.

NHÀ TÔI CÓ BÌNH CHỮA CHÁY – Lan tỏa ý thức phòng cháy chữa cháy trong cộng đồng

07:05, 24/07/2023
 
 


Với phong trào Nhà tôi có bình chữa cháy được tỉnh Lâm Đồng phát động, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng chống “giặc lửa” đang được lan tỏa, bởi chống cháy như chống giặc là câu chuyện chưa bao giờ cũ…

 

Ngày 3/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới.

Theo Chỉ thị, thời gian gần đây, cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, nhất là tai nạn tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke... Một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận.

“Giặc lửa” vẫn luôn rình rập khắp nơi với những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ không ít nơi bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan, coi nhẹ công tác này; đầu tư cơ sở vật chất cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Triển khai Chỉ thị này của Chính phủ, ngày 9/2/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới. Trong đó, giao Công an tỉnh có trách nhiệm vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy, 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và chuẩn bị các phương tiện cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại chỗ, ngay tại cơ sở.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm đó là xây dựng các mô hình "Tổ liên gia" và "Nhà tôi có bình chữa cháy” tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn cơ sở có nguy cơ cơ cháy, nổ cao.

 
Công tác phòng cháy chữa cháy tại Lâm Đồng vẫn luôn được chú trọng với các đợt diễn tập, huấn luyện
 
 

Tại tổ dân phố Nghĩa Lập 3, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, câu chuyện mỗi nhà tự trang bị một bình chữa cháy đang trở thành phong trào mà bà con nhân dân cùng nhau thực hiện. Mỗi nhà đều ý thức tự trang bị bình chữa cháy tại hộ gia đình.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Lục (65 tuổi) là một trong những gia đình gương mẫu thực hiện, mô hình này. Ông chia sẻ: “Sau khi được các tổ chức đoàn thể, Công an thị trấn phát động mỗi hộ dân trang bị một bình chữa cháy, được tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, người dân chúng tôi ý thức được rằng khi xảy ra cháy nổ, tự cứu mình trước khi được cứu là giải pháp tối ưu nhất.

Do đó, tôi đi mua các thiết bị phòng cháy chữa cháy gồm bình chữa cháy và mặt nạ chống độc cho cả gia đình. Bỏ ra hơn 300 ngàn đồng mua 1 chiếc bình chữa cháy, với 1 đám cháy nhỏ, mình chữa cháy kịp thời sẽ không lây lan ra, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của gia đình, hàng xóm”.

 
 


Phong trào Nhà tôi có bình chữa cháy đã và đang lan tỏa khắp mọi ngõ ngách tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, với sự tham gia vận động, phối hợp của các tổ chức đoàn thể từ cấp cơ sở.

Ông Võ Thời - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Thạnh Mỹ cho biết: Mục đích của mô hình là nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Khi có cháy xảy ra, sẽ huy động tối đa lực lượng và phương tiện chữa cháy của Nhân dân địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, góp phần giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

 


Phó Bí thư Đoàn thị trấn Thạnh Mỹ Pơ Jum Dậu Tùng chia sẻ: Mô hình Nhà tôi có bình chữa cháy được phát động đến từng hộ dân, nhằm lan tỏa trong từng ngôi nhà, khu dân cư tại thị trấn để mỗi người dân đều sẵn sàng vào vai người chiến sỹ phòng cháy chữa cháy; đồng thời, chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, hậu quả do cháy nổ gây ra; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.

 

 

Với phong trào Nhà tôi có bình chữa cháy, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng chống “giặc lửa” đã được lan tỏa và phát huy hiệu quả
 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.377 khu dân cư; trong đó, khu dân cư nguy hiểm cháy nổ là 359, hộ gia đình là 311.190 hộ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là 14.698 nhà.

Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử, Zalo, Facebook, nhắn tin đến số điện thoại của người dân và tuyên truyền trên loa phát thanh của phường, xã; tuyên truyền trực tiếp hay lồng ghép qua sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố với hàng trăm ngàn lượt người dân được tiếp cận kiến thức an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Bên cạnh công tác tuyên truyền thì việc tập huấn kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng được Công an tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ chú trọng. Đến nay, Công an tỉnh Lâm Đồng đã triển khai tập huấn cho 195.614 hộ/ 325.888 hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chiếm tỉ lệ 60%. Đa số các chủ hộ gia đình đã tham gia với sự chủ động và nhận thức vai trò, trách nhiệm đối với công tác phòng cháy chữa cháy.

Nhà tôi có bình chữa cháy là chương trình có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của các hộ gia đình

Thiếu tá Đào Huy Dương - Phó Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đơn vị đã phát động chương trình Nhà tôi có bình chữa cháy trên toàn tỉnh. Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của các hộ gia đình. Từ đó, huy động tối đa lực lượng quần chúng nhân dân tham gia chữa cháy với phương châm “Lực lượng ở trong dân – Phương tiện ở trong dân – Hậu cần ở trong dân – Chỉ huy ở trong dân” hướng tới “Từng nhà an toàn – Từng nhà máy xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn – Từng khu phố an toàn – Từng xã, phường, thị trấn an toàn”.

Để phong trào này phát huy hiệu quả tối đa, chúng tôi kêu gọi mỗi gia đình tự trang bị bình chữa cháy để chủ động xử lý đám cháy khi mới phát sinh, hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, chúng tôi cũng vận động xã hội hóa để tặng bình chữa cháy cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh.

 

Với phương châm phòng cháy hơn chữa cháy, Công an các đơn vị, địa phương đang phối hợp tốt với UBND các thành phố, huyện, xã và các đơn vị liên quan để đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy mà trong đó người dân là chủ thể chính trong công tác phòng ngừa. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa “giặc lửa” hiệu quả ngay từ cơ sở.

Nội dung: DIỄM THƯƠNG - HOÀNG ANH
Ý tưởng: HỮU SANG
Thiết kế: HOÀNG ANH



Xem thêm bình luận