Dồn sức cho Chiến dịch lớn (Bài 2)

06:08, 31/08/2022
[links()]
Bài 2: Quyết liệt phủ sóng vắc xin
 
Tỉnh Lâm Đồng đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với mục tiêu sớm tạo miễn dịch cộng đồng, ngăn ngừa dịch bùng phát trở lại. Nam Tây Nguyên đang trên dưới một lòng, đồng loạt triển khai, thần tốc thực hiện thành công chiến dịch.
 
Ông Đặng Trí Dũng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: K.P
Ông Đặng Trí Dũng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: K.P
 
TRÊN QUYẾT LIỆT
 
Trong hai năm vừa qua, thực tiễn đã cho thấy khi dịch bệnh đi qua, thiệt hại, nỗi đau để lại là quá lớn. Và chỉ khi có vắc xin để ngăn ngừa COVID-19, “ánh sáng” mới bắt đầu tỏa ra, tín hiệu của niềm hi vọng mới càng thêm mạnh mẽ. Vắc xin đã góp sức giảm thiểu thiệt hại về người. Nhưng vắc xin chỉ có tác dụng trong thời gian nhất định. Và sau một thời gian tưởng chừng như đã bình an, số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng lại có chiều hướng tăng lên. Điều đó cho thấy nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn còn đó và thậm chí đang rất lớn. Và hiện tại, vắc xin vẫn đang là giải pháp tối ưu nhất để ngăn ngừa dịch bệnh.
 
Để tiếp tục tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các đồng chí bí thư các thành ủy, huyện ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước tình hình dịch bệnh, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. 
 
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng: đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng; tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng; không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.
 
Theo nhận định của UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, một bộ phận người dân và thậm chí có cả đội ngũ cán bộ đang có tư tưởng chủ quan, lơ là, nên chưa thực hiện việc tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 nghiêm túc theo khuyến cáo của ngành Y tế. Bởi vậy, tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 còn đạt kết quả thấp. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại khi đến ngày 28/8/2022, số liệu thống kê của Sở Y tế tỉnh cho thấy, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người 18 tuổi trở lên: Tiêm mũi 3 mới đạt 67,88%, tiêm mũi 4 đạt 50,13%; tiêm nhắc lại (mũi 3) cho trẻ từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đạt 66,5%; tiêm cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 96,16%, mũi 2 đạt 76,69%.
 
Với mục tiêu sớm tạo miễn dịch cộng đồng, ngăn ngừa dịch bùng phát trở lại, vừa qua, tại thành phố Bảo Lộc, UBND tỉnh đã phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, 6 tháng cuối năm 2022. Điều này khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể Nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cả cộng đồng là trên hết, trước hết bảo vệ người dân.
 
Trực tiếp phát động chiến dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đặng Trí Dũng nhấn mạnh: “Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của Nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, hiện nay chưa có thuốc đặc trị COVID-19 khiến công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để sớm tạo miễn dịch cộng đồng, giảm số người mắc COVID-19 chuyển biến nặng và giảm tỷ lệ tử vong, thì tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất và có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong phòng, chống dịch”.
 
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cùng sự đồng lòng, ủng hộ của người dân để góp phần thực hiện tốt nhất công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19. 
 
Nỗi đau, sự mất mát trong đại dịch vẫn còn đó, chưa phút giây nào nguôi ngoai. Vắc xin vẫn đang là giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ cả cộng đồng. Và trước sự chỉ đạo mạnh mẽ của UBND tỉnh Lâm Đồng, công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. 
 
Thanh niên huyện Đam Rông ra quân tuyên truyền thực hiện Chiến dịch tiêm chủng vắc xin
Thanh niên huyện Đam Rông ra quân tuyên truyền thực hiện Chiến dịch tiêm chủng vắc xin
 
•  DƯỚI QUYẾT TÂM
 
Khi trên đã “nóng” dưới cũng không thể “lạnh”. Và hiện nay các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đang quyết tâm, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để sớm tiến tới miễn dịch cộng đồng.
 
Cụ thể, tại huyện Đam Rông, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị và UBND các xã tích cực phối hợp với ngành Y tế tổ chức ra quân đồng loạt 8/8 xã để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Lãnh đạo huyện Đam Rông cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát và lập danh sách đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19 thuộc thẩm quyền quản lý chưa tiêm đủ liều vắc xin để tiến hành tiêm. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và UBND các xã chịu trách nhiệm trước UBND huyện và Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 huyện về kết quả tiêm vắc xin cho các đối tượng thuộc mình quản lý. 
 
Tương tự tại huyện Di Linh, quyết tâm cao đã được thấy rõ trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 huyện Di Linh, cho biết, lãnh đạo huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn và mọi người dân, triển khai sớm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch xuyên suốt qua các giai đoạn, trong đó việc triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 với quy mô lớn. Ban chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 huyện Di Linh đã phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi toàn thể các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đang sản xuất kinh doanh, sinh sống, làm việc trên địa bàn toàn huyện hưởng ứng tiêm vắc xin phòng COVID-19 để góp phần cùng toàn xã hội ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
 
Để thực hiện hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng, huyện Di Linh đã tiến hành phân công nhiệm vụ, phụ trách địa bàn cho các thành viên Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 và Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin của huyện. Trong Chiến dịch, nếu địa phương nào không sử dụng hết vắc xin được cấp để tiêm cho các đối tượng theo quy định và đơn vị nào không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm trên, để xảy ra dịch tại địa phương và để vắc xin quá hạn sử dụng thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện.
 
Bên cạnh đó, huyện Di Linh cũng đã tổ chức nhiều điểm tiêm chủng, nhiều bàn tiêm và thành lập các đội tiêm chủng lưu động để có thể sẵn sàng, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 cho mọi người dân có nhu cầu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người đi tiêm không phải đi xa mới đến điểm tiêm chủng hoặc phải chờ đợi để tiêm, trong điều kiện vắc xin đang triển khai tiêm miễn phí cho Nhân dân. 
 
Người dân tham gia thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Người dân tham gia thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
 
Sự quyết liệt ấy cũng đang bao trùm ở khắp các địa phương trong tỉnh với sự đồng thuận cao của cả xã hội. Lâm Đồng xác định mục tiêu trong tháng 8/2022 hoàn thành tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng chỉ định và tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; bảo đảm đủ vắc xin, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng, chống dịch bệnh.
 
Tuyên truyền vẫn là giải pháp xương sống được các địa phương áp dụng để khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả 3 trụ cột phòng, chống dịch và các giải pháp phòng, chống dịch theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” trước sự xuất hiện của biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron và các biến thể khác. Cả hệ thống chính trị xác định: “Kiên trì, kiên định, kiên quyết kiểm soát dịch COVID-19 với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững”; “đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết để hành động”; “phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc xin cũng như phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác”. 
 
Nam Tây Nguyên đang trên dưới một lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến dịch Phủ sóng vắc xin - một chiến dịch có nghĩa rất quan trọng trong tình hình hiện nay.
 
DIỄM THƯƠNG - NGỌC NGÀ