28 bức bích họa được vẽ trên biệt thự, trên tường, taluy, hài hòa với tường rào, ô cửa, mái phố. Trong không gian một con dốc sâu và hẹp là hoa, là người, là lịch sử mảnh đất sương giăng, đã truyền tải vẻ đẹp cả chiều rộng lẫn chiều sâu của Đà Lạt trong quá khứ cũng như hiện tại. Một thế giới màu sắc được tái hiện giữa chính cuộc sống cư dân phố hiền hòa, thanh lịch với dốc lặng lẽ, thanh bình.
Ngay đầu dốc là Đà Lạt thu nhỏ với màu xanh của rừng bao trùm lên những di sản kiến trúc như: Ga Đà Lạt, Nhà thờ Con Gà, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Quảng trường Lâm Viên, LangBiang và hoa mai anh đào.
Đó là ngôi biệt thự cổ với cổng đá, taluy đá, bờ đá được khoác lên mình hoa dã quỳ vàng rực rỡ trở nên độc đáo lạ thường. Đó là bức tường xanh thẫm với hình ảnh bác sĩ A.Yersin - người đã có công phát hiện ra Đà Lạt, là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người từng đưa bước chân phiêu lãng qua Đà Lạt và mang cả tiết trời, vẻ đẹp thanh bình, thoát tục và hình ảnh con người Đà Lạt nhẹ nhàng vào từng tình khúc ông viết tại đất này: Chiều chủ nhật buồn, Tuổi đá buồn, Xin mặt trời ngủ yên, Dấu chân địa đàng, Phúc âm buồn… Đó là nữ sinh Trường Trung học Bùi Thị Xuân một thời trong tà áo dài trắng với áo len đồng phục xanh đen, cũng là nét đẹp của học sinh Đà Lạt hôm nay. Đó là muôn loài hoa: Hồng, cẩm tú cầu, phượng tím, bồ công anh, mimosa… và đó là chè, cà phê cùng những chị ong, cô bướm cần mẫn, là nhấp nhô mái phố giữa nhấp nhô núi đồi, là câu chuyện tình lãng mạn bên biệt thự hoa hồng…
Đà Lạt thành phố núi đồi với biết bao con dốc có tên và không tên, từng in dấu chân biết bao phận người, bao thế hệ. Dốc Nhà Làng là con dốc nối đường Trương Công Định (Phường I) đổ xuống đường Phan Đình Phùng bằng hai ngả. Chỉ dài chừng hơn 200 m, nhưng con dốc đã từng chứng kiến bao dáng người qua đây, mỗi sáng sớm từ các Phường 5, Phường 6 đi tắt lên chợ, thay vì đi đường vòng phải xa thêm 2 - 3 km, nhất là cách đây 30 năm về trước khi phương tiện di chuyển của cư dân chủ yếu bằng xe đạp hoặc đi bộ. 28 bức bích họa được vẽ lên không chỉ đưa nghệ thuật vào không gian sống của người Đà Lạt, mà phản ánh không gian sống của người Đà Lạt bằng nghệ thuật.
Ông Ba (85 tuổi) sinh ra lớn lên trong ngôi nhà cổ khiêm nhường nép mình bên Dốc Nhà Làng là người gắn bó cả đời mình với con dốc, chứng kiến bao sự đổi thay. Mới đầu là đường đất với những bậc thang, mùa mưa sình lầy trơn trượt, rồi trải đá sỏi, láng xi măng và bây giờ là bê tông. Trong những năm đời sống còn khó khăn, bà con sống dọc con dốc đã đùm bọc, yêu thương, đưa tay đỡ biết bao nhiêu phận người đi tắt qua đây vì mang vác nặng mà té ngã, hoặc vô tình té ngã. Chính ông Ba cũng là người từng nhiều lần chạy ra ngõ khi nghe “tiếng động lạ” để đỡ bà con ngang qua vô tình chở nặng, gánh nặng trượt té.
Gần 1 thế kỷ qua, 40 hộ dân ở dốc vẫn gắn bó với nhau trong tình làng nghĩa xóm, cởi mở, chan hòa, đùm bọc như đúng tên gọi của nó.
Bà Thu Tổ trưởng Tổ dân phố 8 - Nhà Làng (Phường I) cho biết: Trước khi tiến hành dự án phố bích họa, phường đã tổ chức họp tổ và nhận được sự đồng thuận cao của bà con. Ai cũng sẵn lòng và tạo điều kiện thuận lợi nhất để những bức họa được vẽ lên tường, lên ta luy nhà mình. Khi công trình chưa hoàn thành, mới chỉ một vài bức vẽ đầu tiên, nhiều du khách đã ghé thăm khiến con dốc trở nên tấp nập. Sẽ không phiền toái, mà bà con ai cũng lâng lâng xúc cảm tự hào vì nơi mình sống từ đây sẽ được nhiều người biết đến.
Để Đà Lạt thêm một vẻ đẹp neo lại trong lòng du khách, những họa sĩ trẻ tuổi của Công ty Nghệ thuật số 7 đã vẽ nên những bức họa bằng tình yêu đặc biệt với đất này. Nhóm 13 sinh viên mỹ thuật đến từ TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp thực hiện công trình, chăm chút cho từng nét vẽ trong suốt gần 1 tháng, tạo nên một không gian của nghệ thuật sắc màu rộng lớn. Phố bích họa hoàn thành từ nguồn kinh phí xã hội hóa và từ tình yêu rộng mở của bao người dành cho Đà Lạt.
Với mong muốn nghệ thuật sẽ truyền cảm hứng sống, hướng tới những giá trị tốt đẹp, sống có trách nhiệm, phố bích họa ở Dốc Nhà Làng sẽ thêm những gam màu tươi mới, tạo nên sự khác biệt, Đà Lạt - dốc thêm níu chân du khách.
Đà Lạt là nguồn cảm hứng của bao thi nhân mặc khách, giờ đây có một con dốc, một phố bích họa, để ngắm, để chiêm ngưỡng. Phố bích họa không chỉ đưa nghệ thuật vào không gian sống của người Đà Lạt, mà phản ánh không gian sống thanh bình, ấm áp ấy bằng nghệ thuật. Ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, một người con sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt chia sẻ: Chỉ có người Đà Lạt mới thấu hiểu hết cái tình của những con dốc. Sẽ không chỉ có dốc bích họa Nhà Làng, Đà Lạt sẽ thêm nhiều con dốc bích họa, để người Đà Lạt tự hào, để du khách đến Đà Lạt chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, cảm nhận hết cái tình đất, tình người Đà Lạt ấm áp ngay trên từng con dốc.