.

Nông trại hoa kiểu mẫu Đông Nam Á

09:12, 18/12/2019

 

 

 

 

Khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp, nguồn nhân lực dồi dào bên cạnh giao thông thuận lợi đến thị trường quốc tế chính là lý do mà ông Thomas Hooft - một công dân Hà Lan, người sáng lập của Dalat Hasfarm chọn Đà Lạt, Việt Nam là nơi bắt đầu xây dựng nông trại trồng hoa. Với chỉ một hecta hoa hồng và một hecta cẩm chướng được trồng trong những khu nhà kính đơn giản bằng tre vào năm 1994.

Đến nay, sau 25 năm phát triển không ngừng, công ty hiện có 4 trang trại rộng gần 320 hecta tại Đà Lạt (30 ha), Đa Quý - Xuân Thọ (10 ha), Đạ Ròn - Đơn Dương (250 ha) và Phúc Thọ - Lâm Hà (30 ha). Sự ra đời và phát triển của Dalat Hasfarm đã thành nhân tố quan trọng trong việc phát triển nghề trồng hoa theo công nghệ tiên tiến, thổi một luồng gió mới và làm nên cuộc “cách mạng nhung” về công nghệ trồng hoa không chỉ ở Đà Lạt mà còn trong toàn tỉnh Lâm Đồng.

 
Dalat Hasfarm hiện đang là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất hoa tươi theo quy trình khép kín, gồm: Thử nghiệm, lai tạo giống mới - trồng cây giống - ươm ngọn và trồng cây con - chăm sóc hoa theo định hướng bền vững - quản lý chất lượng sản phẩm trong và sau thu hoạch - bảo quản và phân phối.
 

Ông Nguyễn Công Nga - Giám đốc Sản xuất Farm Đạ Ròn - thuộc Công ty Dalat Hasfarm cho biết: Tất cả những nhà kính hiện nay của công ty đều được điều khiển hoàn toàn tự động bằng hệ thống Hortimax được nhập khẩu từ Hà Lan. Hệ thống này được thiết lập giúp kiểm soát các chỉ số về tốc độ gió, cường độ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… nhằm tạo điều kiện sinh trưởng tối ưu cho hoa. Việc trồng hoa trong nhà kính công nghệ cao tạo vùng tiểu khí hậu lý tưởng, không bị phụ thuộc thời tiết bên ngoài nên hoa cho năng suất cao, ổn định và chất lượng đồng đều.

 
 
Công ty cũng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, hệ thống sưởi ấm, hệ thống đèn LED và băng chuyền thu hoạch hoa nhằm đạt năng suất tối đa, tiết kiệm tài nguyên cũng như nguồn nhân lực. Ngoài ra, bằng cách sử dụng hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải tiên tiến, Dalat Hasfarm đã chủ động được nguồn nước trồng hoa cũng như góp phần bảo vệ môi trường.
 

Hiện công ty đã xuất khẩu hoa tươi tới hơn 10 quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan, Úc… và được đánh giá là doanh nghiệp đầu tư và phát triển ổn định nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong ngành công nghiệp trồng hoa.

 
Đặc biệt, hoa tươi Dalat Hasfarm cũng đã chinh phục được thị trường khó tính Nhật Bản. Từ năm 1996 tới nay, Nhật luôn là thị trường tiêu thụ chính ở nước ngoài của Dalat Hasfarm, chiếm hơn 60% sản lượng. 
 
Dalat Hasfarm là một trong số ít những thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung, hoa tươi nói riêng đủ tầm cỡ và chất lượng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.
 
 
Phó Tổng Giám đốc Dalat Hasfarm Nguyễn Văn Bảo cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xuất khẩu của nông sản Việt gặp nhiều trở ngại là do công nghệ trước và sau thu hoạch còn lạc hậu. Thế nhưng, tại Dalat Hasfarm, quy trình quản lý chất lượng sản phẩm trước và sau thu hoạch luôn được đặt lên hàng đầu.
 
Quá trình đánh giá chất lượng sản phẩm thu hoạch của công ty phải trải qua 3 cấp độ gồm: Đánh giá trực tiếp lần đầu ngay tại nhà kính thu hoạch và nhà đóng gói, đánh giá lần 2 bởi bộ phận kiểm soát chất lượng và đánh giá lần 3 bởi quản lý cấp cao. Toàn bộ thông tin đánh giá chất lượng sẽ được lưu trữ, báo cáo hàng ngày nhằm kiểm soát tối đa chất lượng sản phẩm.
 
Ông Bảo dẫn chứng, cũng là hoa sản xuất tại Đà Lạt, nhưng hoa của công ty thì xuất khẩu có giá cao hơn nhiều so với hoa sản xuất truyền thống mà vẫn được người tiêu dùng chọn mua. Do đó, để thay đổi, người trồng hoa Đà Lạt phải trang bị tư duy sản xuất hàng hóa thời kinh tế toàn cầu.
 

 Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cho biết thay vì liên kết với các doanh nghiệp vừa thuận lợi công nghệ và uy tín thì Dalat Hasfarm chọn liên kết với nông dân với sứ mệnh “mang lợi ích của Công ty đến với từng người dân”. Theo đó, Dalat Hasfarm chịu trách nhiệm cung cấp nguồn giống hoa đầu dòng các loại, có đội ngũ kỹ sư đồng hành hướng dẫn từng vườn về quy trình kỹ thuật sản xuất, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại, đảm bảo hộ nông dân đạt một khoản lợi nhuận ổn định với mức khá cao so với các hình thức sản xuất phân tán, nhỏ lẻ… 

 
Công ty Dalat Hasfarm luôn không ngừng mở rộng, xây dựng hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân Ðà Lạt và các vùng phụ cận để chủ động nguồn nguyên liệu các loại hoa cắt cành nhà kính, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hiện, Dalat Hasfarm đã thực hiện bắt tay với hơn 200 hộ nông dân sản xuất, cung ứng hoa theo chuỗi giá trị, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho người dân.
 
“Từ năm 2004, sau khi được giới thiệu các quy trình canh tác hoa nhà kính mới gắn với bao tiêu sản phẩm, tôi quyết định chuyển đổi từng bước diện tích trồng rau ngoài trời sang trồng hoa nhà kính. Đến hiện tại, toàn bộ diện tích khoảng 3.000 m² của gia đình đã được chuyển sang trồng hoa trong nhà kính theo hình thức liên kết. Mỗi ngày, tôi thu hoạch và cung ứng trực tiếp cho Dalat Hasfarm từ 7.000 đến 10.000 cành...” - nông dân Nguyễn Hữu Tiến cho hay.
 

Trong năm 2018, giá trị kinh tế từ xuất khẩu mà ngành hoa mang lại đứng thứ hai chỉ sau cà phê. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu đến năm 2020, lượng hoa xuất khẩu chiếm 15% tổng sản lượng hoa toàn tỉnh, “nút thắt” giống bản quyền cần phải sớm được cởi bỏ. 

Hiện, diện tích sản xuất hoa tại Đà Lạt và vùng phụ cận khoảng 9.000 ha, sản lượng đạt hơn 3,1 tỷ cành, mỗi năm xuất khẩu được khoảng 310 triệu cành, chiếm 10% tổng sản lượng hoa của Đà Lạt. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu hoa hiện nay hầu hết do các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn trong nước hoặc các công ty có 100% vốn nước ngoài nắm giữ. Riêng Dalat Hasfarm chiếm gần 90% sản lượng hoa xuất khẩu của toàn tỉnh.

Với mục tiêu mang hoa chất lượng cao Đà Lạt đến với khách hàng và vươn ra thị trường quốc tế, hiện nay, Công ty Dalat Hasfarm đã đăng ký bản quyền đối với 4 giống hoa cúc Calimero: Orantec, Snocatec, Classitec, Yelcatec và được bảo hộ giống cây trồng trên toàn châu Á. 

Dalat Hasfarm đang sở hữu hàng trăm giống hoa nhập khẩu. Tất nhiên, những giống hoa mới để được nhập khẩu, đưa vào sản xuất, phải trả chi phí bản quyền không hề rẻ. Đây cũng là lý do mà ở vùng trồng hoa Đà Lạt, gần như chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có được giống hoa mới. 
 
Nhờ hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nên hiện tại, nông dân cũng bắt đầu tiếp cận được giống hoa mới.
 
 

Với vị thế là doanh nghiệp đầu tàu trong ngành hoa tươi Việt Nam, Dalat Hasfarm xác định rõ phát triển bền vững là định hướng chiến lược trong tương lai.

Từ năm 2014, công ty đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các loài côn trùng và nấm có ích để ứng dụng vào trong sản xuất. Thông qua sử dụng Bio-Pro để trồng và kiểm soát sâu bệnh, công ty đã giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trên các loại hoa khác nhau. Từ đó mang đến những sản phẩm hoa sạch, an toàn, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Nổi bật, Calimero và những loại hoa chậu như thu hải đường, hồng, Violet Châu Phi… là những sản phẩm được chăm sóc bằng Bio-Pro và hầu như không sử dụng hóa chất. Thông qua việc sử dụng Bio-Pro, Dalat Hasfarm mang đến những sản phẩm hoa sạch, an toàn, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp sạch, định hướng phát triển bền vững, Dalat Hasfarm còn là nơi giải quyết một lượng lớn lao động ở các địa phương. Riêng tại Farm Đạ Ròn, Dalat Hasfarm thu hút hơn 2.500 người lao động, trong đó gần 50 % công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, công ty cam kết đồng hành cùng cộng đồng, như ủng hộ xây nhà tình nghĩa, tài trợ nhà kính cho Trường Đại học Đà Lạt…

Ông Thomas Hooft là một trong những người sáng lập ra Công ty Dalat Hasfarm. Khi ông qua đời, Công ty quyết định thành lập Quỹ Thomas Hooft. Trong 3 năm từ khi thành lập, Quỹ Thomas Hooft đã tài trợ cho tỉnh Lâm Đồng hơn 5 tỷ đồng vào các hoạt động vì cộng đồng.

Hành trình 25 năm qua chỉ mới là bước khởi đầu trong lộ trình DaLat Hasfarm mang hoa Việt Nam đi khắp thế giới. Một phần tư thế kỷ trôi qua và cuộc cách mạng công nghệ ứng dụng vào phát triển nông trại nơi đây vẫn liên tục không ngừng nghỉ. 

 

 

 



Xem thêm bình luận