Gần 2 tháng nay, dù ngày hay đêm, Đội phản ứng nhanh phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Đội phản ứng nhanh) của Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cũng luôn trong tư thế sẵn sàng, có lệnh điều động là gấp rút lên đường làm nhiệm vụ.
Gần 2 tháng nay, dù ngày hay đêm, Đội phản ứng nhanh phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Đội phản ứng nhanh) của Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cũng luôn trong tư thế sẵn sàng, có lệnh điều động là gấp rút lên đường làm nhiệm vụ.
|
Lấy mẫu xét nghiệm nhanh người dân trên địa bàn huyện |
TRỰC 24/24 GIỜ, CÓ BỆNH NHÂN LÀ LÊN XE
Được thành lập từ đầu năm 2020, nhưng đến 2 tháng gần đây, khi các ca nhiễm COVID-19 xuất hiện trên địa bàn huyện Đức Trọng nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, Đội phản ứng nhanh Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng gồm 14 thành viên, chia làm 2 tổ đã vận hành hết “công suất”. Bác sĩ Lê Khắc Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống COVID -19 huyện Đức Trọng cho biết: Các thành viên trong Đội phản ứng nhanh đều ở độ tuổi trẻ, sức khỏe tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thông nghiệp vụ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều lúc họphải thức thâu đêm, không kịp ăn hết bữa cơm, hay có những lúc anh em oằn mình trong bộ đồ bảo hộ dưới cái nắng hè chói chang, oi bức, có những lúc tưởng chừng như kiệt sức… Nhưng trước nhiệm vụ chính trị của đơn vị, sự bình yên của Nhân dân; những hy sinh, vất vả của đồng nghiệp trong cả nước nên họ lại động viên nhau, gác lại việc riêng, hy sinh lợi ích của cá nhân để nỗ lực, cố gắng, sẵn sàng lên đường khi công việc yêu cầu.
Anh Lê Đình Thanh - Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh cho biết, bất cứ khi nào có ca bệnh, hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan tới các ca bệnh trên địa bàn, cả đội lập tức lên đường, không kể ngày hay đêm. Với anh Thanh, kỷ niệm trong những ngày chống dịch thì nhiều, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là đêm 8/7, khi có trường hợp F0 đầu tiên của huyện có địa chỉ thường trú tại xã Hiệp Thạnh, liên quan đến chùm ca bệnh tại huyện Đơn Dương. “Khoảng gần 22 giờ đêm ngày 8/7, sau khi nhận thông tin về ca bệnh, cả đội lập tức tập hợp, lên xe, chỉ ít phút sau là có mặt tại Trạm Y tế xã Hiệp Thạnh. Sau khi tổ chức họp nhanh tới khoảng 22 giờ 30, lúc đó ngoài trời mưa tầm tã, cả đội chính thức bắt tay vào truy vết dịch tễ các trường hợp liên quan tới ca bệnh, công việc kéo dài tới khoảng 5 giờ 30 sáng hôm sau. Nghỉ ngơi được khoảng 1,5 tiếng, đến 7 giờ 30, chúng tôi lại tiếp tục truy vết mở rộng, rồi xét nghiệm nhanh, khử khuẩn các trường hợp, địa điểm liên quan... Công việc kéo dài tới khoảng 11h30 trưa hôm đó mới hoàn thành”.
Hồ Thụy Thảo Nguyên - Phó khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, thành viên Đội phản ứng nhanh chia sẻ: “Khi có thông tin về các trường hợp cần lấy mẫu, Đội phản ứng nhanh sẽ được huy động tập hợp, sẵn sàng với các trang thiết bị, dụng cụ để lên đường ngay, nhiệm vụ của chúng tôi là đến tận nơi lấy mẫu. Quy trình lấy mẫu phải được thực hiện nhanh gọn, tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định. Khi lấy mẫu xong, mẫu được bảo quản lạnh và được vận chuyển lên tuyến trên để làm xét nghiệm SARS-Cov-2 kịp thời, sớm có kết quả trả lời. Còn những lúc không phải đi lấy mẫu ca bệnh thì chúng tôi lại đến lấy mẫu xét nghiệm ở khu cách ly y tế tập trung”.
“3 TẠI CHỖ” VÀ NHIỀU NGÀY XA NHÀ
Gần 2 tháng nay, Lê Đình Thanh không về nhà. Anh và các đồng nghiệp cùng thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. “Từ lúc túc trực 24/24 giờ tại Trung tâm, vợ và con nhỏ 3 tuổi tôi đã gửi về nhà ngoại ở, nhờ cậy bên ngoại giúp giùm. Những lúc có thời gian thì tôi lại tranh thủ gọi điện qua zalo, facetime để trò chuyện cùng vợ, con. Vợ tôi cũng hiểu cho công việc của chồng nên luôn động viên, chia sẻ”.
Hồ Thụy Thảo Nguyên cũng tâm sự, cô nhận được sự chia sẻ từ chồng nên yên tâm công tác. “Từ lúc đi chống dịch đến giờ, mọi việc nhà cửa, con cái đều một tay chồng quán xuyến, lâu lâu tôi mới tạt về thăm nhà, thăm chồng con được chút rồi lại tranh thủ đi ngay. Cũng may, vì chồng tôi là giáo viên, đang được nghỉ hè nên anh ấy cũng có thời gian để lo cho các con” - Nguyên nói.
Chia sẻ về cuộc sống sinh hoạt khi thực hiện “3 tại chỗ” để chống dịch, cả Thanh và Nguyên đều cho biết, hiện tại việc ăn uống, sinh hoạt, hậu cần được lãnh đạo Trung tâm quan tâm và chăm lo đầy đủ, kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho toàn bộ thành viên Đội phản ứng nhanh.
Nói thêm về Đội phản ứng nhanh, bác sĩ Lê Khắc Thảo cho biết: “Trong những ngày trực chiến chống dịch tại Trung tâm, các anh em rất tích cực, không sợ khó, không ngại khổ, không ngại va chạm. Tất cả các thành viên của đội đã được trang bị đầy đủ các kiến thức phòng, chống dịch, trang bị đồ bảo hộ và tiêm phòng đầy đủ, nên anh em rất yên tâm, tự tin khi tiếp xúc với các ca F0, F1 một cách chủ động, đảm bảo công tác truy vết trên địa bàn được nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
NHẬT MINH