Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng, kết quả năm 2021, toàn tỉnh tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng dân số và quan tâm chăm sóc người cao tuổi.
Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng, kết quả năm 2021, toàn tỉnh tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng dân số và quan tâm chăm sóc người cao tuổi.
|
Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đồng bào DTTS tại Trạm Y tế xã Đinh Lạc (Di Linh) |
Hiện dân số Lâm Đồng có 1.323.671 người, được đăng ký quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc đạt 100% (kế hoạch năm là 80%). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 9,58‰ (kế hoạch năm là 10‰); số con bình quân phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt 2,0 con, (kế hoạch năm là 2,1 con). Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 76,04% (kế hoạch năm là 76%). Tỷ số giới tính khi sinh là 106,3 bé trai/100 bé gái, đã giảm 3,7 điểm phần trăm so với kế hoạch năm.
Để góp phần nâng cao chất lượng dân số, hiện nay, có 122 trạm y tế thực hiện tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 38,7%. Có 114 trạm y tế thực hiện tư vấn tầm soát và quản lý tầm soát sơ sinh. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát bệnh tật bẩm sinh phổ biến đạt 33,58%. Có 123 trạm y tế thực hiện tư vấn và quản lý thai phụ có nguy cơ cao mắc các bệnh di truyền. Có 31 trạm y tế thực hiện tầm soát phát hiện thai phụ có nguy cơ cao mắc các bệnh di truyền. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 44,3%.
Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với 142 trạm y tế triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và gia đình đạt 100%. Số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm là 46.932 người trên tổng số 89.890 người cao tuổi, đạt 52,2% (kế hoạch năm 40%). Tỷ lệ người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe đạt 58,9% (kế hoạch năm 40%).
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi thông qua các hoạt động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác dân số và phát triển. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về chất lượng dân số, lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc người cao tuổi, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên...
Các hoạt động tuyên truyền và tư vấn được triển khai tại 12/12 huyện, thành phố với 142/142 xã, phường, thị trấn. Tổ chức tuyên truyền tư vấn tại hộ gia đình 30.630 buổi, có 84.650 lượt người tham dự; truyền thông, tư vấn tại trạm y tế với 3.046 buổi, 38.866 lượt người. Truyền thông nhóm, thảo luận nhóm, nói chuyện chuyên đề 1.102 lần, tư vấn cho 25.084 người. Truyền thông trên hệ thống phát thanh của xã, phường, thị trấn là 2.146 lần với 10.730 phút.
Chi cục Dân số - KHHGĐ hướng dẫn chiến dịch tăng cường tư vấn lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số năm 2021 do diễn biến dịch COVID-19 giãn cách xã hội có 7/12 huyện, thành phố đã triển khai chiến dịch theo kế hoạch, còn lại 5/12 đơn vị chưa triển khai. Triển khai thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025; đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh; chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Bác sĩ Đinh Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng cho biết: Phương hướng hoạt động năm 2022, toàn tỉnh tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân... Tận dụng tối đa thời kỳ “dân số vàng” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đẩy mạnh triển khai các hoạt động dân số và phát triển.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi; cung cấp dịch vụ KHHGĐ và đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai; chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị thực hiện mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng dân số, cơ cấu dân số; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân số; hoàn thiện cơ sở dữ liệu điện tử về Dân số - KHHGĐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực Dân số - KHHGĐ.
AN NHIÊN