.

Ngày hội của toàn dân

11:03, 18/11/2023
 

 

(LĐ online) - Bên cạnh việc chỉnh trang cảnh quan, dọn dẹp vệ sinh tại hội trường các thôn, tổ dân phố thì những công tác cuối cùng cho ngày hội Đại đoàn kết đã được hoàn tất. Ngày hội đại đoàn kết thực sự đã trở thành niềm mong chờ của người dân, cũng là dịp tăng cường sự đoàn kết, cổ vũ Nhân dân hăng hái xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.

Tại Thôn 3, xã Gia Lâm (huyện Lâm Hà), công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn của khu dân cư đã được Ban Công tác Mặt trận thôn phân công cho các chi hội, thành viên. Hội trường thôn được quét dọn, trang hoàng. Những tuyến đường hoa được tôn tạo và làm vệ sinh sạch sẽ. Những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay.

 
 

“Bà con tham gia với tinh thần phấn khởi, nhiệt tình. Không phải là khi được công nhận Khu dân cư kiểu mẫu mới vậy, mà từ nhiều năm nay, Nhân dân đồng lòng, góp sức mình xây dựng quê hương mới”, ông Nguyễn Xuân Du - Nguyên Bí thư Chi bộ Thôn 3 nói.

Ông Nguyễn Xuân Du cùng với phần lớn Nhân dân Thôn 3 đều là những người Hà Nội và một số tỉnh lân cận phía Bắc đi xây dựng kinh tế mới từ những năm 1977 - 1978. Kiên trì bám trụ để bước qua những tháng ngày gian khó, cuộc sống ấm no là thành quả tất yếu đến với những con người chịu thương, chịu khó. Để đến bây giờ đây, ngoài những hộ gia đình chính sách, phần lớn Thôn 3 chẳng còn hộ nghèo.

“Xa quê, con người ta có xu hướng xích lại gần nhau. Giờ đây, hầu hết mọi phong trào xây dựng quê hương dường như không cần phải tuyên truyền, thuyết phục người dân nhiều như trước. Người dân tự nguyện cùng với nhà nước hiến đất làm đường, đóng góp ngày công, xây dựng các công trình phúc lợi. Mỗi khi có xảy ra thiên tai hay hoạn nạn, bà con đùm bọc lẫn nhau như những người thân trong một gia đình”, ông Đinh Thế Quan - Trưởng Thôn 3 chia sẻ.

 
 

Cùng chung tay chuẩn bị cho ngày hội đại đoàn kết, những câu chuyện xưa được nhắc lại trong tiếng cười nói vui vẻ. Những chàng trai, cô gái năm nào giờ đây tóc đã bạc, nhưng vẫn nhiệt tình lo toan công việc của thôn, của xã. Những câu ca, điệu múa cũng được các bà, các chị sắp xếp thời gian cùng nhau tập luyện. Dù giọng hát, hơi thở không còn được như thời son trẻ nhưng vẫn rất da diết, như tấm lòng của những người con xa quê nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ cha.

 
 

Đến nay, toàn xã Gia Lâm đã có 7/9 khu dân cư được công nhận là Khu dân cư kiểu mẫu. Ông Nguyễn Ngọc Thăng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Gia Lâm cho hay, có được kết quả trên phải khẳng định đó là nỗ lực và sự đồng lòng của người dân. Nơi nào toàn dân đoàn kết thì nơi đó mới có thể thuận lợi xây dựng mọi phong trào, hoạt động cũng như thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 26 %, riêng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 17%; 66 xã, 468 thôn có trên 15% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; nhiều thôn, buôn, xã có trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số.

 
 

Theo đánh giá của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, những năm qua, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thuận, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp phát động.

“Bên cạnh những ngày lễ, tết truyền thống thì đây cũng là dịp được mong chờ. Không chỉ Ban Nhân dân thôn mà đông đảo người dân đều rộn ràng công tác chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng tôi cũng đã phân công các chi hội phụ trách các khâu tổ chức, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để biểu diễn chào mừng. Đây cũng là dịp để giao lưu, gặp mặt của gia đình với những người con xa quê, giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền”, anh Kră Jăn Thuên - Trưởng Ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố Bnơ A (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) chia sẻ.

 
 

Theo ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, nhìn lại quá trình tổ chức suốt 20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều nội dung thiết thực, Nhân dân đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, duy trì, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh.

 
 

Trong đó, phải kể đến tinh thần đoàn kết giúp đỡ người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, gia đình chính sách. Đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục, khuyến học, khuyến tài. Đoàn kết chăm lo sức khỏe, duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, chấp hành hương ước, quy ước của cộng đồng. Đoàn kết tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; phát huy dân chủ ngay tại cộng đồng dân cư.

 
 

Vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc mỗi năm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tỉnh về tham dự Ngày hội, trao các quyết định khu dân cư kiểu mẫu, tặng bức ảnh Bác Hồ và Bác Tôn; đồng thời, trao tặng các phần quà cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, học bổng cho trẻ em nghèo… Sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của Nhân dân trong tổ chức Ngày hội đã hun đúc thêm niềm tin của cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; trở thành động lực to lớn giúp cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn dân xây dựng gia đình, cộng đồng, quê hương, đất nước ngày càng ổn định và phát triển.

Thực hiện: HỒNG THẮM



Xem thêm bình luận