Phát triển chuyên sâu tuyến tỉnh, chuyên khoa tuyến huyện và y học gia đình ở tuyến xã

04:08, 18/08/2021

Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy Lâm Đồng thuộc lĩnh vực y tế trong 5 năm tới.

Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy Lâm Đồng thuộc lĩnh vực y tế trong 5 năm tới.
 
Ngành Y tế Lâm Đồng ứng phó kịp thời trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Trạm Hành và Xuân Trường (TP Đà Lạt)
Ngành Y tế Lâm Đồng ứng phó kịp thời trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Trạm Hành và Xuân Trường (TP Đà Lạt)
 
Theo BSCK II Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, mục tiêu chung 5 năm tới phát triển hệ thống y tế hoạt động có hiệu quả, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, công bằng, hiệu quả, bền vững, đáp ứng các yêu cầu về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân tỉnh Lâm Đồng trong tình hình mới. Nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống; giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh, dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm... góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có năng lực và chuyên môn giỏi.
 
Qua đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2025 khoảng 1,0%; có 8,5 - 9 bác sỹ/vạn dân; đạt 24 - 25 giường bệnh/vạn dân; 100% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
 
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến năm 2025 đó là: Xây dựng quy hoạch mạng lưới y tế tỉnh Lâm Đồng theo hướng chuyên sâu ở tuyến tỉnh, chuyên khoa ở tuyến huyện, nguyên lý y học gia đình ở tuyến xã; kết hợp hài hòa giữa y tế cơ sở và y tế chuyên sâu; giữa y học cổ truyền với y học hiện đại; giữa y tế công lập và y tế ngoài công lập. Tiếp tục sắp xếp và hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, công bằng, hiệu quả và phát triển; bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động.
 
Hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, đặc biệt phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng thành bệnh viện khu vực có khả năng thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (sản nhi, y học cổ truyền, phục hồi chức năng,...). Hoàn thiện mô hình trung tâm y tế huyện, thành phố đa chức năng (thực hiện công tác dự phòng, dân số và khám bệnh, chữa bệnh); đầu tư xây dựng mới bệnh viện tuyến huyện cho Trung tâm Y tế thành phố Đà Lạt và Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc; sắp xếp và quy định chức năng, nhiệm vụ hoạt động của phòng khám đa khoa khu vực theo đúng quy định. Khuyến khích đầu tư xây dựng các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng bằng các hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư và tư nhân theo hướng Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
 
Về phát triển nguồn nhân lực y tế: Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực y tế nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng quản lý, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao ngày càng cao trong tình hình mới. Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế; điều phối các hoạt động nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiêp vụ của nhân viên y tế các tuyến bao gồm: công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, chế độ luân phiên… Tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và trình độ sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện là các cơ sở thực hành để đào tạo nhân viên y tế; tổ chức đào tạo, đào tạo liên tục cho nhân viên y tế trong bệnh viện và tuyến dưới. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học lĩnh vực y, dược; ưu tiên nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
 
Đẩy mạng ứng dụng công nghệ thông tin: Xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành y tế giai đoạn 2021 - 2025; triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý từ tuyến tỉnh đến trạm y tế, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế.
 
Tiếp tục triển khai và sớm hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống y tế cơ sở hiện có, nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế cơ sở, tăng cường y tế dự phòng, đồng thời góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ của người dân khi đi khám sức khỏe, khám, chữa bệnh vào sổ sức khỏe điện tử. Thực hiện lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi tình hình bệnh tật, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm. 
 
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành y tế, cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị công nghệ thông tin, xây dựng các hệ thống phần mềm quản lý chuyên môn nghiệp vụ cho các đơn vị chưa có hệ thống quản lý nhằm từng bước chuẩn hóa, số hóa dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn, công tác chỉ đạo điều hành trong toàn ngành. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ y, dược
 
Đổi mới công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động người dân thực hiện tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Nâng cao hiệu quả các hoạt động lĩnh vực y tế dự phòng...
 
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. Quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh của tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đẩy mạnh phát triển ngành Dược. Đổi mới tài chính y tế, tham mưu bố trí ngân sách theo hướng ưu tiên ngân sách cho lĩnh vực Y tế dự phòng - Dân số, y tế cơ sở, các cơ sở khám bệnh chữa bệnh vùng khó khăn.
 
AN NHIÊN