Ở xã Đồng Nai Thượng - nơi cách trung tâm huyện Cát Tiên gần 40 km, những người Mạ trẻ tuổi vẫn đang hàng ngày được trao truyền để tiếp nối câu chuyện của cha ông mình, gìn giữ từng điệu múa xoang, từng tiếng chiêng ngân thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc.
|
Những người trẻ ở Lâm Đồng đang từng ngày giữ gìn điệu múa xoang và tiếng chiêng truyền thống |
Hiện, xã Đồng Nai Thượng có 5 thôn, với 98% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Với quyết tâm không để cồng chiêng bị mai một, năm 2021, UBND xã Đồng Nai Thượng đã thành lập 5 câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng - Múa xoang ở 5 thôn Bê Đê, Bi Nao, Bù Sa, Bù Gia Rá và Đạ Cọ. Bên cạnh đó, Đoàn xã cũng đã thành lập CLB Cồng chiêng trẻ Đồng Nai Thượng với 20 thành viên đều là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã.
Những thành viên của CLB còn rất trẻ tuổi. Có người đã lập gia đình, đang sinh sống ở địa phương, có bạn đang là sinh viên và có cả những thành viên vẫn đang là học sinh.
Ka Ru Tơ (21 tuổi, thôn Bi Nao) - thành viên đội múa xoang của CLB, đang là sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên. Ru Tơ nói rằng, em có hứng thú và yêu thích các điệu múa xoang từ khi còn là cô bé 10 tuổi. Ở nhà có bà, mẹ, cô, dì đều biết múa xoang, nên những động tác uyển chuyển đó đã đi vào tiềm thức cô gái Mạ từ lúc nào không hay. Để rồi đến năm 15 tuổi, Ru Tơ chính thức được học các điệu múa từ nghệ nhân trong thôn, trong xã và cùng đi biểu diễn với các chị, các mẹ.
Với Ru Tơ, mỗi lần được mang lên mình bộ váy truyền thống và thực hiện những động tác múa xoang để khoe với bạn bè các dân tộc khác, vùng, miền khác ở trường đại học là mỗi lần em xúc động và vui mừng vì bản sắc văn hóa của dân tộc mình được lan tỏa. “Đi học, em được giao lưu với nhiều nền văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau, nên thật sự càng thấy tự hào hơn về văn hóa cồng chiêng, múa xoang của dân tộc mình”, Ru Tơ chia sẻ.
|
Những người trẻ ở xã Đồng Nai Thượng đang từng ngày giữ gìn điệu múa xoang và tiếng chiêng truyền thống |
Khác với Ru Tơ, Điểu K’Bình (27 tuổi, thôn Bi Nao) chỉ được học đánh cồng chiêng khi đã kết thúc những tháng ngày xa nhà để học tập, trở về quê hương làm việc, sinh sống. Dẫu vậy, anh chẳng hề thấy khó khăn, bởi tiếng chiêng đã gắn với anh từ thuở ấu thơ, trong những dịp lễ hội mừng lúa mới của buôn làng, thế nên anh tiếp thu nhanh hơn.
Đội chiêng của CLB Cồng chiêng trẻ xã Đồng Nai Thượng có 6 người. Trong đó, người lớn nhất 34 tuổi, người nhỏ nhất chỉ vừa tròn 18 tuổi. 3 tháng là thời gian để các thành viên đội chiêng của CLB học đánh những bài cơ bản nhất từ các nghệ nhân. Và mỗi một dịp được đi biểu diễn là mỗi lần K’Bình cùng các anh em khác trong đội có cơ hội để luyện tập các bài cồng chiêng khó, phức tạp hơn.
Với những người trẻ ở Đồng Nai Thượng, dường như mỗi tiếng chiêng, điệu múa đã thấm vào dòng máu của những người con dân dộc Mạ. Thế nên, chẳng mấy ai thấy khó khăn khi theo bước cha ông gìn giữ những điều này. Không ít gia đình hiện đã có 2 đến 3 thế hệ cùng lưu giữ mạch nguồn truyền thống.
Anh Điểu K’Viên - Bí thư Đoàn xã Đồng Nai Thượng cho biết: “Thông qua các buổi biểu diễn tại địa phương, CLB đã lan tỏa niềm yêu thích đánh cồng chiêng và múa xoang đến với đông đảo đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số. Từ đó nâng cao ý thức của các bạn trong việc cùng chung sức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua nhiều hành động cụ thể khác nhau”.
Tháng 5/2022, UBND xã Đồng Nai Thượng đã ban hành Đề án Phát triển dịch vụ - du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn xã. Trong đó dựa trên quan điểm phát triển du lịch cộng đồng phải song song việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa làm phong phú, đa dạng nền văn hóa địa phương; phát triển các hợp tác xã nghề truyền thống góp phần hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Trong lộ trình thực hiện đề án, Đoàn Thanh niên xã được giao nhiệm vụ chủ trì các phong trào văn nghệ, thể thao truyền thống như thành lập đội đánh chiêng, múa xoang, biểu diễn các môn thể thao truyền thống để phục vụ khách du lịch; tiếp tục phát triển mô hình khởi nghệp tổ hợp tác rượu cần định hướng phục vụ du lịch.
Mới đây, UBND huyện Cát Tiên cũng ban hành kế hoạch triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn huyện, với một trong những mục đích là phát huy vai trò làm chủ của đồng bào các dân tộc trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương.
Ông Lê Quang Chường - Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho rằng, các đề án được đưa ra vừa là mục tiêu, vừa là động lực để người dân trên địa bàn xã tiếp tục giữ gìn và phát triển văn hóa cồng chiêng để phục vụ du lịch. Trong đó đặc biệt phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa phương.
VIỆT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin