(LĐ online) - Cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, 10 năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương của tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm.
Nhiều chương trình hành động được triển khai đồng bộ trên diện rộng nhằm góp phần bảo vệ quyền trẻ em, thúc đẩy trẻ em thực hiện quyền cơ bản của mình. Thông qua công tác truyền thông đúng đối tượng, đúng phương pháp; các vấn đề của trẻ em đã nhận được quan tâm từ gia đình, cộng đồng và xã hội.
|
Hội thi Aerobic của học sinh Đà Lạt |
CĂN CỨ PHÁP LÝ - CƠ SỞ VỮNG CHẮC CỦA CÔNG TÁC BẢO VỆ CHĂM SÓC TRẺ EM Ở LÂM ĐỒNG
Thống kê trong 10 năm qua, các cấp, các ngành có liên quan ở Lâm Đồng đã ban hành trên 150 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”.
Với chức năng là cơ quan đầu mối, ngành lao động – thương binh và xã hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở ở Lâm Đồng đã phối hợp tốt với các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại địa phương. Qua đó, kịp thời tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ cũng như giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Hàng chục lượt kiểm tra, giám sát và thanh tra chuyên đề liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em... đã được các cơ quan liên ngành triển khai. Nhờ đó, đã góp phần tích cực huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng xã hội cùng vào cuộc chung tay bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
|
Giờ thể dục của cô trò Trường mầm non Hoa Hướng Dương Lâm Hà |
ĐA DẠNG HOÁ HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG, LAN TOẢ THÔNG ĐIỆP VỀ TRẺ EM ĐẠT HIỆU QUẢ
Với phương châm mưa dần thấm lâu, bảo vệ trẻ em từ mỗi mái ấm gia đình, những đạo luật căn bản liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em đã nhanh chóng được tỉnh Lâm Đồng lan toả dưới nhiều hình thức.
Không chỉ tập trung cao điểm vào các đợt ra quân nhân Tháng Hành động Vì trẻ em hàng năm, để luật đi vào đời sống, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền một cách chủ động và linh hoạt động qua các lớp tập huấn; tuyên truyền quảng bá Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111; hướng dẫn quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em; lồng ghép tuyên truyền Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em trong các hội nghị, hội thảo, giao ban, lễ chào cờ, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt tại từng cụm dân cư…
Nhờ đó, kiến thức pháp luật của xã hội dần được nâng cao. Ngoài ra, Lâm Đồng còn tổ chức xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên, cộng tác viên để chuyển tải thông điệp về trẻ em nói chung, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói riêng đến cộng đồng một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Trong trường học, trẻ em được thể hiện bày tỏ ý kiến nguyện vọng trực tiếp với thầy giáo, cô giáo. Nhìn chung, công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền đã được thực hiện sâu rộng bằng nhiều hình thức có chất lượng, nhất là trong các dịp truyền thông cao điểm Tháng Hành động Vì trẻ em, Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường...
Ngoài ra, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nhiều sự kiện để tuyên truyền về chương trình chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; lắp đặt các biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm phòng, chống đuối nước; phòng, tránh tai nạn thương tích trẻ em bảo đảm an toàn cho trẻ em…, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp Nhân dân trong cộng đồng, các gia đình và mỗi cá nhân đối với việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.
|
Hoạt động của học sinh Trường TH Đạ Ròng Đơn Dương |
ĐỂ CÔNG TÁC BẢO VỆ CHĂM SÓC TRẺ EM NGÀY CÀNG THIẾT THỰC VÀ HIỆU QUẢ
Gắn công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm phù hợp với từng ngành, từng địa phương được xem là một trong những biện pháp quan trọng để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động toàn xã hội; tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến trẻ em; phổ biến kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em bằng nhiều hình thức đa dạng phù hợp với từng đối tượng, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội và mọi công dân đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ theo kế hoạch 5 năm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
Đồng thời, phải tạo nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để trẻ em chủ động tham gia vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Bộ máy những người làm công tác trẻ em các cấp cũng phải được kiện toàn và nâng cao chất lượng. Cần gắn Phong trào Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em gắn với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh mà đầu mối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng sẽ là một giải pháp quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; quan tâm, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, cận nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa một cách thiệt thực nhất./.
DIỆP QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin