Kỳ hè nhà giáo đong đầy yêu thương

04:08, 17/08/2021

Không được như kỳ nghỉ hè mọi năm, thầy, cô giáo Lâm Đồng sẽ tổ chức những chuyến thăm thú vui tươi, kỳ hè năm học 2020 - 2021 này nhà giáo trở thành nhà nông thực thụ nơi hậu phương, nhà giáo là "chiến sĩ" nơi tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh COVID-19…

Không được như kỳ nghỉ hè mọi năm, thầy, cô giáo Lâm Đồng sẽ tổ chức những chuyến thăm thú vui tươi, kỳ hè năm học 2020 - 2021 này nhà giáo trở thành nhà nông thực thụ nơi hậu phương, nhà giáo là “chiến sĩ” nơi tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh COVID-19…
 
Các nhà giáo huyện Đơn Dương thu hoạch rau xà-lách
Các nhà giáo huyện Đơn Dương thu hoạch rau xà-lách
 
Tôi nhận được nhiều tin nhắn, nào chỗ này có rau nhà vườn cho; nào cùng đi thu hoạch rau; nào sáng mai bốc hàng lên ô tô… Những tin nhắn của giáo viên ở huyện Đơn Dương, ở thành phố Đà Lạt, vốn là sinh viên sư phạm hồi tôi đi dạy học. Họ biết tôi đang tham gia trong tổ chức Phật giáo thành phố, gom nông sản chở về hỗ trợ các tỉnh, thành vùng tâm dịch COVID-19. Thời điểm chúng tôi tạm ngưng hoạt động thiện nguyện để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, lượng nông sản chuyển đi đã lên tới trên 430 tấn, trị giá trên 4 tỷ đồng. Một mùa “an cư kiết hạ” đặc biệt của quý tăng, ni…
 
***
 
Vâng, “sau tiếng bom nổ, mọi người xích lại gần nhau hơn”. Truyền thống đoàn kết trong chiến tranh ấy bây giờ càng sáng lên tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt. Kỳ nghỉ hè năm nay, đội ngũ giáo chức tỉnh Lâm Đồng đã thiện hành như thế. Cô giáo Nguyễn Thị Soa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương và các đồng nghiệp thu hoạch rau xong vào chiều muộn, gọi điện cho tôi: “Thấy dân mình ở dưới vùng dịch thương quá thầy ơi !...”. Tôi báo cho anh Nguyễn Phục Quốc, Đội trưởng Đội Phản ứng nhanh của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng chở lên giúp. Thành lập mới một tháng, Đội đã vận chuyển bằng xe của các cá nhân cho các tổ chức, đơn vị hàng trăm tấn nông sản để chuyển về các địa phương có dịch COVID-19. Trong số đó có cả rau, củ, quả do Đội trực tiếp quyên góp và thầy, cô giáo huyện Lạc Dương giúp thu hoạch. Họ đến từ các trường Mầm non Sơn Ca, THCS xã Lát, Tiểu học Trần Quốc Toản, Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lạc Dương… Gần thì xe máy cá nhân, xa ba mươi cây số như xã Đạ Sar thì leo lên ô tô, các thầy cô luôn hoan hỉ xuống đồng… 
 
Kết hợp đưa hàng lên xe Công ty Phương Trang để chuyển về các vùng tâm dịch
Kết hợp đưa hàng lên xe Công ty Phương Trang để chuyển về các vùng tâm dịch
 
Phong trào hạ điền của giáo giới Lâm Đồng đông đảo nhất là ở thành phố Đà Lạt. Rất hùng hậu, về số lượng người tham gia, về khối lượng nông sản thu hoạch. Lòng nhân ái tiềm tàng trong mỗi con người trào lên, trở thành năng lượng sống tích cực, giúp những “kỹ sư tâm hồn” vượt mọi trở ngại về thời tiết, về sức nặng của thùng hàng, về hiểm trở của địa hình… Câu chuyện bắt đầu từ thầy giáo Nguyễn Văn Nguyên ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Sau chuyến đi tìm rau xin thu hoạch để chia sẻ cho người dân Đạ Tẻh đang trong vùng phong tỏa của hai cha con, thầy giáo Nguyên phát hiện nhiều thửa nông sản của bà con nông dân không tiêu thụ được bỏ phí trên ruộng, trong lúc ở Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu trầm trọng do ảnh hưởng dịch COVID-19, thầy Nguyên quyết định lập nhóm kêu gọi đồng nghiệp cùng làm. Hiệu ứng có ngay. Bạn mình rồi bạn của bạn, giáo viên, cán bộ quản lý hàng chục trường mầm non, tiểu học, THCS trên thành phố đồng hành. Hào hứng, sôi nổi, bởi ai cũng thấu cảm được việc làm hết sức có ý nghĩa. Sức cuốn hút của phong trào lan tỏa đến nhiều người thân trong gia đình và cả người ngoài ngành. Anh Nguyễn Quý Quỳnh, cán bộ của Công ty Xe khách Phương Trang vừa có phương tiện và đang làm thiện nguyện trở thành đồng đội của giáo giới. Sự kết hợp hình thành chuỗi cung ứng lý tưởng, nhà giáo tìm nguồn và thu hoạch nông sản, phía Phương Trang vận chuyển, giao hàng tại các điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động thiện nguyện càng mạnh khi Công ty Phương Trang góp thêm nông sản và chính những chủ vườn chỉ cách thu hoạch, đóng gói rồi vận chuyển bằng máy cày vượt những địa hình hiểm trở… “Khi biết được tụi em làm thành công, cô Hằng, Phó Phòng Giáo dục quyết định ủng hộ bằng cách kêu gọi giáo viên toàn thành phố cùng gia nhập với team của em và thế là hôm sau hơn 100 người cùng tham gia. Cắt 1,5 sào mà có đúng 1 tiếng là sạch sẽ. Ghê thật…”, thầy Nguyên chưa hết ngỡ ngàng và hạnh phúc kể lại với tôi. Ý nguyện “muốn lan tỏa yêu thương cho tất cả mọi người và khi nhiều người cùng làm thì sẽ được nhiều rau xanh gửi về vùng dịch hơn” của Nguyên đã hiện thực. Những thấm mệt, ê ẩm chân tay, bởi không quen nghề “chân lấm tay bùn”, vả lại lao động trong cơn mưa hay hơi nóng nhà lồng… dần mất đi. Nhiều thầy, cô trong ban giám hiệu không chỉ trực tiếp tham gia thu hoạch rau mà còn ủng hộ nước, bữa ăn nhẹ. Chứng kiến cảnh các nữ “kỹ sư tâm hồn” duyên dáng ngày nào, khoác áo mưa, ghì chặt tay lái điều khiển xe máy xuống sâu các bờ ruộng trong tiếng hô vang của đồng nghiệp “cố lên… cố lên…!” mới biết tinh thần của lòng nhân tiềm tàng nơi họ nhường nào! Rất nhiều cảm xúc ở họ ngân lên trong trẻo từ thầy Phan Huỳnh, giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THCS Nguyễn Du đến cô Trần Thị Nhật Khuyên, thầy Phạm Hùng, cô Tô Thị Hoài, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi; rồi cô Nguyễn Thị Hảo, Trường Tiểu học Đa Thiện… Tôi trích cảm nhận của một cô giáo, từ facebook cá nhân, được nhiều đồng nghiệp tán thán. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Kim Hoa, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THCS Quang Trung: “Sau vài buổi tham gia thấy thật cảm động về tình người trong khó khăn. Trước hết là tấm lòng của những nhà nông ở Đà Lạt, hào phóng tặng những vườn rau bát ngát 2, 3, 5, 7 sào. Vườn này chưa đủ thì tặng vườn tiếp theo. Cảm phục về các anh chị, em làm công tác thiện nguyện, âm thầm, lặng lẽ mà vô cùng khẩn trương, trách nhiệm. Người liên hệ xin rau, người thì kiếm xe vận chuyển, hướng dẫn cắt, đóng thùng, tất cả như đã được lên kế hoạch từ lâu, mặc dù ngày thường họ chưa làm công việc này bao giờ… Như nông dân thực thụ, ít thấy chuyện trò vì với họ, lúc này, mục tiêu là làm sao cắt nhanh, cắt nhiều nhất cho kịp các chuyến xe trong ngày về với vùng dịch. Xóm mình có nhà còn vận động con cháu, cả người ở trọ cùng tham gia chiến dịch, rồi tài trợ xe, bánh mì, hộp đóng rau... các kiểu. Thật là cảm phục và cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn. Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch”...
 
***
 
Việc thiện nguyện của nhà giáo Đà Lạt tiếp tục nối rộng vòng tay khi Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng phát động. Thông điệp “đưa yêu thương về vùng dịch” truyền đi toàn ngành. Thầy, cô giáo không chỉ thu hoạch mà nhiều người còn tự nguyện đóng góp tiền bạc hay rau, củ, quả bằng mảnh vườn của gia đình và người thân. Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Lâm Đồng Ngô Kim Sơn cho tôi biết, phong trào lan tỏa đến tận nhiều công đoàn cơ sở phòng GDĐT và các trường THPT cả 12 huyện, thành phố. Những đường dây “nóng” thiết lập nhanh giữa các trường, các huyện; những điểm tập kết hàng kịp thời hình thành tại Đà Lạt, Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lộc... Thầy cô khẩn trương chuyển hàng lên những “chuyến xe yêu thương”. Xe đầy hàng, nặng trọng lượng và nặng cả tấm lòng cao cả... Kết thúc đợt vận động, trên 120 tấn nông sản đưa về các công đoàn giáo dục và người dân các tỉnh, thành đang là tâm dịch ở phía Nam… 
 
Chuyến xe yêu thương của ngành Giáo dục Lâm Đồng hướng về tâm dịch Bình Dương
Chuyến xe yêu thương của ngành Giáo dục Lâm Đồng hướng về tâm dịch Bình Dương
 
Khi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bắt đầu có những điểm dịch bệnh COVID-19, các nhà giáo Lâm Đồng vào cuộc. Thu hoạch và chuyển rau, củ, quả, gạo, mì tôm, trứng… đến vùng phong tỏa, vùng cách ly và các chốt trực phòng, chống dịch. Đặc biệt, nhiều nhà giáo trở thành chiến sĩ tuyến đầu. Những ngày giữa tháng 8, tôi có mặt tại huyện Đức Trọng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Quốc Hoàn cho biết, có 214 cán bộ, giáo viên đang hỗ trợ ngành y tế. Nam tham gia trực chốt; nữ nấu ăn, phục vụ tại các khu cách ly. Anh Hoàn cầm điện thoại gọi, cô giáo tiểu học Trường N’Thol Hạ Lê Thị Xinh giọng đầy ấm áp: “Dạ em đang ở khu cách ly Khách sạn Ngọc Lan 2…”. Cô xa gia đình đã nhiều ngày, vẫn một tấm lòng dấn thân không suy chuyển… Tôi kết thúc bài viết này bằng sự tỏ bày của các thầy, cô: “Giãn cách chứ không giãn lòng, mong đại dịch mau chấm dứt để lại nghe tiếng cười vui tươi của các trò vào đầu năm học mới…”. Một lời ước mong thiêng liêng cùng đất nước!
 
Lâm Đồng, tháng 8 năm 2021 
 
Bút ký: MINH ĐẠO