Cát Tiên: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới

06:03, 16/03/2022
Cát Tiên là huyện vùng xa của tỉnh Lâm Đồng, với đông đồng bào dân tộc thiểu số - nơi có xuất phát điểm kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Trong thời gian qua, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. 
 
Người dân xã Đồng Nai Thượng được chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh ngay từ tuyến y tế cơ sở
Người dân xã Đồng Nai Thượng được chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh ngay từ tuyến y tế cơ sở
 
Huyện Cát Tiên có diện tích tự nhiên 42.657,28 ha; trong đó, đất nông nghiệp là 13.245,84 ha, chiếm 31,05% tổng diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp là 27.193,58 ha, chiếm 63,75% tổng diện tích tự nhiên. Toàn huyện có 9 đơn vị hành chính, gồm 7 xã và 2 thị trấn; có 59 thôn, buôn, tổ dân phố; dân số trên địa bàn huyện có 10.064 hộ/35.415 khẩu, trong đó 2.048 hộ/9.219 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 26,03% dân số toàn huyện với 21 dân tộc thiểu số sống xen kẽ, phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện. 
 
Ông Bùi Văn Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Trước khi triển khai thực hiện xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện còn có những hạn chế; đời sống của Nhân dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết khắc nghiệt cản trở cho phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. 
 
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, văn hoá, giáo dục, y tế được đầu tư từ giai đoạn trước đã hư hỏng, xuống cấp, cần nguồn lực lớn để xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi còn nhiều lạc hậu; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước của một số bộ phận Nhân dân làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện chương trình; nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cao...
 
Đến nay, sau khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, tình hình kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân 7,2%; thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 35,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,75 lần so với năm 2015. Theo ông Bùi Văn Văn, trong những năm qua, các cấp chính quyền huyện Cát Tiên đã tranh thủ mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với Cát Tiên là huyện thuần nông nghiệp, do đó, việc đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được Huyện ủy, UBND huyện Cát Tiên đặc biệt quan tâm chú trọng. Nhất là phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng công trình thủy lợi hồ chứa nước Đạ Sị, nâng cấp các trạm bơm trên sông Đồng Nai. Đồng thời, huyện Cát Tiên cũng tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư 35 hạng mục công trình thủy lợi nhỏ; kiên cố hóa và sửa chữa nâng cấp 14,23 km kênh mương kết hợp với 14,56 km hệ thống kênh mương hồ chứa nước Tư Nghĩa, nâng tổng chiều dài kênh mương kiên cố hóa lên 161,45/255 km, đạt tỷ lệ 63,3%.
 
Ngoài ra, hàng năm, Điện lực Cát Tiên còn tổ chức kiểm tra, sửa chữa nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn kỹ thuật để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của Nhân dân. Đến năm 2017, đơn vị đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống điện cho các thôn cuối cùng của huyện chưa có điện như: thôn Vĩnh Ninh, Thôn 3, Thôn 4 - xã Phước Cát 2, nâng tổng số thôn có điện lưới quốc gia đạt 100% và tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,95%.
 
Trong giai đoạn 2016-2020, việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo cũng được địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là các trường ở xã vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử như thành lập Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nai Thượng; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt nhu cầu dạy và học. Đến nay, 100% các xã vùng xa, vùng dân tộc đều có trường học, điểm trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đưa con em đến trường. 
 
Mặc khác, hệ thống y tế cơ sở được củng cố xây dựng, với 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về tiêu chí y tế và đạt 10 bác sỹ/vạn dân. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho Nhân dân được quan tâm thực hiện ngay từ tuyến cơ sở, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trên người. Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng và phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em... Hệ thống thiết chế về văn hóa, thể dục, thể thao cũng được địa phương quan tâm đầu tư với 7/7 xã có nhà văn hóa, 6/7 xã có sân vận động và 100 % thôn có nhà văn hóa thôn...
 
HOÀNG SA