Thực hiện các nhiệm vụ công tác dân số - KHHGĐ

02:07, 11/07/2022
(LĐ online) - Ngày 11/7, triển khai các nội dung hoạt động truyền thông nhân Ngày Dân số Thế giới, Sở Y tế Lâm Đồng giao Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn ngành y tế tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
 
Nhân viên y tế tư vấn về chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ tại Trạm Y tế xã Lạc Lâm (Đơn Dương)
Nhân viên y tế tư vấn về chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ tại Trạm Y tế xã Lạc Lâm (Đơn Dương)
 
Tập trung truyền thông các nội dung duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm tốc độ gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân...
 
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng về triển khai các hoạt động lĩnh vực Y tế dự phòng - Dân số giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2021, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã triển khai giao chỉ tiêu chuyên môn hàng năm về công tác Y tế dự phòng - Dân số cho các đơn vị trong ngành. Qua theo dõi và báo cáo kết quả công tác dân số năm 2021 của Chi cục Dân số - KHHGĐ, một số chỉ tiêu chuyên môn đạt thấp và rất thấp so với kế hoạch được Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng giao như: Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 38,7% (chỉ tiêu năm 2021: 50%; kế hoạch năm 2022: 60%); tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến đạt 33,6% (chỉ tiêu năm 2021: 50%; kế hoạch năm 2022: 55%); tỷ lệ trạm y tế thực hiện tầm soát phát hiện thai phụ có nguy cơ cao mắc các bệnh di truyền đạt 21,8% (chỉ tiêu năm 2021: 50%; kế hoạch năm 2022: 70%)...
 
Một trong những nguyên nhân cơ bản là Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chưa quan tâm bố trí đúng, đủ số lượng viên chức làm công tác dân số cấp huyện (số lượng ít, kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác…); điều động viên chức đang làm công tác dân số đã được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ dân số đi làm nhiệm vụ khác, chưa quan tâm triển khai đầy đủ các chương trình, nhiệm vụ về Dân số - KHHGĐ như chương trình sàng lọc sơ sinh.
 
Để thực hiện có hiệu quả các chương trình công tác Dân số - KHHGĐ, đảm bảo hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu chuyên môn được UBND tỉnh giao tại, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố khẩn trương sắp xếp, bổ sung nhân lực và phân công nhiệm vụ cụ thể cho viên chức làm công tác dân số các cấp (huyện, xã), đảm bảo nhiệm vụ công tác dân số phải là chính, chiếm tỷ trọng cao trong số nhiệm vụ được phân công.
 
Những viên chức dân số đã được bồi dưỡng, tập huấn các nghiệp vụ công tác Dân số - KHHGĐ cần phải được ổn định, bố trí đúng chuyên môn, sở trường công tác; hạn chế tối đa việc điều động, thuyên chuyển, biệt phái đi làm nhiệm vụ khác không liên quan đến công tác Dân số - KHHGĐ; trong trường hợp bắt buộc phải điều động, thuyên chuyển thì phải có kế hoạch bố trí, đào tạo, bồi dưỡng viên chức khác thay thế kịp thời.
 
Hàng năm, phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ có kế hoạch cử viên chức dân số các cấp, cộng tác viên dân số trên địa bàn tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác Dân số - KHHGĐ do Tổng cục Dân số hoặc Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức. Đối với những chương trình, nhiệm vụ công tác dân số đạt thấp hoặc không bền vững do yếu tố nhân lực (thiếu, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn) cần phải được ưu tiên bổ sung nhân lực và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.
 
Chỉ đạo viên chức dân số các cấp và cộng tác viên dân số thường xuyên cập nhật, rà soát, tích hợp kho dữ liệu dân cư xã, thôn, tổ dân phố theo hướng dẫn của Chi cục Dân số - KHHGĐ; duy trì thực hiện việc cập nhật các thông tin Dân số - KHHGĐ đã được rà soát tại địa bàn vào kho dữ liệu điện tử cấp huyện theo hướng dẫn của Tổng cục Dân số.
 
Quan tâm đầu tư, trang bị máy chủ thực hiện việc quản lý kho dữ liệu dân cư; hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành dân số (MIS); hệ thống thông tin quản lý hậu cần các phương tiện tránh thai (LMIS); bản đồ điện tử dân số (MPS) và các phần mềm khác có liên quan đến lĩnh vực Dân số - KHHGĐ.
 
Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và UBND xã, phường, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số và Thông tư số 45/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/4/2015 quy định chi tiết Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ.
 
 Đẩy mạnh việc triển khai đầy đủ, có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ công tác Dân số - KHHGĐ theo các chỉ tiêu chuyên môn được Sở Y tế tỉnh hoặc Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh giao hàng năm.
 
Sở Y tế tỉnh giao Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh thường xuyên rà soát, định kỳ báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện các nhiệm vụ công tác Dân số - KHHGĐ của Trung tâm Y tế các huyện, thành phố theo các chỉ tiêu kế hoạch được Sở Y tế tỉnh giao hàng năm và năm 2002.
 
AN NHIÊN