''Dân vận khéo'' trong vùng đồng bào dân tộc ở Lạc Dương

05:04, 04/04/2022
Thời gian qua, Huyện ủy Lạc Dương đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
 
Mô hình trồng nấm hương của gia đình anh Y Sái Kơ Să
Mô hình trồng nấm hương của gia đình anh Y Sái Kơ Să
 
Huyện Lạc Dương hiện nay có tổng diện tích tự nhiên là hơn 131 ngàn ha với dân số gần 29 ngàn khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm gần 70% dân số. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy Lạc Dương đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các địa phương trên địa bàn xây dựng nội dung, kế hoạch thực hiện công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, Ban Dân vận Huyện ủy Lạc Dương đã phối hợp tuyên truyền vận động người dân đồng bào vùng sâu, vùng xa trên địa bàn mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tạo đột phá trong chăn nuôi, sản xuất bằng việc áp dụng những giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó là xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” để nhân rộng. Từ đó, nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong vùng ĐBDTTS tại Lạc Dương đã được xây dựng hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn. Trong đó, điển hình như mô hình nuôi bò bán thâm canh của nhà nông A Dắt Ha Jê My, sinh năm1983 ở thôn Đara Hoa, xã Đạ Nhim. 
 
Gia đình ông A Dắt Ha Jê My vẫn gắn bó với nghề nông trên vườn rẫy để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do chủ yếu chăn nuôi, trồng trọt theo lối truyền thống, tự cung tự cấp là chính nên thu nhập bấp bênh. Đến năm 2017, được sự tuyên truyền vận động của Khối Dân vận, Mặt trận và đoàn thể địa phương, gia đình ông đã tích góp và vay mượn kinh phí để mua 5 con bò giống lai Sind về chăn nuôi theo hình thức bán thâm canh. Vượt qua những khó khăn bước đầu do thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, ông A Dắt Ha Jê My đã tìm tòi, học hỏi nghiên cứu và chăm sóc đàn bò phát triển tốt. Đến năm 2019, gia đình ông lại mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, để tiếp tục đầu tư mua thêm bò giống, cũng như mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất. Hiện tại, gia đình nông dân A Dắt Ha Jê My đang chăn nuôi 15 con bò bán thâm canh, 35 con heo và hơn 150 con gia cầm các loại. Trong đó, đàn bò mang lại hiểu quả kinh tế cao nhất cho gia đình ông. Thời điểm hiện tại, trung bình mỗi con bò giống gia đình ông A Dắt Ha Jê My mua có giá 18 đến 30 triệu đồng và sau 4 đến 5 tháng chăn nuôi, chăm sóc đã bán được 40 đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh còn có thêm nguồn thu nhập từ bán phân bò.
 
Nhờ quyết tâm hăng say trong lao động, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, gia đình ông A Dắt Ha Jê My đã được chọn là một trong những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của huyện Lạc Dương. Từ đó, Ban Dân vận Huyện ủy Lạc Dương đã tập trung xây dựng, tuyên truyền và nhân rộng mô hình này cũng như các mô hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề lao động để mọi người học tập và làm theo. Vừa qua, nhà nông A Dắt Ha Jê My cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2021. Đến nay, trên địa bàn toàn xã Đạ Nhim đã có hơn 50 hộ gia đình nuôi bò theo mô hình bán thâm canh với tổng đàn bò trên 250 con. Ban Dân vận Huyện ủy Lạc Dương cũng như Đảng ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể xã đang phối hợp tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân phát triển tăng đàn, tăng số lượng bò theo kế hoạch và quy hoạch cụ thể. Đồng thời, hỗ trợ thủ tục pháp lý để từng bước thành lập hợp tác xã nhằm có sự liên kết chuỗi trong công tác chọn giống, nguồn thức ăn và tìm đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm bò thịt khi xuất chuồng của bà con Nhân dân. 
 
Một mô hình tiêu biểu nữa trong vùng ĐBDTTS tại Lạc Dương đó là mô hình trồng nấm hương của gia đình anh Y Sái Kơ Să, người con của đồng bào dân tộc Cờ Ho (Cill), sinh năm1990, ở thôn Đa Ra Hoa, xã Đạ Nhim. Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, anh Kơ Să đã tiếp cận và áp dụng mô hình trồng nấm hương. Hiện nay, trên diện tích 150 m2 chia thành 2 nhà nấm, gia đình anh trồng khoảng hơn 60 ngàn phôi giống. Từ khi nhận phôi đến khi bắt đầu cho thu hoạch là khoảng từ 3 - 3,5 tháng và mỗi năm, gia đình anh trồng 3 vụ. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thành công bước đầu với mô hình trồng nấm nên gia đình anh Kơ Să đã có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình anh có thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng. Với thành công bước đầu và những kinh nghiệm đúc rút được, anh Kơ Să đã hướng dẫn cho bà con kỹ thuật xây dựng nhà và trồng nấm hương để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Hiện nay, trên địa bàn đã có hàng chục hộ dân áp dụng mô hình trồng nấm hương hiệu quả. 
 
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Lạc Dương cũng đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập đời sống khác. Có thể kể đến như mô mình chuyển đổi từ cà phê sang trồng rau thương phẩm của gia đình Ka Să Mho, gia đình Cil Mup Ha Kim ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát cho thu nhập trung bình hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Hay mô hình chuyển từ cà phê già cỗi kém hiệu quả sang trồng Atiso của gia đình Kon Sa Ha Hai ở xã Đạ Cháy…
 
Đồng chí Thân Xuân Quý - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lạc Dương cho biết, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy đã phối hợp xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Trong đó, “Dân vận khéo” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập đời sống trong vùng ĐBDTTS là một trong những mô hình ý nghĩa. Thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy sẽ tiếp tục phối hợp triển khai, thực hiện xây dựng nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn.
 
DUY DANH