.

Nông thôn mới - Sức sống mới Nam Tây Nguyên (bài 3):
Nhận diện những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

12:44, 13/03/2024
 
 

Theo quy định, các chỉ tiêu về giao thông đặt ra đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ tính tới tỷ lệ phần trăm các đường trục xã, liên xã, liên thôn… được nhựa hoá hay bê tông, không tính các tuyến đường huyện, tỉnh và quốc lộ. Do vậy, dù được công nhận xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều tuyến đường xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 

Điển hình là Quốc lộ 27 dài khoảng 91 km chạy qua địa phận tỉnh Lâm Đồng, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng; trong đó, có nhiều đoạn từ Đam Rông tới Lâm Hà gần như hư hỏng triền miên. Trên trục đường này, có hơn 10 xã thuộc các huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với trên 50.000 hộ dân sinh sống.

Ông Hà Văn Bình (57 tuổi, ngụ tại xã Phi Liêng, huyện Đam Rông) có nhà ven Quốc lộ 27 cho rằng, mặc dù xã đã đạt nông thôn mới nhiều năm nay, nhưng 6 - 7 năm qua, cả ngàn hộ dân phải đi lại thường xuyên trên tuyến quốc lộ xuống cấp.

“Mùa mưa là bà con khổ nhất, đường lầy lội, phương tiện đi lại rất nguy hiểm. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục nhưng lãnh đạo các cấp đều trả lời tuyến Quốc lộ do Bộ Giao thông Vận tải quản lý và chưa có nguồn vốn tu sửa toàn tuyến nên mình chỉ biết đợi”, ông Bình than thở.

 
 

Hay tại địa bàn xã Đa Quyn (huyện Đức Trọng), xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019 nhưng 3 năm qua, con đường huyết mạch ĐT.729 (trước tháng 4/2021 là tuyến đường huyện) chạy qua xã dài 15 km thì có tới gần 10 km đầy hố, hục sâu lầy lội vào mùa mưa.

Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Đa Quyn cho hay, dọc tuyến đường này có 40% dân số của xã sinh sống nên ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt của bà con, đặc biệt là việc đến trường đối với trẻ em bậc tiểu học.

 
 

Còn tại huyện Đơn Dương, huyện đầu tiên cả tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 và đang phấn đấu đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh vào năm 2025 thì về hạ tầng giao thông vẫn còn những khó khăn nhất định.

Theo ghi nhận của phóng viên, qua thời gian dài sử dụng và thiếu nguồn vốn duy tu nên một số tuyến đường khu vực trung tâm xã đã dần xuống cấp thấy rõ. Như con đường liên thôn chạy từ trung tâm xã Tu Tra đi thôn Kinh tế mới R'Lơm và K’Lót dài 4,5 km, có khoảng hơn 800 hộ dân sinh sống hai bên đường nhưng vài năm nay bà con lưu thông vô cùng vất vả, đặc biệt khi vào mùa mưa về. Và đây không phải là những con đường cá biệt, còn nhiều tuyến đường liên thôn, một số đoạn đường huyện cũng trong tình cảnh tương tự.

Ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, cho biết: Việc tu sửa các tuyến đường cần huy động nguồn lực lớn, trong khi nguồn kinh phí của huyện có hạn. Hiện nay, huyện đang nỗ lực vận động người dân, doanh nghiệp với tinh thần xã hội hoá để tu sửa, nâng cấp các tuyến đường đang bị xuống cấp.

 
 

Dù đã được đầu tư và đạt được nhiều kết quả nhất định, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm hạn chế, như: Nhiều tuyến đường quốc lộ (27, 28, 28B, 55) đã và đang xuống cấp nhưng chậm được đầu tư nâng cấp, hoặc chỉ được tu sửa một phần. Các tuyến đường tỉnh (722, 726, 727. 728 và 729) xuống cấp nhiều đoạn, hoặc chỉ khai thác từng đoạn, chưa thông toàn tuyến và tính liên kết vùng còn thiếu đồng bộ. Riêng tuyến đường huyện, xã và đường giao thông nông thôn chưa được cứng hóa còn gần 725 km.

 
 

Theo ông Nguyễn Đức Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra (huyện Đơn Dương), tiêu chí môi trường theo chuẩn mới có tới 12 chỉ tiêu, tăng 7 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016-2020; trong đó, có nhiều điểm mới, yêu cầu cao hơn mà địa phương khó thực hiện đạt nhất.

“Xã Tu Tra hiện có số hộ dân chăn nuôi bò sữa khá lớn, người dân thường làm nơi chứa chất thải của động vật ngay bên đường để tiện xử lý. Do đó, dù chúng tôi đã nỗ lực vận động người dân thực hiện để đạt chỉ tiêu “Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường đạt từ 95% trở lên” nhưng thực tế còn rất nan giải. Ngoài ra, chỉ tiêu “Đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn đạt từ 4m2/người” cũng rất bất cập, xã gần như khó thực hiện đạt” - ông Quang cho biết.

Không chỉ trên địa bàn các xã thuộc huyện Đơn Dương, qua ghi nhận tại nhiều địa phương, việc thực hiện chỉ tiêu môi trường và chất lượng môi trường sống còn nhiều huyện chưa đạt so với yêu cầu. Đó là tình trạng rác thải sinh hoạt không đúng khung giờ quy định tại một số địa phương vẫn tiếp diễn. Chất thải chăn nuôi chưa được xử lý triệt để gây bức xúc cho người dân vẫn diễn ra tại một số nơi. Nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn tỉnh, rác thải sinh hoạt tập kết và xử lý không đúng quy định làm ô nhiễm môi trường...

 
 
 

Theo thống kê mới nhất, tới cuối năm 2023, chưa có huyện nào của tỉnh đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Riêng các tiêu chí về giao thông, môi trường, quy hoạch và chất lượng môi trường sống mới có 5/12 huyện, thành phố đạt.

Đánh giá về những bất cập, vấn đề phát sinh mà các địa phương gặp phải trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng số chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 tăng 62 chỉ tiêu so với giai đoạn trước với nhiều chỉ tiêu cao đã khiến các sở, ngành, địa phương loay hoay, lúng túng trong công tác tham mưu, thẩm định cũng như tìm phương án thực hiện.

 
 

Trong tiêu chí quy hoạch, theo đánh giá các địa phương còn chậm triển khai làm ảnh hưởng đến việc công nhận kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Điểm chung là nhiều địa phương trong tỉnh có xu hướng dành những khu vực có điều kiện thuận lợi nhất để quy hoạch phát triển thành đô thị, còn những vùng đất khó khăn, thiếu thốn thì giữ lại nông thôn khiến việc phát triển không gian đô thị chưa hợp lý, dẫn đến khó khăn trong triển khai lập kế hoạch xây dựng nông thôn mới trung hạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm của các xã.

 
 

Về mặt khách quan, theo lãnh đạo UBND tỉnh, hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ban hành còn chậm. Đến cuối tháng 5/2023, các cấp có thẩm quyền mới có văn bản hướng dẫn các tiêu chí, chỉ tiêu nên trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng. Trong đó, phải kể tới chương trình phát triển du lịch nông thôn, năm 2023 là năm đầu tiên địa phương triển khai thực hiện và hiện các bộ chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các bước triển khai, tiêu chí lựa chọn đối tượng hỗ trợ.

 
 

Tại huyện vùng sâu Đam Rông, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao nhất tỉnh, đến cuối năm 2023 thì tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 11,63% với tổng số 1.701 hộ. Tỷ lệ nghèo đa chiều lớn nhưng qua các năm đều đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo đề ra là từ 4 tới 5%. Tuy vậy, vẫn còn các khía cạnh tác động tới tính bền vững trong công tác giảm nghèo khiến lãnh đạo cơ sở không khỏi trăn trở.

Một trong số đó là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại một số xã hàng năm còn cao. Đơn cử tại địa bàn xã Đạ Long, xã đặt mục tiêu về đích nông thôn mới năm 2024 của huyện Đam Rông thì thống kê năm 2021 có 14,8% tỷ lệ người trong độ tuổi sinh con thứ 3 trở lên, năm 2022 còn 11,42% và năm 2023 còn 9%. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều tới tháng 10/2023 còn 38,3%.

 
 

Chủ tịch UBND xã Đạ Long Trần Văn Kiên cho biết: Thời gian qua, địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động các gia đình áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nhưng do dân số của xã khá trẻ, cộng với nhận thức của cả phụ nữ và nam giới vẫn còn nhiều hạn chế nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có giảm nhưng vẫn còn cao, chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ sinh con thứ 3 cao ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế gia đình các hộ dân cũng như tác động tới công tác chăm sóc sức khoẻ,  giáo dục và giảm nghèo bền vững của xã.

 
 

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, thách thức đặt ra là các sở, ngành, địa phương cần thực hiện chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ người dân có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với mục tiêu giảm nghèo bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo ở mức thấp nhất.

Thống kê tỷ lệ giảm nghèo nhanh của các địa phương qua các năm là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, rất đáng biểu dương, nhưng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn còn có những mặt thực hiện chưa đạt. Đó là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập còn nằm sát chuẩn nghèo. Một bộ phận bà con còn chưa thay đổi tư duy, sinh kế còn bấp bênh và không bền vững thì rất dễ tái nghèo. Bên cạnh đó, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư thu hẹp chậm, đặc biệt là ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

 
 

Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, tới cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 2,05% so với năm 2022. Hiện, tổng số hộ nghèo đa chiều còn 11.345 hộ, chiếm tỷ lệ 3,16% số hộ toàn tỉnh. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5,09%. Đây là kết quả rất ấn tượng nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ, khắc phục. 

Nguyên nhân một phần do các văn bản thực hiện chương trình của các bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời, chi tiết. Các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi về cơ bản có tỷ lệ giải ngân qua các năm còn thấp. Một số nội dung còn chồng chéo, vướng mắc nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt là một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia khó giải ngân nguồn vốn vì vướng nhiều quy định, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được thụ hưởng đầy đủ...

 
 

Chỉ tiêu nông thôn mới năm 2023 chưa đạt

 
Theo chỉ tiêu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được UBND tỉnh giao năm 2023 thì chỉ có 1 chỉ tiêu đạt là có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Đạ Tông và Đạ M’rông, huyện Đam Rông), còn lại 3 chỉ tiêu không đạt, gồm: Có thêm 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có thêm 14 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới được công nhận. 
 
Các tiêu chí, chỉ tiêu mà các địa phương không đạt chủ yếu là: Môi trường, nâng cao về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, giao thông...; các chỉ tiêu khó đạt, như: Tỷ lệ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, tỷ lệ hỏa táng, tỷ lệ khám chữa bệnh từ xa...
 


Xem thêm bình luận