(LĐ online) - Chiều 28/12, Sở Lao động Thương binh và xã hội tổ chức hội nghị tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2022, bàn phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện năm 2023. Tham dự có đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
|
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân |
Trong năm 2022, ngành lao động - thương binh và xã hội đã bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh để triển khai các hoạt động trên phạm vi toàn ngành và đạt được những kết quả nổi bật trên 3 lĩnh vực: Lao động, người có công và xã hội.
Trong năm, số lượt lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh là 25.500 lượt người, đạt 102% kế hoạch năm, tăng 2.000 người so với cùng kỳ năm 2021; tạo việc làm mới cho 10.300 người, xuất khẩu lao động được 250 người đạt 125% kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 là 74%, Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2022 là 56%, đạt 100% kế hoạch.
|
Bà Lê Thị Thêu - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, phát biểu tại hội nghị |
Thực hiện chính sách người có công cho trên 40.000 đối tượng; trong đó, trực tiếp chi trả trợ cấp hàng tháng cho 8.670 đối tượng với kinh phí 17,3 tỷ đồng/tháng; vận động đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh với tổng số tiền là 3,7 tỷ đồng, từ đó xây dựng, sửa chữa nhà cho 60 căn nhà tình nghĩa.
Cũng trong năm qua, ngành đã tham mưu thực hiện tốt công tác giảm nghèo - bảo trợ xã hội, với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 0,93%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,90%. Cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm 1,60%, còn 5,34%; trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,74% so với đầu năm 2022. Đồng thời, chi trả trợ cấp cho 37.800 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí tương đương 26 tỷ đồng/tháng.
Ngoài ra, ngành cũng đã thực hiện tốt công tác trẻ em và bình đẳng giới; công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết đơn thư; cải cách hành chính, chuyển đổi số; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Trong năm 2023, ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh đề ra mục tiêu chung cụ thể như: Số lao động giải quyết việc làm 25.000 người, trong đó xuất khẩu lao động 350 người; số lao động được giải quyết việc làm mới từ 8.000 đến 10.000 người; duy trì tỷ lệ lao động thất nghiệp chung toàn tỉnh dưới 1,2%, trong đó khu vực thành thị dưới 2%; đào tạo nghề cho 36.000 lao động; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 1,0 - 1,5%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm tối thiểu 2,5 - 3,0%...
|
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành đạt được trong thời gian qua. Dựa vào những mục tiêu cụ thể được ngành lao động, thương binh và xã hội đề ra trong năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đề nghị ngành cần tập trung tham mưu triển khai khai thực hiện Quyết định số 176 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề.
Đồng thời, thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời đúng quy định. Tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua phần mềm một cửa điện tử, để nâng cao thứ tự xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Sở trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Dịp này, 5 tập thể đã được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; 3 tập thể và 6 cá nhân vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
N.MINH