Văn hóa còn thì dân tộc còn

04:12, 23/12/2021

Tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị vừa tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo hội nghị...

Tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị vừa tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo hội nghị. Sau khi nghe toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, chúng tôi nhận thấy lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng ta, một người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã có những lời phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị quan trọng về văn hóa như những lời tâm sự rất gần gũi và chân thật.
 
Nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ khơi dậy lòng yêu nước tự hào dân tộc. Ảnh: Quỳnh Uyển
Nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ khơi dậy lòng yêu nước tự hào dân tộc. Ảnh: Quỳnh Uyển
 
Tổng Bí thư đã nhấn mạnh phải tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển và luôn là ngọn đuốc sáng để “soi đường cho quốc dân đi” và “văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc”, nên “mất văn hóa là mất dân tộc”. Bằng cách truyền đạt rất chân tình, gần gũi, mà cũng rất sâu lắng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật lên giá trị to lớn của văn hóa, làm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, đồng thời tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá. Tổng Bí thư cũng đã nêu rõ các giải pháp để văn hóa có thể hoàn thành nhiệm vụ “soi đường cho quốc dân đi” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu từ cách đây hơn 70 năm. Đó là: Trước hết, phải tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
 
Mệnh đề “Văn hóa còn thì dân tộc còn” đã khẳng định tầm quan trọng và vai trò to lớn của văn hóa đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của một quốc gia, một dân tộc. Ngay trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng vào năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề văn hóa. Đến năm 1943, Đảng ta đã chỉ rõ: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận: chính trị, kinh tế và văn hóa”. Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, và là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Nền văn hóa mà chúng ta đã và đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.
 
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã chỉ rõ: Văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững của đất nước. Mặt khác, vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn nặng về giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu một cách thực chất…
 
Phần cuối bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được cha ông ta đúc kết thành những câu châm ngôn truyền miệng, chứa đựng nhiều ý nghĩa giáo dục cao đẹp như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Kính trên nhường dưới”. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Tôn sư trọng đạo”, giữ lấy “nếp” nhà, giữ lấy “chân quê”…
 
Phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị này, không những là những lời tâm sự, chân tình sâu sắc của người đứng đầu Đảng, mà còn là sự thể hiện cao độ trách nhiệm chính trị, lương tâm và đạo đức cách mạng đối với Tổ quốc, với Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh và văn minh.
 
Đội cồng chiêng thôn Duệ do nghệ nhân K’Tiếu truyền dạy. Ảnh: Q.Uyển
Đội cồng chiêng thôn Duệ do nghệ nhân K’Tiếu truyền dạy. Ảnh: Q.Uyển
 
Là một sinh viên văn khoa của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào những năm 60 của thế kỷ trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vận dụng những kiến thức đã học thông qua việc trích dẫn nhiều câu tục ngữ, thành ngữ và đặc biệt bằng việc trích dẫn một số đoạn trong hai bài thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính và “Việt Bắc” của Tố Hữu để vừa nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của văn hóa, vừa làm cho nội dung truyền tải những quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn hóa được quán triệt một cách nhẹ nhàng, thoải mái nhưng lại rất sâu sắc và dễ đi vào lòng người.
 
75 năm đã qua, kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946-24/11/2021), văn hóa lúc nào và bao giờ cũng được Đảng ta đặc biệt coi trọng. Dù rằng, trong dòng chảy của lịch sử đất nước có lúc thế này, có lúc thế khác, nhưng văn hóa với tư cách là “hồn cốt” của dân tộc, nó đã trở thành một loại “căn cước” bền vững để dân tộc ta, để non sông đất nước ta vững bước vào đời, để mãi mãi là “Hồn cốt của dân tộc”, mãi mãi là “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, mãi mãi là “soi đường cho quốc dân đi”.
 
Từ những ý kiến chỉ đạo rất chân tình và sâu sắc của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về bước phát triển vững chắc, bền vững của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như khẳng định của Tổng Bí thư: “Sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”. Và Tổng Bí thư đã khẳng định: “Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng và có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng đất nước ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.
 
HOÀNG KIM NGỌC