Giáo dục Ðam Rông: Cho ngày mai tươi sáng

07:11, 17/11/2022
18 năm - đó là chặng đường dài nhưng cũng đầy ý nghĩa đối với những người làm công tác giáo dục ở huyện khó Đam Rông. Bởi đó là quãng thời gian mà họ dành trọn tâm sức, tâm huyết và tình yêu để bức tranh giáo dục tươi sáng hơn trên vùng đất khó.
 
Chất lượng học sinh ở Đam Rông không ngừng được nâng lên
Chất lượng học sinh ở Đam Rông không ngừng được nâng lên
 
Những tháng ngày gian khó
 
Trong ký ức của các cô giáo Dương Thị Bình, Ngô Thị Thu Tuyết, Phạm Thị Ngọc Bích, Đặng Thị Soa…và rất nhiều những cán bộ, giáo viên khác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Đam Rông; những ký ức về lớp, về trường, về những gian khó của ngành trong những ngày đầu thành lập huyện vẫn chưa phút giây nào mờ phai theo năm tháng.
 
Đó là năm học 2004-2005, năm học đầu tiền sau khi huyện Đam Rông được thành lập, là địa phương “sinh sau, đẻ muộn” khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng và là 1 trong 62 huyện nghèo trong cả nước, Đam Rông chỉ có 20 đơn vị trường học, hơn 8 ngàn học sinh với 243 phòng học. Trong đó, 32 phòng kiên cố, còn lại là phòng học cấp bốn, phòng học tạm, thậm chí là phòng học mượn. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường chỉ đạt trên 35%, trẻ em suy dinh dưỡng thể cân nặng 11%, suy dinh dưỡng thể thấp còi 16,6%...
 
Toàn huyện thời điểm đó có 410 cán bộ quản lý, giáo viên. Có những thầy cô đã nhiều năm kinh nghiệm, nhưng cũng có những người vừa rời ghế giảng đường không thể cầm lòng trước cảnh rừng núi hoang vu, không điện, không đường mà bật khóc trong những căn nhà lụp xụp của giáo viên thời điểm đó. Đi chặt tre về dựng điểm trường, đi bộ vào tận nương rẫy xa xôi để vận động học sinh đi học, lội bùn vào điểm trường những ngày mưa, mong ngóng xe đưa hàng, bán thức ăn từ ngoài Lâm Hà vào mỗi tuần, phối hợp với bộ đội mở lớp xoá mù chữ cho phụ huynh học sinh...; đó là một số ít những khó khăn có thể gọi thành tên của những người làm ngành Giáo dục ở Đam Rông. Đa số những thầy, cô giáo gắn bó từ ngày đầu, nay đã làm công tác quản lý, nhưng khi nhắc nhớ về những tháng năm “không thể nào quên” ấy, trong mắt họ vẫn không giấu nổi bùi ngùi. Bởi cũng có những người chỉ xem mảnh đất này là “điểm dừng chân” để chọn những lối rẽ mới. Nhưng những người ở lại đã dành cả thanh xuân, dành trọn tình yêu để gắn bó, dựng xây với trường, với lớp, với con em các dân tộc ở Đam Rông.
 
Khởi sắc
 
Xác định rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu, là giải pháp nền tảng của sự phát triển, "càng những nơi khó khăn càng phải đầu tư cho giáo dục" nên cả hệ thống chính trị huyện Đam Rông đã chung tay phát triển giáo dục. Huyện ủy Đam Rông đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương”. Đó là kim chỉ nam, là cơ sở quan trọng để ngành GDĐT huyện tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp gắn với đầu tư trang thiết bị phụ vụ dạy và học; kiện toàn đội ngũ cán bộ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; quan tâm và phát triển giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Sau 18 năm hình thành và phát triển, ngành GDĐT đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học. Với sự chung tay của cả xã hội, hệ thống trường lớp ở Đam Rông đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Toàn huyện có 476 phòng học, trong đó có 390 phòng kiên cố và số còn laị là phòng học bán kiên cố. Có 27 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 77,2%. 
 
Thành quả của ngành GDĐT gắn liền với sự trưởng thành của đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Đến nay, toàn huyện có có 1.162 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn không ngừng tăng lên và năng lực của đội ngũ giáo viên từng bước được khẳng định qua các hội thi cấp tỉnh với 120 lượt giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi, nghiệp vụ sư phạm trẻ, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh...
 
Niềm vui của những người làm công tác giáo dục ở Đam Rông rất giản đơn. Với cô Phạm Thị Ngọc Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đạ M’rông đó là những cảnh đứa lớn, trông đứa bé, những chén cơm trắng trộn muối hay cảnh cô giáo phải tới nhà vận động trẻ ra lớp... đã không còn. Lòng tin của phụ huynh đã dành trọn cho nhà trường và các cô giáo khi họ mang bắp, chuối, trứng gà... để cùng nhà trường cải thiện bữa ăn cho trẻ hay cùng các cô giáo tổ chức hoạt động ngoại khóa để trẻ hiểu hơn về tầm quan trọng của dinh dưỡng, của bữa cơm gia đình. Với cô Nguyễn Đỗ Diệu An - giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An: “Tôi có những học sinh hiếu học, có những phụ huynh hết lòng vì con. Khi đứng trên bục giảng, tôi không chỉ dạy kiến thức cho các em, mà còn động viên các em hãy ước mơ và phấn đấu biến nó thành sự thật”. Còn cô Lưu Thị Vương Anh - Tổ trưởng Tổ Toán - Tin, Trường THCS Lê Hồng Phong cho hay “Tôi cũng như bất cứ người giáo viên nào khác, đều hạnh phúc đến vô cùng khi học trò ngày một tiến bộ, giỏi giang”…
 
Song song với dạy và học văn hóa, các trường học đã tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh. Với đặc thù địa phương có gần 65% dân số là người đồng bào DTTS thì đội ngũ giáo viên người DTTS là bộ phận đặc biệt quan trọng góp phần phát triển giáo dục ở Đam Rông.
 
Chất lượng ngành GDĐT được thể hiện rõ nhất ở chất lượng học sinh. Từ năm 2005 đến 2022, toàn ngành có hơn 1.500 lượt học sinh giỏi cấp huyện, hơn 800 lượt học sinh giỏi các bộ môn văn hóa, thể thao và hội thi, nhiều học sinh đoạt giải vàng, bạc cấp quốc gia các hội thi giải Toán qua mạng, Tiếng Anh qua mạng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt cao, nhiều học sinh đậu vào các trường cao đẳng, đại học có uy tín trong cả nước….
 
Ông Âu Văn Nghị - Trưởng Phòng GDĐT huyện Đam Rông khẳng định: Đã qua rồi thời phên tre, mái lá, giáo dục Đam Rông đang từng bước nỗ lực để khẳng định vị thế trong bức tranh giáo dục chung của toàn tỉnh. Và việc học sinh của vùng Đam Rông đã không ngại ngần tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh nói chung, các em đã tự tin bước ra sân chơi lớn hơn là động lực, là cơ sở để các thầy giáo, cô giáo, các nhà trường và toàn ngành Giáo dục địa phương đặt ra những mục tiêu và từng bước nỗ lực đi lên. Trước mắt vẫn còn rất nhiều những gian khó đặt ra, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo, sự chung tay của cả xã hội, ngành Giáo dục Đam Rông đủ tự tin để tiếp tục đi lên.
 
NGỌC NGÀ