(LĐ online) - Thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp lợi sanh theo chủ trương của Ban Giáo dục Tăng Ni (Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và để đáp ứng được lòng mong mỏi của Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài tỉnh, Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng chính thức khai giảng vào ngày 03/11/1990. Gần 32 năm hình thành và phát triển, có thể thấy, thành tựu trong công tác Phật sự giáo dục đào tạo Tăng tài của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng đã tạo nên niềm hỷ lạc cho Phật giáo tỉnh nhà nói riêng và Phật giáo cả nước nói chung, đặc biệt là lớp Tăng, Ni trẻ.
|
Các Tăng, Ni sinh khóa 12 (niên học 2019-2022) của Trường Trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng |
•
ĐI HỌC ĐỂ CÓ KIẾN THỨC
Hiện nay, Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng, là 1 trong 8 trường đào tạo Phật học tại Việt Nam. Những năm gần đây trường đã có nhiều đổi mới trong chương trình đào tạo, bổ sung thêm nhiều môn học mới, tăng cường các lớp đào tạo Hán văn và Anh văn, rút ngắn chương trình trung cấp từ 4 năm trước đây xuống còn 3 năm. Song song đó, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, giao lưu với các trường Phật học trong nước. Nhiều Tăng, Ni sinh sau khi hoàn tất chương trình đào tạo đã tiếp tục học lên các bậc học cao hơn ở trong và ngoài nước.
Hòa Thượng Thích Viên Thanh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện nay Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng đang đào tạo gần hơn 100 Tăng, Ni sinh hệ trung cấp. Không chỉ đào tạo Tăng, Ni sinh cho các cơ sở tự viện trong tỉnh, Lâm Đồng còn có đông đảo các Tăng, Ni sinh trong cả nước đến học. Việc đào tạo góp phần giáo dục Tăng, Ni sinh hiểu rõ giáo lý nhà Phật, nắm vững phương pháp tu hành; nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; trang bị kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng, góp phần xây dựng và phát triển quê hương đất nước.
Để được tuyển chọn vào học tại Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng, các Tăng, Ni sinh phải có bằng tốt nghiệp THPT, nhân thân hợp pháp, sức khỏe tốt, có giấy cam kết của bổn sư hoặc y chỉ sư. Đồng thời, phải thi 3 môn: Giáo lý Phật giáo, Ngữ văn, và Hán văn hoặc Anh văn. Sau 3 năm học, nếu Tăng, Ni sinh đạt các yêu cầu đề ra của nhà trường, như có điểm thi các môn và thi tốt nghiệp từ trung bình trở lên, hạnh kiểm và lao động tốt... sẽ được cấp bằng tốt nghiệp.
•
GIAN NAN HỌC HÀNH
Hầu hết các Tăng, Ni sinh tại Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng còn rất trẻ, có người mới 18-20 tuổi. Mỗi người chọn con đường đi theo bước chân Phật với nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên mọi người đều rất nỗ lực rèn luyện, học tập.
Tăng sinh Thích Bửu Đỉnh, ở huyện Đơn Dương, đang theo học lớp Trung cấp Phật học khóa 12 (niên học 2019-2022), cho biết: Một ngày của sinh viên Phật giáo bắt đầu lúc 3 giờ 30, sau đó đến giảng đường lúc 7 giờ 30 và học đến 10 giờ 45. Buổi chiều thường được nghỉ, nhưng chiều thứ Tư và một chiều khác trong tuần, các Tăng, Ni sinh học hành chính và ngoại ngữ.
Ngoài thời gian học ở trường, các Tăng, Ni sinh còn tụng kinh, tự học và trì chú mỗi đêm. Sau 21 giờ 30, Tăng, Ni sinh nào có nhu cầu tiếp tục học thì có thể vặn nhỏ đèn ôn bài... Chương trình học của hệ trung cấp Phật học có hơn 10 môn, ngoài học các môn về Phật pháp, các Tăng, Ni sinh còn học Triết học, Lịch sử, Văn học, Tin học... Mỗi buổi lên lớp đều phải điểm danh nghiêm túc, thi cử thực chất.
Bên cạnh đó, mỗi Tăng, Ni sinh phải thực hiện các nội quy nghiêm ngặt của nhà trường như: không sử dụng điện thoại di động; không sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá); không bài bạc; không được nghe nhạc, hát, xướng, chỉ được sử dụng máy thu bài học; không sử dụng máy vi tính riêng (chỉ được học máy vi tính do trường quản lý).
Theo Tăng sinh Thích Bửu Đỉnh, dù học hành rất vất vả, nội quy khắt khe nhưng các Tăng, Ni sinh đều chấp hành tốt, bởi ai cũng hiểu rằng, học là để cho chính bản thân mình. Trong cuộc sống, mỗi người đều chọn cho mình một con đường, một lý tưởng để phụng sự, song dù ở giới nào, ai cũng khát khao, phấn đấu có tri thức để khẳng định mình.
Hòa Thượng Thích Viên Thanh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm: Nhà trường quen với việc thức khuya, dậy sớm để tĩnh tâm khai trí, chuyên tâm tu nghiệp, học hành, có lẽ vì thế mà nhiều Tăng, Ni học rất giỏi, nhập tâm nhanh và nhớ lâu.
BÌNH AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin