Nhiều chuyên gia nhận định rằng, sau quá trình phát triển, đô thị Việt Nam hiện nay đang có 3 nhược điểm lớn, đó là chất lượng con người đô thị, chất lượng xây dựng (đánh mất bản sắc đô thị và hạ tầng yếu kém) và bệnh "bành trướng" đô thị (lấn chiếm vành đai xanh nông nghiệp ngoại vi) bất chấp tính bền vững. Bởi vậy, hành trình đi đến đô thị tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng mà phải trở thành đích đến vì mục tiêu phát triển bền vững. Lâm Đồng xác định tăng trưởng xanh là nội dung cơ bản không thể tách rời trong các chủ trương, định hướng để phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua.
Bài 1: Thực trạng phát triển đô thị tại Lâm Đồng
Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
|
Đà Lạt khói sương |
•
HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH LÂM ĐỒNG
Với tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ thống nhất hành động và triển khai thực hiện trong ngành Xây dựng; ngày 11/5/2017, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 419/QĐ-BXD về ban hành Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Từ năm 2014, tỉnh Lâm Đồng cũng đã đưa ra kế hoạch cùng các giải pháp hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn theo từng giai đoạn (2014-2020) và đang triển khai thực hiện kế hoạch giai đoạn 2020-2030.
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ngành Xây dựng Lâm Đồng nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ và mục tiêu của ngành, phấn đấu đạt các mục tiêu đã được nêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014. Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cho các lĩnh vực điều chỉnh quy hoạch đô thị; cải thiện hạ tầng kỹ thuật; đổi mới công nghệ và kỹ thuật xây dựng; phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo kế hoạch, giải pháp tỉnh đề ra.
Lâm Đồng hiện có 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 15 đô thị từ loại V đến loại I, trong đó 1 đô thị loại I (TP Đà Lạt, trung tâm tỉnh lỵ), có dân số 223,93 nghìn người, 1 đô thị loại III (TP Bảo Lộc, trung tâm vùng phía Nam tỉnh), có dân số 106,97 nghìn người; 1 đô thị loại IV (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, có dân số 46,6 nghìn người; 12 đô thị loại V còn lại gồm: thị trấn Thạnh Mỹ, Dran; Di Linh; Đinh Văn; Nam Ban; Lạc Dương; Lộc Thắng; Mađaguôi; Đạ Mri; Đạ Tẻh, Cát Tiên; xã Phước Cát 1 có tổng dân số là 575,6 nghìn người. Ngoài ra. còn các điểm dân cư (Lộc An, Hòa Ninh) có dân số khoảng 32 nghìn người. Tỷ lệ tăng dân số đô thị bình quân 10%/năm. Giai đoạn đến năm 2025, trên địa bàn toàn tỉnh có 19 đô thị, điểm nhấn của giai đoạn này là công nhận toàn bộ huyện Đức Trọng đạt đô thị loại IV, nâng cấp TP Bảo Lộc lên đô thị loại II, nâng cấp 4 đô thị hiện hữu là thị trấn Di Linh (huyện Di Linh); Đinh Văn (huyện Lâm Hà), thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) và thị trấn Mađaguôi (huyện Đạ Huoai) lên đô thị loại IV. Ngoài ra, giai đoạn này còn dự kiến công nhận đô thị loại V là Hòa Ninh (huyện Di Linh); Lộc An ( huyện Bảo Lâm); Đạ Rsal, Bằng Lăng (huyện Đam Rông).
Hệ thống đô thị phân bố tương đối đồng đều, đã cơ bản hình thành đô thị trung tâm hành chính - chính trị tại các huyện thị, các đô thị chuyên ngành dịch vụ, du lịch và công nghiệp. Nhìn chung, hệ thống đô thị đang phát triển đúng theo yêu cầu đề ra; tốc độ đô thị hóa có tăng hơn so với bình quân của cả nước. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản nhìn chung đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực để thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tình trạng xây dựng còn hiện tượng tự phát, chắp vá, thiếu mỹ quan tại các đô thị mới, đặc biệt là tại các khu dân cư tập trung ở khu vực nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa. Hạ tầng cơ sở, bao gồm cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đã được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư nâng cấp, nhưng nhìn chung vẫn đang trong tình trạng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng đủ điều kiện cho nền sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường và hội nhập.
|
Lâm Đồng có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên |
• PHÁT TRIỂN NGÀNH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG XANH
Tăng trưởng xanh là nội dung cơ bản không thể tách rời trong các chủ trương, định hướng để phát của ngành xây dựng. Theo báo cáo của ngành Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, những năm qua, ngành đã lồng ghép các nội dung về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh vào các đồ án quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị; cụ thể đã trình UBND tỉnh ban hành thí điểm xây dựng “Làng đô thị xanh” tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt; tham gia góp ý đối với các đề án xây dựng Đà Lạt thành đô thị thông minh, kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh,...
100% các dự án lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng đèn LED tiết kiệm; 100% các dự án xây dựng sử dụng vốn ngân sách sử dụng gạch không nung, không cho phép xây dựng các công trình sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ lạc hậu, thực hiện xóa bỏ các lò nung đốt thủ công đúng theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hầu hết các công trình lớn, các tòa nhà cao tầng trên địa bàn đều có giải pháp lấy ánh sáng tự nhiên, chú trọng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hình thức kiến trúc thông thoáng, sử dụng năng lượng bức xạ để đun nước nóng và sản xuất nguồn điện sạch, tái tạo; trồng cây xanh, hồ nước tạo mỹ quan...
Các đồ án quy hoạch đô thị, các quy định về quản lý kiến trúc, chỉ tiêu xây dựng công trình tại các địa phương đều đảm bảo tỷ lệ cây xanh, công viên, mặt nước hợp lý, không cho phép xây dựng các công trình che chắn ánh sáng, hướng gió đến các khu dân cư.
Sở Xây dựng đã trình UBND tỉnh ban hành các quy định về trồng cây xanh đô thị, cây xanh dự án; quy định về chiếu sáng công trình công cộng đô thị, trong đó bắt buộc phải sử dụng đèn LED chiếu sáng tiết kiệm thay cho đèn cao áp trước đây, quy định về sử dụng vật liệu xây dựng không nung tại các công trình sử dụng vốn ngân sách; quy định về việc lập quy hoạch, hình thức kiến trúc, chỉ tiêu xây dựng công trình trong đó chú trọng đến chỉ tiêu về mật độ xây dựng phù hợp, tạo khoảng không để thông gió, trồng cây xanh,... Ngoài các quy định của Trung ương thì đây là các công cụ pháp lý hữu hiệu để quản lý việc xây dựng dự án, công trình thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng, nghiệm thu công trình cũng được Sở Xây dựng quan tâm, chú trọng và kiểm soát chặt chẽ. Xử lý nghiêm các hành vi chặt hạ cây xanh không phép, trái phép; các hành vi xây dựng công trình xâm phạm hành lang bảo vệ rừng, công viên, mặt nước tự nhiên.
(CÒN NỮA)
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin