Một trong những nội dung trong hệ thống giáo dục quốc dân, Chính phủ đặc biệt quan tâm là y tế trường học. Ngày 17/1/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 85/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình).
|
Cán bộ y tế trường học kiểm tra sức khỏe học sinh tiểu học. |
• MỤC TIÊU ĐẶT RA ĐỐI VỚI Y TẾ TRƯỜNG HỌC
Chương trình nhằm mục tiêu củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học (YTTH) trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn kết với hệ thống y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non, học sinh. Mục tiêu đến năm 2025 cụ thể là: 100% chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại hệ thống YTTH trong các cơ sở giáo dục, xây dựng cơ chế quản lý và phương thức hoạt động YTTH phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác YTTH hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế ở địa phương. 100% trung tâm y tế cấp huyện; trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác YTTH. 100% chính quyền các cấp ở địa phương có cơ chế phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục về công tác YTTH gắn với y tế cơ sở. 100% cơ sở giáo dục và trạm y tế cấp xã trên địa bàn có cơ chế phối hợp về công tác YTTH. 95% cán bộ phụ trách công tác YTTH ở các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Phòng GDĐT và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được bồi dưỡng, nâng cao năng lực tổ chức quản lý về YTTH. 95% nhân viên YTTH trong các cơ sở giáo dục và y tế cơ sở được bồi dưỡng về công tác YTTH dành cho từng đối tượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. 95% cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho công tác YTTH như phòng làm việc, giường, trang thiết bị, dụng cụ sơ cấp cứu thông thường, thuốc thiết yếu và nguồn kinh phí trích lại từ bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với học sinh. 100% cơ sở giáo dục công lập được bố trí nguồn kinh phí hoạt động YTTH từ ngân sách dành cho sự nghiệp giáo dục, y tế hằng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Liên quan đến YTTH, ngày 10/2/2022, Bộ GDĐT tổ chức Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025. Tham dự lễ công bố này có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo. Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 - 2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.
• LÂM ĐỒNG ĐANG TÍCH CỰC TRIỂN KHAI
Đối với tỉnh Lâm Đồng, năm học 2020 - 2021, ông Trần Đức Lợi, Phó giám đốc Sở GDĐT cho biết: “Công tác YTTH còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 và Nghị định số 146/2018/NĐCP ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Công tác chỉ đạo, tuyên truyền giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh thường xuyên được quan tâm thực hiện, tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn xảy ra, nhất là vào dịp nghỉ hè”.
Tháng 12/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành Kế hoạch số 8851 Triển khai thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 4 nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong trường học, gồm: Chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường và ứng dụng công nghệ thông tin. Để đạt được, cần 7 giải pháp triển khai như: Bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; tăng cường, nâng cao nguồn nhân lực; đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường truyền thông, giáo dục và vận động xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách, phối hợp liên ngành, tăng cường trách nhiệm triển khai; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế.
Năm học 2021 - 2022, nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế học đường đã có Hướng dẫn thực hiện của Bộ GDĐT. Trong đó, đối với y tế học đường, trước hết là công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc công tác y tế trường học. Cụ thể: Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 08/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên (HSSV). Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn, uống sữa học đường bảo đảm dinh dưỡng, chất lượng theo quy định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường, bảo đảm các điều kiện vệ sinh trường học, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe trẻ em, HSSV. Chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để tham mưu UBND các cấp thực hiện đổi mới, củng cố, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống YTTH gắn kết với y tế cơ sở nhằm đảm bảo được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trong trường học. Phối hợp với cơ quan BHXH các cấp tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện BHYT HSSV, bảo đảm quyền lợi được chăm sóc sức khỏe ban đầu của HSSV trong trường học. Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.
Để khép lại bài viết này, chúng tôi nhấn mạnh sự quan trọng của sức khỏe học đường mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại: “Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước” - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và “Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam” như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy…
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin