Thành lập 3 chốt kiểm soát, phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Đạ Tẻh

12:12, 08/12/2020

(LĐ online) - Sáng 8/12, ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết, UBND huyện vừa ban hành quyết định thành lập 3 chốt kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

• Xác định đàn lợn giống bị tiêu hủy nhiễm bệnh tả lợn châu Phi
 
(LĐ online) - Sáng 8/12, ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết, UBND huyện vừa ban hành quyết định thành lập 3 chốt kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
 
Tiêu huỷ lợn giống mắc bệnh tả lợn châu Phi tại xã Triệu Hải.
Tiêu huỷ lợn giống mắc bệnh tả lợn châu Phi tại xã Triệu Hải.
 
Theo đó, 3 chốt được thành lập gồm: Chốt số 1 thực hiện nhiệm vụ tại vị trí trên tỉnh lộ 721 khu vực xã Đạ Kho giáp ranh với huyện Đạ Huoai. Chốt số 2 thực hiện nhiệm vụ tại vị trí trên tỉnh lộ 721 khu vực xã Đạ Lây giáp ranh với huyện Cát Tiên. Chốt số 3 thực hiện nhiệm vụ tại vị trí trên tỉnh lộ 725 khu vực Thôn 7, xã Mỹ Đức.
 
Mỗi chốt trực đảm bảo có các lực lượng: Công an huyện làm trưởng chốt, công an xã, thú y, Trung tâm Nông nghiệp làm thành viên nhằm thực hiện nhiệm vụ cơ động để xác định đàn gia súc bị bệnh tại các chốt.
 
Công tác tiêu độc, khử trùng đàn lợn tại xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh đang được tăng cường
Công tác tiêu độc, khử trùng đàn lợn tại xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh đang được tăng cường
 
Các chốt có nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện, hoạt động 24/24 giờ hàng ngày kể từ ngày ban hành cho đến khi UBND huyện có ý kiến dừng hoạt động; lập sổ nhật ký phân công ca trực, ghi chép hàng ngày về kết quả kiểm soát để thông tin đến cơ quan thường trực phòng, chống dịch cấp huyện; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện lưu thông qua chốt có liên quan đến việc vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn; chuẩn bị phương tiện, vật tư để phun khử trùng, tiêu độc các phương tiện giao thông lưu thông qua chốt (nếu xét thấy cần thiết); lập sổ nhật ký để theo dõi, kiểm soát các phương tiện vận chuyển lợn có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định lưu thông qua địa bàn huyện. 
 
Khi các phương tiện vận chuyển lợn qua chốt phải được ghi chép trong nhật ký (số xe, các loại giấy tờ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ, số lượng đàn lợn vận chuyển, các điều kiện khác về an toàn dịch bệnh…); cử thành viên của chốt giám sát khi xe chở lợn lưu thông trên tỉnh lộ cho đến khi đã qua các chốt kiểm soát tiếp theo và qua địa phận của huyện; phát hiện và lập hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn nghi bị bệnh, không rõ nguồn gốc, không xuất trình được các giấy tờ theo quy định. 
 
Các chốt còn có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi; thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của UBND huyện và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Đạ Tẻh. 
 
Chốt kiểm soát, phòng chống bệnh tả lợn châu Phi trên tỉnh lộ 721, xã Đạ Kho
Chốt kiểm soát, phòng chống bệnh tả lợn châu Phi trên tỉnh lộ 721, xã Đạ Kho
 
Cũng trong sáng nay,  ông Nguyễn Phi Long - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y  và Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Lâm Đồng) cho biết mẫu xét nghiệm đàn lợn tại xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh) dương tính với virus tả lợn châu Phi.
 
Theo ông Long, ngày 2/12, người dân và đơn vị chức năng phát hiện đàn lợn giống của một số hộ dân tại xã Triệu Hải có dấu hiệu mắc bệnh, lợn chết rải rác. Trung tâm Nông nghiệp Đạ Tẻh đã tiến hành tiêu hủy 70 con của 6 hộ dân. Tới ngày 3/12, cơ quan chức năng tiếp tục tiêu hủy 30 còn lại của một hộ dân; đồng thời, lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 5 (tại Đắk Lắk ) xét nghiệm.
 
Theo thông tin ban đầu, về nguồn gốc đàn lợn bị nhiễm bệnh do 2 người dân tại xã Triệu Hải mua về từ Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và không có hồ sơ, giấy tờ, nguồn gốc lợn giống. Sau khi mua về 100 con, hộ dân trên đã bán 70 con cho 6 hộ thuộc xã Triệu Hải, còn giữ lại nuôi 30 con. Tới ngày 2/12 thì lợn bắt đầu có các triệu chứng như trên.
 
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay đơn vị đang phối hợp với chính quyền huyện Đạ Tẻh tập trung tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chú trọng vệ sinh, khử trùng chuồng trại triệt để nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh có thể lây lan thêm. 
 
Cơ quan chức năng yêu cầu tạm thời không tái đàn lợn tại xã có lợn mắc bệnh, nhất là trong tình hình dịch đang diến biễn phức tạp. Đồng thời, chỉ đạo các xã tổ chức cho người dân đăng ký, khai báo, cam kết nguồn gốc con giống với chính quyền địa phương khi mua lợn về nuôi.
 
Bên cạnh đó, ngành thú y phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, đặc biệt là những trường hợp kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Xử phạt nặng các chủ phương tiện, người chăn nuôi vận chuyển đàn lợn ra vào địa phương nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như giấy chứng nhận kiểm dịch…
 
Trước đó, Báo Lâm Đồng Online đã thông tin, UBND huyện Đạ Tẻh gấp rút chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cùng UBND xã Triệu Hải tiến hành tiêu hủy khẩn cấp hơn 100 con lợn giống nghi ngờ nhiễm bệnh tả lợn châu Phi mới được người dân mua và vận chuyển vào địa bàn. Liên quan đến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc tại huyện Đạ Tẻh, cuối tháng 11 vừa qua, cơ quan chức năng ghi nhận trên địa bàn xã An Nhơn có 11 con lợn của 2 hộ dân được xác định nhiễm bệnh tả lợn châu Phi. Toàn bộ số lợn này với trọng lượng hơn 1 tấn đã được tiêu hủy ngay sau đó. Chính quyền địa phương cùng với đơn vị liên quan cũng thực hiện ngay các biện pháp tiêu độc, khử trùng để phòng tránh dịch bệnh lây lan.
 
HOÀNG SA - KHÁNH PHÚC - CHÍNH THÀNH