.

Nghĩa tình dành cho tâm dịch TP Hồ Chí Minh

01:09, 02/09/2021
 
(LĐ online) - Trong cuộc chiến chống dịch cùng cả nước, ngoài việc ủng hộ tiền bạc, nhân lực y tế, có một “dòng chảy” nghĩa tình vẫn xuyên suốt từ những ngày đầu đến với vùng tâm dịch. Đó là chuyến xe chở hàng chục tấn nông sản, mang theo cả tình yêu thương và sự sẻ chia mà vào lúc khó khăn nhất, chúng ta mới cảm nhận được sự thiêng liêng của nó. 
 
Từ ngày 23/8-15/9, trong khoảng thời gian TP Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16, những chuyến xe chở 200 tấn nông sản nghĩa tình từ Lâm Đồng cứ đều đặn lăn bánh trên Quốc lộ 20 mỗi ngày.
 
 
Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan, tổ chức, từ thời điểm dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, Lâm Đồng đã hỗ trợ hơn 11.000 tấn nông sản cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, chắc chắn con số thực tế phải nhiều hơn, bởi không chỉ các cơ quan nhà nước, rất nhiều tổ chức, các nhóm thiện nguyện cũng đứng ra thu mua, đóng gói, vận chuyển hàng hóa. Với họ, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh và khẳng định, khi dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh diễn biến hết sức phức tạp, Lâm Đồng không thể đứng ngoài. Chính vì thế, ngoài việc ủng hộ tiền mặt, hỗ trợ nhân lực y tế, tình nguyện viên giúp đỡ công tác chống dịch, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương và TP Đà Lạt và các sở, ngành, đơn vị nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ 5.000 tấn nông sản cho TP Hồ Chí Minh.
 
Ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho hay, ngay khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh, Đơn Dương đã ngay lập tức rà soát lại toàn bộ các mặt hàng nông sản chủ đạo đang trong giai đoạn thu hoạch và ban hành kế hoạch phân bổ cho 10 xã, thị trấn. 
 
 
Theo đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng với sự ủng hộ, đồng hành của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Đình Tịnh, dù hiện nay giá các loại nông sản trên thị trường có tăng nhưng với chương trình này, đa phần các đơn vị đều cung cấp các mặt hàng với giá rất phải chăng, cùng với một số quyên góp của người nông dân. Tùy theo sản lượng rau củ của từng địa phương mà số lượng thu gom khác nhau. Tuy nhiên, mỗi ngày 2 xã, thị trấn sẽ đảm nhiệm lượng hàng khoảng 55-60 tấn chuyển về TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang cũng tham gia vào quá trình vận chuyển, bốc xếp hàng hóa cho mỗi chuyến xe. 
 
 
Còn tại huyện Đức Trọng, huyện thực hiện thu mua khoảng 70-80% các loại rau, củ, quả với giá gốc, trên tinh thần hỗ trợ người dân một phần chi phí sản xuất, còn lại tổ chức quyên góp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. Các loại nông sản phải đảm bảo chất lượng, có bao bì, nhãn mác phù hợp cho từng loại sản phẩm. Về cơ bản diện tích sản xuất thực tế của trên địa bàn huyện trong thời gian này sẽ đáp ứng được chỉ tiêu 1.250 tấn mà UBND tỉnh đã giao.
 
Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong chương trình hỗ trợ này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với Tỉnh Đoàn, UBND các địa phương để nắm rõ diện tích, sản lượng các loại rau và khả năng cung ứng cho thị trường theo từng ngày; lập kế hoạch phân bổ cho các địa phương tổ chức phát động phong trào quyên góp, hỗ trợ và thu mua các loại rau, củ, quả…
 
 
Theo ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng hóa đa phần là các loại nông sản đặc trưng của Lâm Đồng, trong đó tập trung vào các loại có thời gian bảo quản lâu, tiện lợi để tránh hư hao trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ và một cách nhuần nhuyễn để đảm bảo hàng tập kết trong ngày nhanh nhất, đến được TP Hồ Chí Minh trong thời gian sớm nhất để kịp thời phân bổ cho các quận huyện. 
 

https://youtu.be/Kv0-RNAmq_Q

 

 
Ghi nhận tại các địa phương được giao chuẩn bị hàng nông sản hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày, để chuẩn bị những chuyến xe lăn bánh, từ cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân đã chẳng ngại ngần nắng mưa, cố gắng tập trung lực lượng để sớm hoàn thành công việc.
 
 
Khi chúng tôi có mặt tại vựa rau, củ an toàn Thịnh Trâm ở thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), mới hơn 9 giờ sáng, hàng hóa đã đóng thành từng thùng, bịch gọn gàng, trực chờ bốc lên thùng xe. Dự kiến, xe sẽ đến TP Hồ Chí Minh lúc nửa đêm. Với việc được cấp thẻ luồng xanh, xe sẽ thuận lợi vào TP Hồ Chí Minh và rau, củ có thể có mặt tại nhà dân vào ngày hôm sau. Ngoài 20 nhân công của vựa thu hoạch, đóng gói thì còn có đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thị trấn Lạc Dương cũng tham gia.
 
 
Ngoài một số loại thu hoạch từ ngày hôm trước nhiều loại rau phải thu hoạch sớm trong ngày để đảm bảo độ tươi ngon. Mỗi ngày, ở vựa rau, củ Thịnh Trâm, 25 tấn hàng được công nhân và một số tình nguyện viên của Huyện Đoàn Lạc Dương sắp xếp, đóng gói. Ngoài việc đảm bảo hàng hóa chất lượng thì chủ vựa rau, củ này là chị Trần Thị Ngọc Trâm cũng tham gia trợ giá với giá bán thấp hơn khoảng 2.000-3.000 so với giá thị trường.
 
“Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 3-4 giờ sáng. Mình cũng dặn nhân công phải đóng gói vào đúng quy cách để giữ được chất lượng hàng. Sẽ cố gắng chuẩn bị những loại tốt nhất, ngon nhất và liên tục thay đổi để cung cấp cho TP Hồ Chí Minh” - chị Trâm cho biết thêm.
 
Còn tại xã Nthol Hạ (huyện Đức Trọng), sau khi được giao chỉ tiêu, UBND xã đã chủ động lên kế hoạch, thông báo trên các nhóm zalo để vận động cán bộ, công chức và người dân tham gia thu hoạch nông sản. Ông Nông Văn Hợi - Chủ tịch UBND xã Nthol Hạ cho biết: Chúng tôi cũng tuyên truyền để người dân hiểu chương trình mang tính hỗ trợ nên người dân đã chia sẻ, chỉ lấy giá bằng một nửa giá bán trên thị trường. 
 

 

 
Hưởng ứng lời kêu gọi tham gia thu hoạch nông sản, chị Trương Thị Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nthol Hạ cho biết đã huy động 20 cán bộ, giáo viên tham gia. “Từ sáng sớm, thầy cô đã tập trung và ai cũng hồ hởi. Ngày thường là những thầy cô giáo cầm phấn trên bục giảng vậy mà khi xuống vườn cũng chân lấm tay bùn chẳng khác những người nông dân thực thụ. Chúng tôi mong có thể đóng góp chút sức lực nhỏ bé, gửi món quà nghĩa tình động viên người dân TP Hồ Chí Minh” - chị Tâm chia sẻ.
 
 
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đùm bọc, yêu thương luôn là truyền thống tự hào của người dân Việt. Bằng nhiều hình thức khác nhau, mỗi người đang góp chút sức lực nhỏ bé và khả năng của mình để tiếp thêm sức mạnh, cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Dẫu cho có những hiểm nguy vẫn đang còn phía trước nhưng trong cuộc chiến này, chắc chắn, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau.
 

Nội dung: HỒNG THẮM - CHÍNH PHONG
Thiết kế: HẠ AN

 



Xem thêm bình luận