Trường Đại học Đà Lạt tiếp tục khẳng định vị thế về mẫu tiêu bản

05:12, 22/12/2021

Herbarium là tập mẫu cây (phòng mẫu cây khô) và tại Trường Đại học Đà Lạt đã đăng ký quốc tế thành công với tên Herbarium of Dalat University...

Herbarium là tập mẫu cây (phòng mẫu cây khô) và tại Trường Đại học Đà Lạt đã đăng ký quốc tế thành công với tên Herbarium of Dalat University (viết tắt là DLU trong mỗi bài báo khi trích dẫn nguồn tham chiếu). Đây là một trong 5 địa chỉ phòng lưu mẫu thực vật ở Việt Nam được Hiệp hội Herbarium quốc tế công nhận.
 
Bộ sưu tập tại phòng tiêu bản Đại học Đà Lạt (DLU)
Bộ sưu tập tại phòng tiêu bản Đại học Đà Lạt (DLU)
 
Phòng mẫu - địa chỉ không thể thiếu khi công bố khoa học
 
Ngày 20/12, chúng tôi làm việc với Trưởng khoa Sinh học Trường Đại học Đà Lạt, PGS, TS. Trần Văn Tiến, người trực tiếp làm hồ sơ đăng ký Herbarium của nhà trường, ông cho biết: Năm 2014, trên kết quả nghiên cứu của các giảng viên, nhà khoa học, chúng tôi đã xây dựng hồ sơ và đã được Hiệp hội quốc tế Herbarium công nhận Herbarium of Dalat University. Với 3 tiêu chí cơ bản là số lượng tiêu bản (mẫu vật còn giữ nguyên dạng dùng để nghiên cứu) hiện có; số lượng đội ngũ làm khoa học liên quan và số lượng các công bố khoa học quốc tế của chính những thành viên, tổ chức khoa học quốc tế đã xác nhận. Đây là vinh dự và sự ghi nhận thành tựu nghiên cứu khoa học của đội ngũ các nhà khoa học Trường Đại học Đà Lạt. Qua đó trở thành một trong 5 địa chỉ tại Việt Nam hiện nay gồm: Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Viện Sinh thái học, Trung tâm Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Điều tra quy hoạch rừng và Trường Đại học Đà Lạt.
 
Trên thế giới, trong số hàng trăm Herbarium tại các quốc gia, hiện có 2 địa chỉ lâu đời và nổi tiếng với số lượng tiêu bản, đặc biệt là tiêu bản chuẩn nhiều nhất, một ở Pháp (Paris, ký hiệu viết tắt là P) và một ở Anh (Kew, ký hiệu viết tắt là K). Trong đó, Vườn thực vật Hoàng gia Kew (gọi tắt là Vườn Kew) thành lập từ năm 1840 tại Công viên Kew với bộ sưu tập 30.000 loài thực vật sống khác nhau, trên 7 triệu mẫu cây khô, bộ sưu tập mẫu cây khô lớn nhất thế giới. Tại đây còn có thư viện chứa hơn 750.000 cuốn sách, 175.000 bản in và bản vẽ minh họa các loài thực vật. Nơi này hấp dẫn khách du lịch hàng đầu tại London bởi nó trở thành khu vườn đẹp nhất nước Anh, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Năm 2003, Vườn được UNESCO công nhận là di sản thế giới. 
 
Chức năng cơ bản của phòng lưu tiêu bản bao gồm: lưu giữ; tra cứu; cơ sở về thủ tục công bố... TS. Lương Văn Dũng (Trường Đại học Đà Lạt) cho biết thêm: Ở một số địa chỉ Herbarium lớn của các nước, ngoài phòng lưu mẫu người ta còn xây dựng được một khu đất rất rộng lớn để trồng chính những loài đang lưu mẫu, trong đó có cả những loài gần như tuyệt chủng rồi (ví dụ mẫu đã chụp từ hàng trăm năm trước hiện không còn). Những giá trị của địa chỉ lưu giữ như vậy, nhiều nơi đã đáp ứng được nhiệm vụ bảo tồn, phát triển du lịch, phát triển kinh tế, địa điểm tổ chức các chương trình hội thảo khoa học, chia sẻ giữ liệu... Vườn Kew ở Anh, Herbarium Pari hay Vườn thực vật Hoàng gia Singapore là ví dụ điển hình, những nơi có rất nhiều type chuẩn, được hiểu như là độc bản, mẫu vật được phát hiện và ghi nhận đầu tiên. 
 
Với ý nghĩa về mặt khoa học như thế, trong các công bố kết quả nghiên cứu của giới khoa học về lĩnh vực sinh học trên thế giới chỉ được xác nhận khi đã đáp ứng một trong những yêu cầu bắt buộc đó là loài có sự tham chiếu với một trong những kết quả tại Herbarium nào đó. Hoặc ở một khía cạnh khác, mẫu của loài mới ghi nhận đã được lưu giữ tại một Herbarium. Khi Hiệp hội Herbarium quốc tế công nhận việc trích nguồn tham chiếu theo một trong các địa chỉ như K, P, hay HN, DLU... thì bài báo khoa học mới có giá trị. Điều này cũng nhằm tránh tình trạng mẫu của tác giả chưa được thừa nhận tại một trong những Herbarium. Và cũng căn cứ này để khẳng định về một loài mới ghi nhận. 
 
•  Và bảo tàng tiếp tục khẳng định Trường Đại học Đà Lạt
 
Hiện nay tại địa chỉ lưu giữ tiêu bản của Trường Đại học Đà Lạt đã lên tới trên 15.000 mẫu thực vật. Kết quả này là cả quá trình say mê, miệt mài của các nhà khoa học, giảng viên trường cùng góp sức của nhiều nhà khoa học quốc tế và Việt Nam. Bộ sưu tập mẫu đang được số hóa theo sự hỗ trợ của các nhà khoa học Nhật Bản. Đây là điều kiện giúp trung tâm mẫu vật mở rộng biên giới thông qua nhiều nhà khoa học ở các quốc gia. Đến nay, nhiều chục bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế của các nhà khoa học ở Trường Đại học Đà Lạt và các nhà khoa học nơi khác đã được gắn Herbarium, DLU, nhiều mẫu chuẩn danh pháp (type) đang được lưu giữ tại đây. Giới khoa học từ đó hơn một lần biết thêm về thương hiệu của Trường Đại học Đà Lạt. Đó là thành quả nghiên cứu âm thầm của các nhà khoa học Trường Đại học Đà Lạt nhưng mang lại nhiều ý nghĩa rất lớn. Và có thể khẳng định, đây là trung tâm nghiên cứu lớn ở Việt Nam và vươn tầm quốc tế.
 
Thông tin mới nhất mà chúng tôi được biết, lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt đã có chủ trương giao dãy nhà A18 để xây dựng bảo tàng tổng hợp, bao gồm cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đây sẽ là nơi trưng bày một số hiện vật từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Đà Lạt và các nhà khoa học nước ngoài, trong đó bộ sưu tập với hơn 20.000 mẫu vật về côn trùng của TS. Lee Hyun Suk, người Hàn Quốc đang giảng dạy tại trường... Bảo tàng sẽ giao một cán bộ chuyên trách quản lý, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và mẫu vật số hóa, xây dựng website..., giống mô hình ở nhiều bảo tàng các nước đã vận hành. Hi vọng những thành quả nghiên cứu khoa học đồ sộ của Trường Đại học Đà Lạt nhiều năm nay; sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo trường nhiệm kỳ này, cùng nhiều lợi thế của địa phương như có Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và Cát Tiên, trung tâm du lịch, giáo dục và đào tạo của Việt Nam..., Trường Đại học Đà Lạt tiếp tục khẳng định vị thế của một cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam theo lộ trình trở thành Đại học Đà Lạt và phát triển bền vững. 
 
MINH ĐẠO