Chuyện ở một chi đoàn vùng xa

06:06, 14/06/2022
Khoác lên mình màu áo xanh của tuổi trẻ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thuộc Chi đoàn Thôn Liêng Rắc I (xã Đạ M’rông) đang cùng nhau viết nên câu chuyện về một lớp trẻ nơi vùng xa luôn mang trong mình khát khao cống hiến trí tuệ, sức lực và lòng nhiệt huyết để cùng chính quyền, địa phương dựng xây xã  Đạ M’rông, huyện Đam Rông ngày càng tươi mới, yêu thương và tràn đầy sức sống.
 
Các thành viên trong THT Trồng dâu nuôi tằm Liêng Rắc I trao đổi kinh nghiệm cho nhau
Các thành viên trong THT Trồng dâu nuôi tằm Liêng Rắc I trao đổi kinh nghiệm cho nhau
 
•  ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐVTN KHỞI NGHIỆP...
 
Qua những lần chuyện trò với Bí thư Huyện Đoàn Đam Rông Nguyễn Thị Nhung về tình hình hoạt động của một số cơ sở đoàn , chúng tôi được biết đến Chi đoàn Thôn Liêng Rắc I với tổ hợp tác (THT) trồng dâu nuôi tằm khi hơn một nửa thành viên trong đó là ĐVTN. 
 
Được thành lập từ cuối năm 2019, đến nay hoạt động của tổ đã dần đi vào nền nếp và bước đầu mang lại hiệu quả. Bí thư Chi đoàn thôn, anh Ndu Ha Eo, người tiên phong trong trồng dâu nuôi tằm và là tổ trưởng THT trồng dâu nuôi tằm Liêng Rắc I tâm sự: “Địa phương tôi còn nghèo lắm! Mỗi năm có 2 vụ bắp, lúa nhưng với thời gian canh tác kéo dài đến 6 tháng/vụ, nên hầu như thu nhập đem lại không thể đảm bảo đời sống cho người dân... Để chủ động thay đổi cách làm, cách nghĩ và cách phát triển kinh tế của bà con, ĐVTN trong thôn đã cùng nhau mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Một trong số đó là phát triển trồng dâu nuôi tằm”.
 
Là người gương mẫu đi đầu trong lớp trẻ về chuyển đổi cây trồng, Ha Eo không ngần ngại tìm tòi, học tập và bắt đầu trồng 3 sào dâu trong những tháng đầu năm 2015. Đến nay, diện tích đã mở rộng được gần 1 ha với 2 lứa tằm/tháng, mỗi tháng thu về được 150 kg kén. Vừa nghiên cứu cách làm hay, vừa tìm ra hướng đi tăng năng suất, diện tích dâu nuôi tằm của Ha Eo mang lại mức thu nhập ổn định khoảng 25 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2018, THT Trồng dâu nuôi tằm Liêng Rắc I (100% thành viên là người dân tộc thiểu số) được thành lập với mục đích cùng liên kết để chủ động đảm bảo đầu ra cho kén tằm. Theo các thành viên trong tổ, quan trọng nhất trong việc hình thành và duy trì hoạt động THT là giúp nhau nâng cao chất lượng cây dâu, con tằm. “Nhiều kinh nghiệm nuôi tằm được chúng tôi chia sẻ với nhau, giúp thành viên trong tổ dù mới hay làm lâu rồi đều sản xuất được những chiếc kén trắng, chắc, giá tốt. Các thành viên trong tổ còn chia sẻ nguồn tằm con, mua chung, chia bớt bình quân hộ dư, hộ thiếu. Trồng dâu nuôi tằm không khó, chủ yếu mình có sự chăm chỉ, miệt mài với nó hay không thôi. Bây giờ các thành viên trong tổ đều có mức thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/tháng/tổ viên” - Ha Eo chia sẻ.
 
•  LÀM TỐT CÔNG TÁC AN SINH
 
Chi đoàn Thôn Liêng Rắc I hiện có 26 ĐVTN đang tham gia sinh hoạt tại chi đoàn. Những năm qua, chi đoàn đã tích cực tuyên truyền, vận động ĐVTN học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa nội dung học tập và làm theo gương Bác trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong tổ chức Đoàn. Từ đó, các phong trào Đoàn luôn được phát triển thông qua những hoạt động cụ thể như tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động thành lập đội hình thanh niên xung kích xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Bên cạnh đó, duy trì công tác dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông kênh mương, trồng và chăm sóc cây xanh,...
 
Ngoài phát triển kinh tế, Chi đoàn Thôn Liêng Rắc I còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phong trào Đoàn phát triển ngày càng vững mạnh. Nổi bật lên, đó là Mô hình gây quỹ “có một không hai” -  Thuê đất trồng bắp gây quỹ. Anh Ha Eo cho biết: Mô hình Thuê đất trồng bắp gây quỹ được lấy ý tưởng từ việc trước đây chi đoàn thành lập tổ đổi công. Khi đó phong trào của Đoàn Thanh niên thôn diễn ra khá mờ nhạt vì kinh phí để duy trì hoạt động không có. Nhận thấy, một số bãi đất trống bị bỏ hoang nhiều năm, chi đoàn thôn đã hỏi thăm và mượn đất với ý tưởng trồng bắp.
 
Cùng phối kết hợp giữa việc đổi công và trồng bắp gây quỹ, năm 2020, mô hình nói trên được triển khai thực hiện theo diện tích tăng dần. Từ 1, 2 sào, đến nay đã tăng lên 3 sào để các bạn ĐVTN cùng tham gia. “Vào mùa hái cà phê, chi đoàn chủ động liên hệ với các chủ hộ cần nhân công để kêu gọi ĐVTN làm. Còn đối với bắp sẽ được thu 2 vụ/năm và cho thu nhập 10 triệu đồng/vụ. Số tiền thu về, được chi đoàn thống nhất chia làm 2 nguồn,  50% được chia đều ngày công cho các bạn ĐVTN tham gia mô hình và 50% sẽ bổ sung vào nguồn quỹ chi đoàn” - anh Ha Eo bộc bạch.
 
Khi nguồn quỹ “dồi dào”, các buổi sinh hoạt của chi đoàn có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa hơn. Ngoài hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào Đoàn, số tiền đó được Chi đoàn Thôn Liêng Rắc I sử dụng vào thăm hỏi người bệnh, cho ĐVTN vay mượn để phát triển kinh tế trong gia đình, và gần nhất là tổ chức trại hè cho các em học sinh... Ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông nhận định: Với đặc thù địa bàn sâu, vùng xa, tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm trên 95%, còn nhiều khó khăn; để phát triển kinh tế, địa phương cần những nhân tố trẻ, họ vừa học hỏi nhanh và có đầy đủ sức lực để cống hiến., Riêng với Chi đoàn Liêng Rắc I là cơ sở đoàn nổi bật hơn so với các chi đoàn còn lại. Từ những việc làm nói trên, ĐVTN nơi đây đã dần thay đổi nhận thức cho bà con xã Đạ M’rông. 
 
THÂN THU HIỀN