Số vụ, số người bị thương do tai nạn giao thông toàn quốc giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021

07:07, 15/07/2022
(LĐ online) - Chiều 15/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ Quý III năm 2022. 
 
Các đại biểu dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng
Các đại biểu dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng
 
Dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.
 
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp áp lực về lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao (do dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát) và tập trung nhiều đợt cao điểm nghỉ lễ như nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần (nghỉ 9 ngày), dịp 30/4 và 1/5, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương tình hình trật trật tự an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2022 về cơ bản được bảo đảm, số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: Giảm 663 vụ (-10,41%) và giảm 793 người bị thương (-17,69%). 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình là vụ lái xe say rượu gây tai nạn giao thông tại Bắc Giang đêm 2/6/2022 làm 3 người chết gây bức xúc dư luận xã hội. 
 
Số người chết do tai nạn giao thông trong tháng 3, tháng 4 năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 4,69% và 14,07%), tai nạn giao thông tháng 6 năm 2022 tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Và 6 tháng đầu năm số người chết do tai nạn giao thông tăng 2,44%; trong đó, số người chết do tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. 
Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).
 
Về nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, hội nghị cũng thẳng thắn chỉ rõ là do hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện và kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.
 
Tại hội nghị, Cục Cảnh sát Giao thông cũng cung cấp số liệu thống kê tai nạn giao thông, tình hình trật tự an toàn giao thông, phân tích, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm 2022 và các vụ ùn tắc giao thông. Thông báo kết quả thực hiện trong công tác xử lý vi phạm theo chuyên đề về nồng độ cồn, ma tuý; xử lý vi phạm xe quá tải trọng toàn quốc.
 
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng báo cáo công tác xử lý điểm đen; kiểm soát tải trọng xe; tình hình triển khai lắp đặt và quản lý dữ liệu từ camera trên xe kinh doanh vận tải theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP; việc triển khai thu phí không dừng; tình hình triển khai phần mềm mô phỏng trong đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe và tình hình phục hồi vận tải khách công cộng.
 
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tiếp tục bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án giao thông trọng điểm, kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp thu kiến nghị của lực lượng cảnh sát giao thông và người dân, tiến hành rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác bay, điều hành bay, dịch vụ mặt đất tại cảng hàng không, sân bay và hạot động của các hãng hàng không nhằm xác định nguyên nhân chậm, huỷ chuyến để đưa ra giải pháp xử lý; duy trì thực hiện và thường xuyên tổng hợp, đánh giá kết quả các kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về ma túy, nồng độ cồn, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, xử lý phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, cảng, bến thủy nội địa không phép…; phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông vận tải trong việc triển khai thực hiện xử lý vi phạm chuyên đề về xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải trọng tại các địa phương…
 
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo đối với các tỉnh, thành phố có tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng đầu năm, đề nghị tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của các địa phương cấp huyện có số người chết do tai nạn giao thông tăng, phân tích nguyên nhân cụ thể, đề ra giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông trong 6 tháng cuối năm.
 
NGUYỄN NGHĨA