Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thống nhất các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc

02:01, 20/01/2022
(LĐ online) - Ngày 20/1, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2022. 
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S và Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành; các phòng ban chuyên môn thuộc Sở Y tế và các bệnh viện, trung tâm y tế đóng trên địa bàn TP Đà Lạt.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S và Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S và Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
 
ĐÚC KẾT CÔNG THỨC PHÒNG CHỐNG DỊCH
 
Theo đánh giá, từ đầu dịch đến ngày 31/12/2021 Việt Nam có 1.731.257 ca nhiễm, 32.394 ca tử vong do Covid-19. Cả nước đã trải qua 4 đợt bùng phát, quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt có xu hướng phức tạp hơn. Tính trên 1 triệu dân, Việt Nam có số mắc xếp thứ 144/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, 9/11 nước khu vực ASEAN; số tử vong xếp thứ 131/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, 6/11 nước khu vực ASEAN. Tỷ lệ tử vong trên số mắc là 1,9%, xếp thứ 58/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, 3/11 nước trong khu vực ASEAN. 
 
Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến thể Omicron, nguy cơ Omicron lây lan trên diện rộng là rất cao. Trong thời gian tới các tỉnh, thành phố có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicron và thậm chí sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron. 
 
Công tác phòng chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của Nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu. 
 
Các văn bản được thống nhất ban hành đã chỉ đạo các cơ quan trong cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch. 
 
Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về công tác phòng chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện vào những thời điểm cấp thiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ họp giao ban trực tiếp đến cấp cơ sở để triển khai công tác phòng chống dịch. Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã kế thừa các nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong các đợt dịch trước; đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức phòng chống dịch: 5K + vắc xin, thuốc đặc hiệu + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân + các biện pháp khác với các trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị và chuyển hướng thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ”. 
 
Trước nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể Omicron, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp, các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát hiện sớm, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đến nay, tất cả trường hợp nhiễm biến thể Omicron đã phát hiện đều được quản lý, theo dõi y tế chặt chẽ, phù hợp.
 
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử với phương châm làm thế nào để có vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất và an toàn nhất. Từ nước tiếp cận vắc xin chậm nhưng đến nay tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng của Việt Nam đã thuộc những nước hàng đầu trên thế giới, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do WHO khuyến cáo. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số vắc xin đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều, đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều. Việc tiếp nhận, phân bổ vắc xin được thực hiện công khai, minh bạch, phù hợp với diễn biến dịch bệnh, tập trung vào đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao. Tính đến ngày 13/01/2022, cả nước đã tiêm được hơn 164,5 triệu liều. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 100% và tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 93,4% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối Quý I /2022. Hiện, đang tích cực chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả. 
 
Chủ động các phương án điều trị, trong đó tăng cường năng lực về nhận lực, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, tại nhà; bảo đảm các trường hợp nhiễm đều được theo dõi y tế, chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất; trong đó, tập trung kiểm soát các trường hợp nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và giảm thiểu đến mức tối đa các trường hợp tử vong.
 
Trong giai đoạn bình thường mới, việc điều trị Covid-19 đã thích ứng, linh hoạt và thay đổi các chiến lược điều trị và cập nhật các hướng dẫn điều trị qua 7 phiên bản. Hiện nay, các địa phương trên toàn quốc tập trung triển khai chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ, thực hiện phân loại, sàng lọc các đối tượng theo hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và xử trí, cách ly, điều trị của Bộ Y tế. 
 
Đến nay, cơ bản đã đảm bảo kịp thời nhu cầu đối với các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19. Rà soát, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu, cấp phép và nghiên cứu, sản xuất thuốc trong nước với các cơ chế đặc thù về quản lý thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách về phòng chống dịch. Riêng đối với các thuốc kháng vi rút, thời gian qua, Bộ Y tế đã huy động tối đa các nguồn lực để cung ứng thuốc theo nhu cầu điều trị, đã cấp theo nhu cầu đề xuất của các địa phương các loại thuốc Remdesivir, Favipiravir, Molnupiravir.
 
Đối với mặt hàng ô xy y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng điều chuyển mục đích sử dụng ô xy dùng cho công nghiệp sang cho y tế; đồng thời, triển khai một số giải pháp nhằm xử lý tình trạng thiếu hụt ô xy cục bộ tại một số địa phương phía Nam. 
 
Đánh giá chung, ngành y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao. Bên cạnh phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế tập trung phòng chống các dịch bệnh khác, không để tình trạng “dịch chồng dịch”. Số mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020. Công tác quản lý môi trường y tế, truyền thông, y tế cơ sở được tăng cường để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng, giảm nguy cơ phải nhập viện, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính. Thực hiện nhiệm vụ kép, bảo đảm an toàn cho bệnh viện, phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới. Tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng thuận lợi, kịp thời. 
 
Tăng tốc chuyển đổi số trong ngành y tế. Bộ Y tế được xếp thứ 5 về chuyển đổi số trong 18 bộ có cung cấp dịch vụ công. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thực hiện áp dụng tờ khai y tế điện tử. Xây dựng và triển khai sổ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19, thuốc, trang thiết bị y tế trong nước. Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được vi rút SARS-CoV-2, đã có 4 vắc xin được thử nghiệm lâm sàng, 2 vắc xin chuyển giao công nghệ với Nga, Nhật; nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, một số trang thiết bị y tế; đảm bảo được trang thiết bị phòng hộ... 
 
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
 
TIẾP TỤC TẬP TRUNG CAO NHẤT CHO CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19
 
Mục tiêu năm 2022, phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có khả năng thích ứng và sức chống chịu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Phấn đấu đạt 3 chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được Quốc hội giao: Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%; số bác sỹ trên 10.000 dân đạt 9,4; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 29,5. Đồng thời, ngành thực hiện 16 chỉ tiêu cụ thể năm 2022 Chính phủ giao.
 
Nhận định trong thời gian tới, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn; số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc xin nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. Ngành y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đã, đang và sẽ quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. 
 
Trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện thành công chương trình phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 – 2023, góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Cuộc chiến phòng Covid-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế. Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch.
 
Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt theo kết quả phòng chống dịch Covid-19; trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. 
 
Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế; khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong lĩnh vực y tế dự phòng, chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, trong đó, có quy định tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100% theo kết luận của Bộ Chính trị. 
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo: Nhìn lại năm 2021, thành tựu chung cả nước trong điều kiện khó khăn có sự đóng góp của ngành y tế.  Điểm sáng trong phòng chống dịch là chúng ta thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch; linh hoạt chuyển đổi trạng thái từ theo đuổi Zero Covid-19 sang thích ứng linh hoạt. Đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân trên hết, trước hết. 
 
Vi rút là kẻ thù vô hình nhưng rất nguy hiểm. Trong thời khắc khó khăn nhất, chúng ta không tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà dùng biện pháp tăng cường giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Đây là quyết định hết sức khó khăn. Toàn ngành y tế đã giữ bản lĩnh, bình tĩnh trong công tác tham mưu, dùng các biện pháp phù hợp, hiệu quả. Đưa ra chiến lược vắc xin, thành lập quỹ vắc xin, tổ ngoại giao vắc xin, phát động chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất từ trước đến nay tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân. Đồng thời, dùng mọi biện pháp, mọi hình thức để đưa được vắc xin về nước, kết quả rất đáng mừng cho đến ngày hôm nay. 
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần phải rút ra những bài học: Tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, bình tĩnh, chắc chắn giữ bản lĩnh trong lúc khó khăn để quyết định những vấn đề cấp bách; chọn cách tiếp cận toàn dân, từ cơ sở, lấy xã phường làm pháo đài, người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu trong phòng chống dịch; tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ, tranh thủ trí tuệ tập thể.
 
Thủ tướng đánh giá cao vào cuộc của các chuyên gia, cán bộ, y bác sĩ, sinh viên các trường đại học tham gia chống dịch. Qua công tác phòng chống dịch, khẳng định thêm lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, khẳng định hình ảnh người thầy thuốc, trong khó khăn, hy sinh, chưa khắc họa hết sự hy sinh, mất mát, chịu đựng của đội ngũ y bác sĩ trong phòng chống dịch vừa qua. Gần 3.000 cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch bị nhiễm Covid-19 và 10 trường hợp tử vong.
 
Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt, không lơ làm chủ quan mất cảnh giác, phát huy thành tích đạt được, toàn ngành y tế đoàn kết thống nhất tiếp tục làm tốt hơn. Khắc phục yếu kém trong công tác quản lý nhà nước (trong đó có quản lý giá). Bên cạnh phòng chống dịch, tập trung công tác quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tế, ngành y tế vừa phòng chống dịch vừa phải tiếp thanh tra, kiểm tra, để xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Phân tích ra tìm hiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan, có sự lỏng lẻo trong quản lý nhà nước, thiếu kiểm tra, giám sát.
 
Kiên trì, kiên quyết thực hiện mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng người dân trên hết, trước hết. Nhiệm vụ cần quan tâm tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết liên quan y tế để tổ chức thực hiện trước mắt và lâu dài. Cụ thể hóa chương trình phòng chống dịch năm 2022 - 2023 với mục tiêu bảo vệ người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người làm tuyến đầu chống dịch. Không để khủng hoảng về y tế làm đổ vỡ hệ thống y tế. Tập trung y tế cơ sở, y tế dự phòng, đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực. Nắm chắc tình hình, dự báo tình hình, không chủ quan, cảnh giác với chủng mới…
 
Thần tốc hơn nữa đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin Covid-19 để chúng ta mở cửa an toàn, tập trung mọi nguồn lực để bao phủ vắc xin cho các đối tượng. Chủ động thuốc điều trị, đề nghị Bộ Y tế công bố nhanh tất cả các loại thuốc điều trị Covid-19 mà thế giới đã công bố để chống đầu cơ thuốc, tiêu cực, tham nhũng. Nhanh chóng xem xét công nhận vắc xin và thuốc trong nước, giảm thủ tục hành chính, đảm bảo khoa học, an toàn và hiệu quả.
 
Khẩn trương tiêm chủng cho trẻ em để nhanh chóng mở cửa trường học sau Tết Nguyên đán. Tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa các biến chủng mới, kiểm soát dịch bệnh thâm nhập vào nước ta qua biên giới, hàng không. Thống nhất các biện pháp phòng chống dịch trên toàn quốc, linh hoạt trong thời gian nhất định, bám sát thực tiễn, nếu làm khác phải báo cáo ngay cấp thẩm quyền. Không được ngăn sông cấm chợ việc di chuyển của người dân; trên các phương tiện giao thông đã có quy định 5K; phải thống nhất, không thể mỗi tỉnh làm 1 kiểu.
 
Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong các cấp, các ngành, rèn luyện đội ngũ, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết; coi trọng công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng quyết liệt, hiệu quả; xây dựng đội ngũ trong sạch vững mạnh. Ngành y tế dành thời gian tư vấn tâm lý, xây dựng môn Covid-19 học giải quyết hậu Covid-19.
 
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mùa xuân năm 2022 từ  ngày 1/2 đến 28/2, giao cho Bộ Y tế xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. 
 
AN NHIÊN