(LĐ online) - 5 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cũng như sự chung tay, sẻ chia từ những tấm lòng thơm thảo, cuộc sống của người dân ở tâm dịch thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh đã dần đi vào ổn định.
(LĐ online) - 5 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cũng như sự chung tay, sẻ chia từ những tấm lòng thơm thảo, cuộc sống của người dân ở tâm dịch thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh đã dần đi vào ổn định.
|
Sáng sớm, bà Nguyễn Thị Tâm cùng chồng tại Thôn 5, xã Mỹ Đức đã ra vườn dâu để nhô cỏ, bón phân cho dâu tằm |
Ngày 2/7, lần đầu tiên Lâm Đồng ghi nhận ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng, có yếu tố dịch tễ và lịch sử đi lại phức tạp. Hoang mang, lo lắng là tâm lý chung không thể tránh khỏi của người dân toàn tỉnh nói chung và người dân xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh nói riêng.
Ngay lập tức, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành cách ly y tế để phòng chống dịch toàn bộ thôn Phú Hòa và thực hiện giãn cách xã hội xã Mỹ Đức theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 2/7.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Mỹ Đức cũng như các cấp chính quyền huyện Đạ Tẻh đã thông báo phong tỏa toàn bộ thôn Phú Hòa, thực hiện theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình”, “thôn cách ly với thôn”, người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong những trường hợp thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa trên địa bàn toàn xã Mỹ Đức tạm dừng hoạt động mua bán để phòng chống dịch. Đồng thời, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung đông người.
Có một chút xáo trộn, hoang mang, bất tiện... nhưng hơn lúc nào hết, người dân thôn Phú Hòa hiểu rằng, bình tĩnh và chấp hành tốt các biện pháp cách ly ngay lúc này là cách tốt nhất để bảo vệ cho chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Trong khi đó, tại các thôn còn lại của xã Mỹ Đức, cuộc sống của người dân không ảnh hưởng nhiều. Nhịp sống vẫn diễn ra bình thường, dù có ít nhiều lo lắng và mức cảnh giác với dịch bệnh được đẩy lên cao. Họ nhận thức được rằng, dịch bệnh đang ở gần mình hơn tất cả những thông tin vẫn đang hàng ngày được cập nhật trên ti vi, loa đài, báo mạng... Thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng chống dịch là yếu tố mang tính quyết định sống còn lúc này. Bà con lối xóm, người dân trong xã Mỹ Đức cũng không quên nhắc nhau, nhất định không được kỳ thị người thôn Phú Hòa.
|
Tranh thủ nắng lên, gia đình ông Ngô Văn Được tại Thôn 1, xã Mỹ Đức lại mang kén tằm ra phơi. Nếu lo ngại dịch mà thương lái chưa vô được thì ông lưu trữ, cất ở trong nhà |
Sáng sớm, tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà Nguyễn Thị Tâm cùng chồng tại Thôn 5, xã Mỹ Đức đã ra vườn dâu để nhổ cỏ, bón phân. Theo bà Tâm, dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn xã, cuộc sống của người dân tuy có chút biến động, nhưng với nhà nông như bà, quanh năm đã quen với việc đồng áng. Thế nên, công việc của nhà nông vẫn phải tiếp diễn, chỉ là mọi người hạn chế tiếp xúc gần với nhau và luôn nhớ mang khẩu trang mọi lúc, mọi nơi.
Bà Tâm chia sẻ: "Ngày đầu, khi nghe thông tin có người dân trong xã mắc Covid-19, tôi khá lo lắng, bất an. Nhưng ngay sau đó, chính quyền từ cấp huyện đến xã đã nhanh chóng hỗ trợ, tiến hành các biện pháp phòng dịch như phun khử khuẩn, lập các chốt kiểm soát, hỗ trợ người dân từ bình nước đến mớ rau... Thế nên, mọi người cũng yên tâm phần nào”.
Còn đối với ông Ngô Văn Được (Thôn 1, xã Mỹ Đức), công việc nuôi 4 hộp tằm khiến ông bận rộn cả ngày, dù đang ở giữa dịch bệnh. “So với các hoạt động sản xuất khác, thời điểm này việc trồng dâu nuôi tằm của gia đình tôi vẫn diễn ra bình thường. Bởi, nếu tới thời điểm thu kén mà thương lái chưa đến thu mua được thì tôi vẫn có thể lưu trữ, cất ở trong nhà, không bị ảnh hưởng gì nhiều” - ông Được nói.
Thế nhưng, những nông dân trồng cây ăn trái ở xã Mỹ Đức thì không bình tĩnh được như vậy. Dịch đến ngay mùa trái cây chín rộ. Măng cụt, sầu riêng, chôm chôm vẫn còn đầy vườn. Bao mồ hôi, công sức của bà con còn chưa được thu lại, nông dân đứng ngồi không yên vì thương lái nghe thông tin địa bàn huyện Đạ Tẻh có các ca nhiễm Covid-19, đặc biệt là trên địa bàn xã Mỹ Đức bị phong toả dập dịch, liền tỏ ra e dè, thậm chí tạm thời ngừng thu mua, khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn.
Trước tình hình trên, UBND huyện Đạ Tẻh đã kêu gọi các tổ chức và người dân đẩy mạnh tiêu thụ số trái cây chín, tồn đọng tới thời kỳ thu hoạch cho bà con tại đây. Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... mỗi người chung một chút sức lực, góp thêm một tiếng nói, đăng bài lên mạng xã hội để kêu gọi tiêu thụ, giúp đỡ bà con.
Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức cho biết: Đến thời điểm hiện tại, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho bà con, nhất là các loại trái cây đã được giải quyết. Riêng chôm chôm đã có đơn vị từ Đắk Lắk sang bao tiêu, thu mua với giá 10.000 đồng/kg đối với chôm chôm thái và 3.500 đồng/kg cho loại thường. Bà con thu hoạch được bao nhiêu thì tập trung tại trụ sở Công an xã Mỹ Đức, thương lái mua hết bấy nhiêu.
|
Được thương lái từ Đắk Lắk về tận địa phương thu mua chôm chôm với giá 10.000 đồng/kg, chị Trần Thị Hương, thôn Yên Hòa, xã Mỹ Đức tranh thủ thu hoạch hơn 5 tạ trái |
Lực lượng tuyến đầu chống dịch khi giúp bà con thu hoạch nông sản, cắt dâu nuôi tằm thường động viên người dân: “Các bác cứ yên tâm tuân thủ nghiêm cách ly y tế tại nhà, việc đồng án, tằm tơ đã có chúng tôi lo”.
Cùng với đó, việc giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa trên địa bàn xã vẫn diễn ra bình thường. Các tiệm tạp hóa, cửa hàng trên địa bàn xã vẫn mở cửa, nhập hàng rau, củ, quả, thịt các loại về để cung cấp cho người dân theo phương châm tuân thủ đúng nguyên tắc 5K. Đối với các loại xe tải vận chuyển hàng hóa đi qua địa bàn, tài xế sau khi tiến hành khai báo y tế, có giấy xác nhận xét nghiệm nhanh Covid-19 âm tính sẽ được lưu thông qua.
Ông Tôn Thiện Đồng - Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh cho biết: Những ngày này, tại thôn Phú Hòa nói riêng và xã Mỹ Đức nói chung đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Đối với thôn Phú Hòa, chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ, nhất là bảo đảm toàn bộ đời sống cho người dân, đặc biệt là các hộ đang thực hiện cách ly tại nhà…
“Trước hết, sức khỏe người dân phải được đặt lên hàng đầu. Chính quyền địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân chủ động, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng dịch, tránh gây hoang mang, lo lắng cho mọi người trong khu vực cách ly” - ông Đồng cho hay.
Hiện, xã Mỹ Đức đã thiết lập và duy trì 7 chốt phòng chống dịch Covid-19 với số lượng hàng chục người luân phiên nhau ứng trực. Bất kể đêm ngày, nắng mưa, lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt vẫn động viên nhau vượt qua khó khăn, thiếu thốn, vất vả để kiên trì, nghiêm túc giữ vững “lá chắn” an toàn trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Đồng thời, tăng cường giám sát cộng đồng, để từ ý thức của mỗi người dân sẽ gom góp lại thành sức mạnh to lớn, giúp tâm dịch của tỉnh nhanh chóng chiến thắng đại dịch.
|
Các tiệm tạp hóa, cửa hàng trên địa bàn xã Mỹ Đức vẫn mở cửa, nhập hàng rau, củ, quả, thịt các loại về để cung cấp cho người dân tuân thủ đúng nguyên tắc 5K |
|
Hàng hóa, nông sản của người dân sẽ được tập kết tại chốt kiểm dịch ngay đầu xã Mỹ Đức, sau đó thương lái sẽ đưa xe đến lấy hàng và được phun thuốc sát khuẩn trước khi rời đi |
|
Toàn bộ thôn Phú Hòa, thực hiện theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình”, “thôn cách ly với thôn” |
|
Những “chuyến xe yêu thương” của các tổ chức, cá nhân từ khắp nơi trong tỉnh Lâm Đồng đang hướng về Đạ Tẻh |
HOÀNG SA