Bố mất sớm, mẹ bị tai biến nằm liệt giường nhiều năm liền, một mình Đàng Thị Ngọc Thanh Thủy, sinh năm 1988, ngụ tại thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, bươn chải nuôi mẹ già và 3 người em ăn học...
Bố mất sớm, mẹ bị tai biến nằm liệt giường nhiều năm liền, một mình Đàng Thị Ngọc Thanh Thủy, sinh năm 1988, ngụ tại thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, bươn chải nuôi mẹ già và 3 người em ăn học. Với cô gái có vóc người nhỏ nhắn ấy, nghịch cảnh chưa bao giờ “đánh bại” được cô, mà ngược lại, càng khó khăn, cô càng nỗ lực vượt lên, như đóa hướng dương luôn hướng tới mặt trời.
|
Đàng Thị Ngọc Thanh Thủy bên mảnh vườn của gia đình |
Chúng tôi tìm đến gia đình Thủy khi vợ chồng em đang tất bật chăm bón vườn cà chua, dưa leo. Hai năm nay, mặc dù làm ăn không tránh khỏi khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng cái nghèo cũng không còn bủa vây như trước nữa, thu nhập từ vườn của vợ chồng Thủy cũng đủ để trang trải cuộc sống thường nhật. Đối với nhiều người, chuyện đó thì quá bình thường, nhưng với Thủy, đó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt những năm qua. Và, với những ai biết tới hoàn cảnh của gia đình Thủy, thì em chính là tấm gương sáng luôn biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
KHI CÁI NGHÈO “BỦA VÂY” TỨ PHÍA
Bố Thủy mất vì tai nạn giao thông năm 1995, để lại mình mẹ Thủy đang mang bầu người em út 2 tháng tuổi và 3 con còn nhỏ dại, hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, lại càng trở nên túng quẫn. Đến năm 2006, mẹ bị đột quỵ nằm liệt giường, bản thân Thủy lúc đó mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3, cũng vì gia đình quá khốn khó, nên đành phải gác giấc mơ học tiếp lên cao dù đã có giấy báo vào trường cao đẳng, để ở nhà thay mẹ tiếp tục bươn chải lo cho đàn em thơ ăn, học.
Những năm tháng đó là chuỗi ngày mà cái nghèo “đeo bám” gia đình Thủy nên được “xếp hạng vào diện khó khăn nhất của thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh lúc bấy giờ. Hoàn cảnh càng ngặt nghèo hơn khi mẹ Thủy cũng theo bố đi xa bỏ lại Thủy 3 đứa em còn nhỏ dại, đều trong độ tuổi ăn, tuổi học. Để có tiền lo cho các em, Thủy đi làm thuê, làm mướn cho các hộ gần nhà với thu nhập khoảng 100 ngàn đồng/ngày, nhưng thu nhập cũng bấp bênh, ngày làm, ngày nghỉ vì em út từ khi sinh ra đã bị tràn dịch phổi, hầu như năm nào cũng phải đi bệnh viện vì đau ốm liên miên. Trong khi đó, gia đình ông bà nội, ngoại đều già yếu, kinh tế cũng khó khăn nên không thể đỡ đần cho các cháu được.
Đến năm 2008, Thủy quyết định lập gia đình. Anh Dũng - chồng Thủy, quê gốc Nghệ An, một thân một mình vào Lâm Đồng lập nghiệp. Thủy kể, Thủy gặp Dũng khi cả hai đều đi làm thuê cho Công ty hoa Dalat Hasfarm ở Đạ Ròn, Đơn Dương và có lẽ số phận đưa đẩy hai người đến với nhau. Từ khi đi làm chung, rồi cảm mến nhau, thương cô gái nhỏ nhắn phải sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, gồng gánh nuôi 3 người em còn nhỏ dại, Dũng quyết định về chung một nhà, cùng Thủy nuôi dạy các em. “Thật lòng lúc đó, em chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ biết mình thương cô ấy ở cái tính chịu thương chịu khó, một mình phải nuôi 3 đứa em đang tuổi ăn, tuổi học, nên muốn đỡ đần. Tụi em đến với nhau chẳng có đám hỏi hay đám cưới, chỉ biết tụi em thương nhau là đủ, giờ tụi em cũng có 2 mặt con rồi, đủ nếp, đủ tẻ” - Dũng hạnh phúc chia sẻ. Từ ngày gia đình có thêm người, thu nhập chủ yếu của cả nhà cũng vẫn là từ việc làm thuê của Thủy và công phụ hồ của chồng, với tổng thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Kinh tế gia đình vẫn khó khăn, túng thiếu, vốn liếng để phát triển sản xuất không có, đất đai ít không đủ để sản xuất, rồi Thủy lại sinh hai người con liên tiếp, nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng lao động dành dụm để nuôi con và lo cho các em ăn học tới nơi tới chốn.
VƯƠN TỚI TƯƠNG LAI
Những năm tháng khó khăn đó, Thủy nói, Thủy luôn nung nấu bằng mọi cách phải thoát nghèo, phải cố gắng để nuôi các em ăn học thành người, để chúng không phải vất vả vì suốt ngày phải chịu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cực khổ như mình. Trước khi lấy chồng hay sau này, khi đã có gia đình, rồi lần lượt sinh con, Thủy vẫn luôn cố dành hết cho các em tất cả tình thương yêu mà mình có được. Hiểu được những vất vả, hy sinh của người chị cả như mẹ hiền, các em luôn chăm ngoan, học giỏi và “gọi chị, xưng con” với Thủy.
Trải qua nhiều khó khăn, cơ cực, vợ chồng Thủy cũng nuôi 2 người em gái học xong đại học, hiện đã đi làm và lập gia đình ở Sài Gòn; riêng người em út sau khi tốt nghiệp cấp 3 không muốn học lên nữa đã ở nhà làm vườn cùng Thủy. “Những ngày tháng đó đúng là khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng em luôn được sự động viên của chồng, mấy đứa em cũng ngoan ngoãn, nghe lời chị. Có lúc cả 2 đứa em gái cùng đi học đại học một lúc, không thể cáng đáng được, em đã cho đứa em thứ 2 nghỉ học để phụ em làm vườn trong hai năm. Thương chị, em cũng bỏ học giữa chừng về giúp chị làm kinh tế, rồi sau hai năm, em lại xin đi học tiếp. Lúc đó, em nói, chị ơi, cho con đi học tiếp nha chị, chứ con không muốn suốt đời quanh quẩn bên mảnh vườn như chị! Nghe nó nói mà thương quá, nên hai vợ chồng lại ráng cho nó thi lại đại học, năm đó nó thi đậu đại học mầm non, giờ 2 đứa đều đã ra trường, đi dạy và lấy chồng ở Sài Gòn” - Thủy chia sẻ.
Thủy kể, những năm tháng đó, nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước từ cấp tỉnh, huyện, xã đến những hộ nghèo khó khăn như gia đình em mà gánh nặng gia đình cũng vơi bớt phần nào. Năm 2014, gia đình Thủy được nhận hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản không hoàn lại từ Câu lạc bộ thôn không có hộ nghèo thôn Bắc Hội. Câu lạc bộ này do UBND huyện Đức Trọng phát động, UBND xã Hiệp Thạnh và thôn Bắc Hội tổ chức thực hiện. Với Thủy, đây chính là chiếc “cần câu” quý giá nhất mà em nhận được. Ngoài ra, gia đình Thủy còn được vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo với số tiền 30 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Vợ chồng Thủy đã dùng số tiền này để mua thêm 2 con bò giống sinh sản.
Sau 2 năm, đàn bò đã đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình rõ rệt. Ba con bò giống đã sinh thêm bò con, số phân chuồng gia đình Thủy dùng để đầu tư cho vườn nhà, giúp gia đình tiết kiệm được chi phí phân bón đầu tư cho sản xuất; số phần dư dôi, gia đình bán bớt để lấy chi phí đầu tư giống cây. Trước hiệu quả của mô hình chăn nuôi gia đình Thủy, một số hộ trong thôn học hỏi làm theo.
Đến cuối năm 2015, kinh tế gia đình Thủy so với các hộ nghèo khác trong thôn đã khá hơn, được bình xét thoát hộ nghèo và tự nguyện không đăng ký xét hộ cận nghèo. Đến giữa năm 2019, qua học hỏi kinh nghiệm từ một số gia đình có mô hình nhà lưới, nhà kính và từ kiến thức được tập huấn, hướng dẫn về chuyển giao khoa học kỹ thuật của huyện, xã, Thủy mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi sang phát triển sản xuất. Gia đình đã bán đàn bò để dồn kinh phí đầu tư cho 1 sào nhà kính trồng rau - hoa sạch với công nghệ tưới phun tự động. Từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất đến nay, Thủy thường trồng xen canh rau, hoa nhập cho hợp tác xã rau trên địa bàn huyện. Nguồn thu từ vườn đã giúp gia đình Thủy trang trải số kinh phí đầu tư ban đầu, thu nhập hiện nay từ 1 sào vườn ổn định, khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Nhờ đó, kinh tế gia đình Thủy đã dần ổn định, vừa có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, vừa có tiền sửa chữa lại căn nhà tình thương mà trước đây được xây dựng từ kinh phí của Hội Chữ thập đỏ huyện và sự đóng góp của bà con lối xóm, khang trang hơn, rồi cũng có thêm tiền để mua xe máy, ti vi và các trang thiết bị điện tử khác phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Chồng Thủy ngoài thời gian làm vườn cũng đã học thêm được nghề hàn, hiện đang nhận gia công hàn cửa sắt, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Ngoài việc tích cực lao động sản xuất, chăn nuôi, gia đình Thủy còn tham gia các phong trào do thôn, xã tổ chức, xây dựng tình làng nghĩa xóm đoàn kết cùng nhau tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư nơi sinh sống, cũng như tự nguyện đóng góp các khoản kinh phí phát động của địa phương để xây dựng nông thôn mới. Thủy cũng đang nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế gia đình trở thành hộ có điều kiện khá của địa phương, xứng đáng được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bằng khen tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.
Ký sự: NHẬT MINH