Đam Rông là nơi còn có những thửa ruộng bậc thang trải rộng đến chân núi. Đã có nhà đầu tư vì mê đắm cảnh sắc mà định cư và xây dựng cả một khu vườn nhiệt đới để bốn mùa có thể ngắm cảnh lúa và rừng cây chuyển màu thay lá như thế này
Nguyên Bí thư Huyện ủy Đam Rông Vũ Kim Sinh
Đó là chia sẻ của ông Vũ Kim Sinh - Nguyên Bí thư Huyện ủy (giai đoạn 2010-2016), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đam Rông từ ngày mới thành lập. “Cùng với Nghị quyết 30a, Chính phủ có chủ trương đưa các trí thức trẻ tình nguyện về các vùng sâu vùng xa; trong đó, có huyện Đam Rông. Trên nền tảng có sẵn là sự ổn định về an ninh chính trị ở vùng đồng bào dân tộc và tôn giáo vùng sâu vùng xa, dựa trên các chủ trương, nghị quyết về xoá đói giảm nghèo, Đam Rông huy động nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và Nhân dân… để củng cố đầu tư phát triển, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, chăm lo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân…”.
Ở xã Đạ Long có 25 hộ biết dệt thổ cẩm, chủ yếu là mẹ dạy cho con và dệt theo nhu cầu đặt hàng của khách. Dù chưa có cơ sở tiêu thụ hàng dệt thương phẩm của người dân, nhưng việc khuyến khích duy trì nghề dệt để đưa vào dự án du lịch cộng đồng đã được chính quyền xã chú trọng
Từ năm 2010 đến năm 2018, Đam Rông có 52 trí thức trẻ tình nguyện đến hoạt động; trong đó, có 5 trí thức trẻ tình nguyện ưu tú được lựa chọn đi đào tạo về tăng cường làm Phó Chủ tịch UBND các xã. Qua quá trình thực hiện, 5 trí trẻ của Đam Rông là Võ Văn Bền, Trương Hữu Tư, Lơ Mu Ha Poh, Hoàng Trần Phú Hưng, Liêng Hót Ha Lin, được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND các xã đã phát huy hiệu quả. Việc bổ nhiệm các trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã giúp củng cố hệ thống chính trị, chính quyền và đào tạo đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Các địa phương ở Đam Rông đều có cán bộ trẻ tuổi, trưởng thành trên chính mảnh đất quê hương Đam Rông. Trong ảnh: 3 đồng chí nguyên Bí thư Huyện uỷ Đam Rông và các cán bộ trẻ của xã Đạ Tông (từ phải sang: Ông Vũ Kim Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Liêng Hót Ha Sép, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Bí thư xã Liêng Hót Ri Ôn, ông Trần Minh Thức, Phó Chủ tịch xã Trương Hữu Tư). Trong đó, Liêng Hót Ha Sép và Liêng Hót Ri Ôn đều sinh trưởng ở Đạ Long, Trương Hữu Tư chính là 1 trong 5 Phó Chủ tịch xã từ Dự án Trí thức trẻ tình nguyện. Các bạn đảm nhận cương vị lãnh đạo khi tuổi đời rất trẻ, có thời gian cống hiến và trưởng thành ngay tại cơ sở trên địa bàn huyện Đam Rông
Các Phó Chủ tịch UBND xã từ Dự án Trí thức trẻ tình nguyện và các thành viên trí thức trẻ tình nguyện đã làm việc rất nhiệt tình, trách nhiệm, đi cơ sở đến từng thôn buôn, đến từng hộ dân và có những khảo sát rất tốt liên quan nhiều lĩnh vực về hạ tầng, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, về công tác xoá đói giảm nghèo, nắm thông tin dân số học (độ tuổi, học vấn…); tổ chức các hoạt động cùng người dân, như vệ sinh môi trường, thắp sáng đường quê, ngày thứ 7 tình nguyện, phong trào phụ nữ 5 không - 3 sạch…
Các đồng chí nguyên Bí thư Huyện ủy Đam Rông thăm cơ sở của Nhà máy thủy điện Đăk Mê - Nhà máy thủy điện đầu tiên ở Đam Rông, hiện cũng đang được các cán bộ trẻ của nhà máy chịu trách nhiệm vận hành
Từ khi thành lập, Đam Rông đã thu hút đông đảo lực lượng cử nhân mới ra trường có trình độ, có kiến thức nền tảng cơ bản, có năng lực... Đến giai đoạn 2010-2015, các cán bộ trẻ đã có những cơ hội phát huy thế mạnh của mình, góp phần tạo nguồn cán bộ trong công tác quy hoạch rất tốt cho Đam Rông. Bên cạnh đó, Đam Rông còn có nguồn cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số được huyện cử tuyển đào tạo các ngành nghề mà địa phương có nhu cầu về công tác ở các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, UBND các xã… đảm bảo được năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị.
Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng Nguyễn Bá Nhân (thứ 2 từ trái sang) là người được các đồng chí lãnh đạo huyện phát hiện, bồi dưỡng và tin tưởng giao trách nhiệm, rất xúc động khi được đón tiếp các vị nguyên Bí thư Huyện uỷ về thăm, cho biết: Chúng tôi noi gương các thế hệ đi trước, cố gắng kế thừa và phát huy thành quả đã có để làm việc với trách nhiệm tiếp tục khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển địa phương
Lơ Mu Ha Poh là cử nhân ngành tài chính kế toán, tham gia vào đội trí thức trẻ tình nguyện của huyện Đam Rông. Sau một thời gian, Ha Poh và 4 đội viên xuất sắc khác được chọn đi đào tạo và được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã và đã không phụ sự lựa chọn của cấp trên. Sau 2 năm, Ha Poh tiếp tục được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã.
Suối khoáng nóng là nguồn tài nguyên đặc biệt và khác biệt đang được Đam Rông kêu gọi đầu tư khai thác
Việc chọn được đúng đối tượng, đúng sở trường và phù hợp với năng lực như đội viên Ha Póh, khi về địa phương làm việc rất trách nhiệm, rất nhiệt tình, uy tín cao được cán bộ và Nhân dân yêu quý. Ha Poh cũng tham gia các phong trào thi đua và có thành tích xuất sắc được địa phương, tỉnh và Trung ương Đoàn ghi nhận.
Đặc biệt, Ha Poh sinh ra và lớn lên ở chính quê hương Đam Rông (Đầm Ròn trước đây) và là nhân tố điển hình trưởng thành từ phong trào trí thức trẻ tình nguyện và đang phát huy tốt.
Chủ tịch UBND xã Đạ Long Trần Văn Kiên cũng là cán bộ trải qua thời gian rèn luyện và trưởng thành ở Đam Rông, trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng với mong muốn cùng đội ngũ cán bộ và Nhân dân xã Đạ Long thực hiện dự án du lịch cộng đồng, khai thác tiềm năng du lịch ở Đạ Long để phát triển kinh tế, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho Nhân dân
Ông Phạm Văn Nam (giữa) - Giám đốc HTX mắc ca Phương Nam - vốn là bộ đội phục viên về sản xuất nông nghiệp, giới thiệu vườn mắc ca ứng dụng công nghệ tưới tự động đang cho bói nhưng cũng báo hiệu chất lượng hạt rất tốt với Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng Lê Đình Mạnh (bìa phải)
Nhiều hộ dân ở Đam Rông được hỗ trợ đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao, trở thành điển hình và được bà con nhân dân học tập. Riêng tại xã Đạ K’Nàng, Trung tâm Nông nghiệp làm chủ đầu tư hỗ trợ vốn sản xuất trồng mắc ca trồng xen vườn cà phê (15 hộ dân được hỗ trợ với quy mô 1 ha/mô hình/hộ và mức 70% kinh phí) và bộ dụng cụ nuôi tằm (7 hộ được nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí, người dân đối ứng 30%; 22 hộ khác được UBND xã làm chủ đầu tư hỗ trợ bộ dụng cụ nuôi tằm (nhà nước hỗ trợ 95% kinh phí, người dân đối ứng 5%).
Những ngôi nhà được bao quanh bởi vườn dâu xanh tốt rất phổ biến ở các vùng quê Đam Rông
Đam Rông hiện còn 4 xã chưa về đích nông thôn mới theo tiêu chí đa chiều, là 3 xã vùng Đạ Ròn (Đạ M’Rông, Đạ Tông, Đạ Long) và xã Liêng Sronh. Trong năm 2023, huyện Đam Rông ưu tiên tập trung nguồn lực (từ các phong trào, chương trình, dự án, vốn mục tiêu quốc gia, các nguồn lực xã hội hóa) để Đạ M’rông và Đạ Tông hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Sang năm 2024, lại tiếp tục tập trung nguồn lực cho Đạ Long và Liêng Sronh. Quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đam Rông là đến năm 2025 sẽ là huyện nông thôn mới.
Xã Đạ K’Nàng đang phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao