Người gieo mầm cách mạng đầu tiên ở Lâm Đồng

10:01, 30/01/2017

Vào một sáng mùa thu tháng 10 năm 2016, tình cờ tôi đã gặp một người khách đặc biệt khi chị đang xúc động nắn nót viết những dòng lưu bút vào cuốn sổ ghi cảm tưởng tại Bảo tàng Lâm Đồng. Đó là chị Trần Thu Nguyệt - cháu nội người chiến sĩ cách mạng Trần Hữu Duyệt - Bí thư Chi bộ Đảng Tân Việt tại Đà Lạt vào năm 1929. Ông cũng chính là người gieo mầm cách mạng đầu tiên trên quê hương Lâm Đồng.

Vào một sáng mùa thu tháng 10 năm 2016, tình cờ tôi đã gặp một người khách đặc biệt khi chị đang xúc động nắn nót viết những dòng lưu bút vào cuốn sổ ghi cảm tưởng tại Bảo tàng Lâm Đồng. Đó là chị Trần Thu Nguyệt - cháu nội người chiến sĩ cách mạng Trần Hữu Duyệt - Bí thư Chi bộ Đảng Tân Việt tại Đà Lạt vào năm 1929. Ông cũng chính là người gieo mầm cách mạng đầu tiên trên quê hương Lâm Đồng.
 
Ông Trần Hữu Duyệt được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ngay từ khi học Đệ Tam, ông đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1927, ông gia nhập và chính thức trở thành đảng viên Đảng Tân Việt. Trong những năm 1928-1930, ông được Xứ ủy Tân Việt Nam kỳ cử ra hoạt động ở 5 tỉnh Cực Nam Trung bộ: Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Rang, Phan Thiết, Đà Lạt (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Chi bộ Đảng Tân Việt của Liên tỉnh Ngũ Trang do ông làm bí thư  có mật danh “Ngũ Trang”. Thời gian này, ông lên Đà Lạt hoạt động, sau một thời gian tuyên truyền cách mạng ông đã tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Tân Việt đầu tiên vào đầu năm 1929 tại nhà số 5A Hồ Tùng Mậu - Đà Lạt (nơi ở của ông Trần Diệm - người sau này là Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đà Lạt). Đầu năm 1930, khi các tổ chức Đảng Tân Việt được giải thể để thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và sau đó gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, ông Trần Hữu Duyệt đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Thời gian này, ông được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và tiếp tục chỉ đạo Chi bộ Đảng Cộng sản Đà Lạt. Sau đó, ông bị địch bắt kết án tù chung thân và đày ở ngục Kon Tum, nhà tù Lao Bảo. Năm 1936 bị đưa về quản thúc tại quê nhà. Năm 1941, ông liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ, tham gia Việt Minh Nghệ Tĩnh. Tháng 8/1945, Tổng khởi nghĩa thành công, chính quyền cách mạng thành lập, ông được bầu làm Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 12/7/1946, ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của chính quyền non trẻ - chính quyền của nhân dân Hà Tĩnh. Năm 1949, ông được điều động làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và là Khu ủy viên Liên khu IV đặc trách mặt trận Bình - Trị  - Thiên. Sau 1954 làm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, Phó ban Mặt trận Trung ương, Ủy viên đoàn Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký UBMT Tổ quốc Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, khóa II của tỉnh Hà Tĩnh và từng được tặng thưởng nhiều huân chương cao quí. Ông mất năm 1986 tại Hà Nội. 
 
Trong thời kỳ hoạt động cách mạng, đặc biệt là giai đoạn ông tham gia Đảng Tân Việt và thời gian đầu sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, ông Trần Hữu Duyệt đã có nhiều đóng góp và ảnh hưởng lớn đối với việc thành lập các tổ chức Đảng và phong trào đấu tranh cách mạng tại Đà Lạt - Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh thuộc Cực Nam Trung bộ nói chung. Việc may mắn gặp cô cháu gái Trần Minh Nguyệt, đã giúp chúng tôi kết nối với gia đình ông để sưu tầm hiện vật, tư liệu liên quan tới cuộc đời hoạt động cách mạng của ông để trưng bày tại bảo tàng. Thời gian đã trôi qua gần một thế kỷ, tưởng rằng khó tìm lại những kỷ vật của người xưa nhưng với sự nhiệt tình giúp đỡ của gia đình chúng tôi đã có được một số hình ảnh, tư liệu quí giá như: ảnh ông và các đồng chí của ông với nhà cách mạng lỗi lạc Hồ Tùng Mậu; ảnh ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí trong BCH Trung ương Đảng lúc bấy giờ và các đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về dự kỳ họp lần thứ IV -  khóa I năm 1955; ảnh ông với Chủ tịch Fidel Castro trong một chuyến thăm và làm việc tại Cu Ba. Đặc biệt là bức thư viết tay (bút tích của ông được viết trên một loại giấy dành riêng có in sẵn tên ông trên đầu trang) dài 5 trang gửi cho ông Trần Lê - nhà hoạt động cách mạng, sau đó từng giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng và Nhà nước: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Bức thư được viết vào năm 1978 (thời kỳ ông Trần Lê còn làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) trong đó ông cung cấp một số thông tin quan trọng về các sự kiện và phong trào đấu tranh cách mạng ở Đà Lạt - Lâm Đồng theo yêu cầu của ông Trần Lê và Tỉnh ủy Lâm Đồng thời kỳ những năm đầu mới giải phóng.
 
Có thể nói, những tư liệu và hình ảnh quí sưu tầm được nói trên ngoài việc giúp cho công tác học tập, nghiên cứu lịch sử còn góp phần bổ sung hiện vật, hình ảnh làm phong phú và sinh động thêm cho phần trưng bày về phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Lâm Đồng tại Bảo tàng Lâm Đồng.
 
ÐOÀN BÍCH NGỌ