo nức. Tiếng râm ran náo động cả cánh rừng già như khí thế của những người con Sơn Điền của hàng chục năm về trước: lao động, sản xuất, nuôi giấu, chở che cùng bộ đội làm cách mạng.
 
Sơn Điền hôm nay
Sơn Điền hôm nay
 
Ký ức
 
Đón chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy xã K’Mỉnh bảo rằng: Người ta vẫn nói về Sơn Điền như một vùng lòng chảo, như khu ốc đảo được bao quanh bởi rừng. Là địa bàn cách xa trung tâm huyện nhất, nên anh em rất mừng khi có khách về thăm. Xa xôi là vậy, nhưng mảnh đất nằm giữa rừng thẳm này lại hội tụ đủ những yếu tố để xây dựng căn cứ cách mạng. Bởi không chỉ nằm trên trục đường nối liền Lâm Đồng - Bình Thuận, Sơn Điền còn được bao quanh bởi rừng núi là điều kiện để xây dựng tại đây các căn cứ kháng chiến bí mật, lâu dài kết nối với các căn cứ cách mạng lân cận, góp phần tạo nên hành lang chiến lược Bắc - Nam. 
 
Kho báu của Sơn Điền - Đó là cách mà ông K’Wuẩn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, một trong những người cán bộ lâu năm nhất của nơi này mở đầu câu chuyện về những người từng tham gia cách mạng năm xưa. Những con người thời điểm ấy phần nhiều đã về bên kia núi. Những người còn lại cũng đã bước vào những tháng ngày hoàng hôn của cuộc đời. Cũng bởi vậy mà dòng ký ức về những tháng ngày khốc liệt trong chiến tranh chỉ còn đứt đoạn. Đứt đoạn nhưng vẫn không giấu nổi niềm tự hào trong những đôi mắt đã nhăn nheo qua bao dâu bể cuộc đời.
 
Ông K’Vọt - người bộ đội năm xưa đang nhắc lại ký ức thời bom đạn
Ông K’Vọt - người bộ đội năm xưa đang nhắc lại ký ức thời bom đạn
 
Theo chân hai cán bộ xã, K’Wuẩn và K’Mỉnh, chúng tôi ghé nhà ông K’Vọt. Người bộ đội năm xưa nay đang cùng con cháu làm ruộng lúa ở sau nhà. Bằng ngôn ngữ của người Cơ Ho Nộp, cán bộ xã và ông K’Vọt trao đổi với nhau từ đằng xa để ông vội lội từ ruộng lên bờ. Vừa rửa sạch bùn đất, ông vừa nói “Chiến tranh thì cầm súng, hết chiến tranh thì về làm ruộng, làm rẫy cho gia đình no ấm vậy thôi”. Khi câu chuyện của chúng tôi gợi lại những tháng năm gian khổ mà hào hùng, đôi mắt người đàn ông ấy rạng ngời lên, mạch ký ức về một thời lửa đạn cũng từ đây mà tuôn chảy. Rằng Sơn Điền của thời điểm ấy đất rộng, người thưa. Bà con chỉ mong cuộc sống bình yên bên nương rẫy, mong bắp, lúa chắc hạt, mong nhà sàn ấm đượm lửa hồng, mong được hát múa bên chóe rượu cần trong lễ mừng lúa mới. Nhưng chiến tranh nổ ra, ước mong yên bình ấy vỡ vụn khi bà con nơi đây bị bắt lính, dồn dân lập ấp. Các sư đoàn Mỹ về đóng chốt trên những ngọn đồi mà nay người Sơn Điền vẫn gọi tên đồi Mỹ, đồi B40. Pháo cao xạ bắn phá ruộng rẫy. Kho thóc bị đốt. Máy bay tầm thấp liên tục mở phát thanh chiêu hồi, dụ hàng và truyền đơn rải trắng buôn làng nhưng người Sơn Điền vẫn một lòng theo cách mạng. 
 
Cùng thế hệ ông K’Vọt, đã có 140 thanh niên của căn cứ Sơn Điền tham gia cách mạng. Những người con chân chất của núi rừng ấy từng là du kích, bộ đội, giao liên, dân công tải đạn, tải lương thực tiếp tế cho chiến trường... Ông K’Mợ cũng là bộ đội năm xưa cười hiền khi nhắc nhớ về những tháng ngày cả buôn làng chung một suy nghĩ: “địch đốt thì ta làm mới, địch đến thì ta đi, địch đi thì ta lại về”. Và mỗi lần địch càn quét, đôi chân trần của những người Cơ Ho Nộp lại chạy về phía núi bám lên vách đá chênh vênh, sườn núi hiểm nguy để được chở che dưới bóng rừng. Và có lẽ bởi rừng là mạch sống, nên dẫu vũ khí của địch có tối tân đến đâu cũng không thể ngăn được bước chân người Sơn Điền. Vừa trò chuyện, ông K’Mợ vừa chỉ tay về hướng khe Máu bảo rằng, chiến tranh đã làm bao người phải bỏ mạng. Máu chảy đỏ cả khe nước ở cạnh buôn làng. Người Sơn Điền hiền lành như cỏ nhưng khi bị giặc áp bức, khi đã đặt trọn niềm tin vào cách mạng thì dẫu ruộng rẫy không còn, dẫu thiếu cơm lạt muối, dẫu củ mài, lá bép ăn triền miên qua ngày, bà con vẫn trồng thêm “rẫy mì cách mạng” để tiếp tế cho bộ đội. Bà con cùng nhau gài cung, làm hầm chông, bẫy đá ở khắp các đường mòn vào căn cứ. Có những thời điểm, chính tay người dân đã đốt nhà, phá rẫy để địch không có gì cướp bóc. Những trận càn liên tục nổ ra nhưng địch vẫn không đạt được mục tiêu là bình định và khuất phục người dân trong vùng căn cứ Sơn Điền. Người Sơn Điền anh hùng trong kháng chiến đã góp phần xây dựng nơi đây trở thành một căn cứ lớn mạnh góp sức quan trọng để giải phóng Di Linh, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
 
Nhà bia tưởng niệm ngay UBND xã khắc tên 15 người con Sơn Điền đã anh dũng hi sinh
Nhà bia tưởng niệm ngay UBND xã khắc tên 15 người con Sơn Điền đã anh dũng hi sinh
 
Hôm nay
 
Trước tấm bia đá ở Nhà bia tưởng niệm ngay UBND xã khắc tên 15 người con Sơn Điền đã anh dũng hi sinh, ông K’Wuẩn khẳng định rằng: Trong chiến tranh, căn cứ xã Sơn Điền đã thực hiện mỗi buôn, làng là một pháo đài, mỗi đảng viên là một hạt nhân lãnh đạo. Cán bộ, chiến sĩ vừa đánh địch vừa làm công tác dân vận, đồng cam cộng khổ với Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, dựa vào dân mà chiến đấu để đi đến thắng lợi cuối cùng. Bài học ấy cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, để các thế hệ lãnh đạo mới của Sơn Điền vận dụng, phát huy sức mạnh tiềm tàng trong những con người ở vùng đất anh hùng này.
 
Địa phương này vẫn luôn xác định phương châm “Anh hùng trong kháng chiến nay tiếp tục phát huy tinh thần đó để anh hùng trong lao động”. Cũng bởi vậy mà tháng 4 này khi trở lại Sơn Điền, cán bộ xã không giấu nổi vui mừng mà chia sẻ về những vườn chuối La ba được trồng thử nghiệm thành công, quả to và thơm dẻo. Ngoài ra, hơn 100 ha lúa nước, bắp được sản xuất bằng các giống mới; cà phê già cỗi một phần đã được tái canh; bơ, sầu riêng trồng xen đã mang lại hiệu quả. Bà con Sơn Điền đã xác nhận rằng: Những gì cán bộ cách mạng hứa ngày xưa giờ đã thành hiện thực. Điện, đường, trường, trạm đã cơ bản đáp ứng đời sống người dân. Trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn của các chương trình, sự nỗ lực của tỉnh, của huyện, vùng chiến địa ác liệt nay đã có nhiều khởi sắc. Đứng từ trên đồi cao nhìn xuống, Sơn Điền được bao bọc bởi bạt ngàn xanh của rừng. Họ giữ rừng không chỉ bởi hàng chục ha nhận khoán quản lý, bảo vệ mà họ giữ rừng như một phần máu thịt từ ngàn xưa. Ngoài trung tâm xã, trường học, bưu điện, trung tâm y tế...; những ngôi nhà của bà con nơi đây đã khang trang hơn. Ngay trung tâm xã, đã có những nhà hàng dù nhỏ song cũng đã được mở ra để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong xã. Những con số về hộ nghèo, về thu nhập trong các bản báo cáo đã một phần minh chứng cho sự đổi thay đó. Nhưng có lẽ minh chứng rõ ràng nhất chính ở người dân với niềm vui đổi thay trong cuộc sống mới. Và điều đáng mừng hơn nữa là ở Sơn Điền đã không còn hiếm hoi những tấm bằng đại học như trước. Thế hệ nối tiếp của vùng đất này đã ý thức rất rõ tầm quan trọng của sự học. Nhiều đứa trẻ được học hành đầy đủ, có trình độ chuyên môn, có người về công tác ở địa phương và còn rất nhiều người đang thử sức mình trên những miền đất mới.
 
Đổi thay đã có, song những lãnh đạo tâm huyết của Sơn Điền vẫn còn mang nhiều trăn trở. Rằng: Sơn Điền đã hết đói song chưa hết nghèo. Bà con khao khát và nỗ lực làm giàu, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống. Song, việc đường sá xa xôi khiến nông sản làm ra bị ép giá. Chi phí cho việc đầu tư, xây dựng và mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết của người dân cao hơn so với khu vực trung tâm do giá cả vận chuyển. Đó thực sự là khó khăn cho Sơn Điền. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc phấn đấu về đích nông thôn mới của địa phương. Huyện Di Linh cũng tập trung những nguồn lực cụ thể để phát triển vùng đất này, song đó chỉ là điều kiện cần, những khó khăn về giao thông, hạ tầng, quan hệ sản xuất và thu nhập của người dân được thay đổi tích cực, đó mới là điều kiện đủ để xã anh hùng về đích nông thôn mới.
 
Chiến tranh lùi xa, người Sơn Điền mang theo niềm tin với Đảng, với cách mạng trở về cuộc sống hiền hòa như cây rừng, đá nước. Ký ức về thời lửa đạn oai hùng trở thành kho báu, thành tài sản, thành động lực trong sự lặng thầm mà bền bỉ xây dựng cuộc sống mới. Cũng có thể Sơn Điền sẽ lỡ hẹn với đích nông thôn mới, nhưng tôi vẫn nghe rất rõ trên mảnh đất giữa đại ngàn sâu thẳm ấy, những người con của rừng vẫn tràn trề nhiệt huyết dựng xây. Rồi mai đây Sơn Điền sẽ bừng lên sắc mới, mạnh mẽ và đồng thanh như tiếng ve hôm nay đang náo nức trong mùa mưa Tây Nguyên.
 
NGỌC NGÀ