Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

04:07, 28/07/2022
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, một địa chỉ đỏ, một điểm đến của nhiều du khách yêu lịch sử khi đến với thành phố hoa, cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn cho thế hệ trẻ.
 
Khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
 
•  TỪNG GIAM GIỮ HƠN 600 TÙ NHÂN THIẾU NHI
 
Thực hiện âm mưu chia tách các tù nhân chính trị thiếu nhi ra khỏi sự dìu dắt, giáo dục của các thế hệ cha anh, Mỹ và chính quyền tay sai đã chọn Đà Lạt làm nơi xây dựng “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” vào đầu năm 1971. Thực tế, đây là một nhà lao, giam giữ tù nhân thiếu nhi yêu nước, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Diện tích mỗi phòng giam chỉ khoảng 50 m2 nhưng có lúc địch dùng để giam giữ 60-70 tù nhân. Nơi đây còn có 12 buồng xà lim. Mỗi buồng rộng khoảng 2 m2, địch dùng làm nơi giam giữ tù nhân chống đối. Bên cạnh đó, địch cũng cho xây thêm 1 hầm đá, khuất sau hành lang xà lim, không có mái che, bên trên giăng đầy dây kẽm gai, để làm nơi giam cầm những tù nhân bị cho là “ngoan cố”, “cầm đầu”. Công tác xây dựng hoàn tất, địch gấp rút chuyển tù chính trị thiếu nhi từ các nhà tù ở miền Nam về giam giữ tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Đợt đầu tiên, ngày 23/4/1971, địch tập trung chuyển 126 tù nhân thiếu nhi từ Nhà lao Kho Đạn về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Tiếp theo là tù nhân thiếu nhi ở các nhà lao khác như Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định... lần lượt được địch cho chuyển về đây... Ngoài những đợt nói trên, địch vẫn thường xuyên đưa tù nhân thiếu nhi ở các địa phương khắp miền Nam về đây giam giữ, nâng tổng số tù nhân tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt lên trên 600 người.
 
•  CÁC PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA TÙ THIẾU NHI
 
Mặc dù phải chịu đựng vô vàn cực khổ, thiếu thốn, thường xuyên bị đánh đập, hành hạ, chịu đói, chịu rét... nhưng vẫn không làm nhụt ý chí đấu tranh cách mạng của những thiếu nhi yêu nước. Theo ông Ngô Tùng Chinh, Trưởng Ban Liên lạc cựu tù Đà Lạt, nhờ có sự tiếp thu kinh nghiệm đấu tranh của các tù nhân chính trị đi trước, nên phong trào đấu tranh tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt ngày càng mạnh mẽ, có tổ chức, có kế hoạch bài bản. Nhiều sự kiện đấu tranh của tù nhân thiếu nhi đã tạo nên những dấu ấn sâu đậm, gây tiếng vang lớn. Nổi lên đó là Phong trào đấu tranh Chống chào cờ. Theo quy định của nhà lao, mỗi sáng đầu tuần, toàn bộ tù nhân phải tập trung ra sân chào cờ và hát quốc ca của chế độ Việt Nam cộng hòa. Nếu không chấp hành, sẽ bị đánh đập, bỏ đói, biệt giam vào xà lim. Thế nhưng, các tù nhân thiếu nhi đã kiên quyết không chịu xếp hàng, nhất định không chào cờ, không hát quốc ca, mặc cho giám thị đánh đập. Đỉnh cao là có 5 tù nhân thiếu nhi đã xung phong tự mổ bụng để gây sức ép, buộc địch phải nhượng bộ, gồm Mai Thanh Minh, Nguyễn Thu, Thái Bá Trọng, Bùi Văn Hiệp và Nguyễn Văn Út. Cùng với phong trào cách mạng nổi lên mạnh mẽ ở miền Nam, ngày 22/2/1973, các tù nhân thiếu nhi đã nổi dậy, làm chủ Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, chấm dứt sự cai trị của địch đối với các tù nhân thiếu nhi.
 
•  ĐỊA CHỈ ĐỎ - DI TÍCH QUỐC GIA
 
Năm 2013, sau khi Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được công nhận là Di tích quốc gia, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH - TT - DL) Lâm Đồng đã triển khai tu bổ, xây dựng, tôn tạo, phục dựng toàn bộ kiến trúc nhà lao, nhà hướng nghiệp và phục hồi nguyên trạng các phòng giam, xà lim, hầm đá, cũng như thực hiện các mô hình tái hiện khung cảnh sinh hoạt, những sự kiện đấu tranh tiêu biểu của tù nhân. Bên cạnh đó, Sở VH - TT - DL Lâm Đồng cũng đã gặp gỡ cựu tù, sưu tầm hiện vật, tư liệu, thiết kế phòng truyền thống. Năm 2016, Bảo tàng Lâm Đồng tiếp quản nhiệm vụ quản lý Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Tiếp nối những kết quả bước đầu của Sở VH - TT - DL tỉnh, Bảo tàng Lâm Đồng tiếp tục nghiên cứu thêm hệ thống tài liệu, hiện vật, hình ảnh, rồi tổ chức trưng bày theo hướng khoa học để du khách tham quan có thể hiểu một cách hệ thống, tạo được ấn tượng về sự chuyên nghiệp trong trưng bày và sự trang nghiêm của di tích.
 
Những năm qua, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, trở thành điểm đến của nhiều học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường THCS Trần Phú (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm), chia sẻ: “Đưa các em học sinh đến các di tích lịch sử như Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là cách giáo dục truyền thống hiệu quả. Tôi nghĩ cách làm này cần được phát huy hơn nữa, để giúp các em hiểu hơn về thế hệ cha anh”.
 
Thật vậy, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước một cách trực quan và sinh động. Những học sinh, sinh viên, đoàn viên, đội viên, thanh niên sau khi đến đây, ai cũng hiểu thêm rất nhiều về giá trị của độc lập, tự do của dân tộc được đổi bằng chính xương máu của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, của bao thế hệ thiếu nhi dũng cảm đi trước.
 
TRIỀU KA