Đà Lạt, Rừng - Hoa & Kiến trúc - khơi nguồn du lịch sáng tạo

09:04, 14/04/2016

Dòng sông Đồng Nai - khởi nguồn từ Hồ Đan Kia, len lỏi qua những đồi, núi thấp nhấp nhô, tưới mát cho những cánh rừng thông thơ mộng - rì rào hát quanh những ngôi nhà e ấp bên những con đường cong cong uốn lượn...

Dòng sông Đồng Nai - khởi nguồn từ Hồ Đan Kia, len lỏi qua những đồi, núi thấp nhấp nhô, tưới mát cho những cánh rừng thông thơ mộng - rì rào hát quanh những ngôi nhà e ấp bên những con đường cong cong uốn lượn. Đặc điểm ấy, địa hình ấy của Đà Lạt được chọn làm nơi sáng tạo những ý tưởng quy hoạch, thiết kế công trình… cho hơn 600 bạn sinh viên kiến trúc đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. Đà Lạt đang là ngày hội trải nghiệm và du lịch của các thành viên tham dự Festival Sinh viên Kiến trúc lần thứ X.
 
Lang Biang - điểm nhấn thiên nhiên Đà Lạt
Lang Biang - điểm nhấn thiên nhiên Đà Lạt
Ngày hội du lịch của sinh viên kiến trúc toàn quốc tại Đà Lạt
 
KTS Trần Công Hòa (Giảng viên Trường ĐH Yersin): Chủ đề của mỗi kỳ Festival SVKT đều mang bản sắc vùng miền của địa phương đăng cai. Chủ đề Festival X ở Đà Lạt mang ý nghĩa “về nguồn”. Ban Tổ chức muốn giới thiệu thiên nhiên, con người Đà Lạt và những nét đặc sắc của Đà Lạt để các đội không chỉ đi thi, mà còn có cơ hội khám phá Đà Lạt - nơi khởi nguồn của dòng sông Đồng Nai. Thiên nhiên Đà Lạt chính là rừng, có tác động của con người tạo ra hoa, và những ý tưởng quy hoạch hài hòa với thiên nhiên xây dựng nên những công trình kiến trúc rất khác biệt.
 
Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng: Chúng tôi mới được mời tham dự Festival SVKT như là một đầu mối hỗ trợ chương trình cùng với các ngành Công an, Thông tin - Truyền thông, Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Y tế. Chúng tôi cũng cử cán bộ theo sát các cuộc thi và có thể sau này sẽ tham khảo ý tưởng của những bài thi tốt. Tuy nhiên, nếu biết và tham gia cuộc thi sớm hơn, chúng tôi sẽ giới thiệu những ý tưởng về dự án “Làng đô thị xanh” của Đà Lạt để Ban Tổ chức ra đề thi, thì Festival SVKT này sẽ có ý nghĩa hơn nữa với thành phố du lịch Đà Lạt…
 
Em Trần Thị Bảo Châu (SV Khoa Kiến Trúc - Đại học Yersin): Mấy tháng nay, chúng em bận rộn với công tác chuẩn bị cho Festival SVKT lần đầu tiên ở Đà Lạt. Chúng em muốn làm tốt vừa để thể hiện tinh thần của đội chủ nhà, vừa muốn các đội tham dự cuộc thi không chỉ có những ngày tham dự lễ hội thật sự ấn tượng và hào hứng, mà còn có một kỳ du lịch trải nghiệm thú vị và không bao giờ quên ở thành phố hoa Đà Lạt xinh đẹp của chúng ta. Đây cũng là lần đầu tiên bài ca Festival sinh viên kiến trúc cũng được cất lên do chính chúng em sáng tác và dàn dựng, mang đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, ấp ủ nhiều ước vọng lớn lao cho quê hương mình…                              
NHẬT QUÂN (ghi)

Festival Sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ X - 2016 diễn ra trong 4 ngày (16, 17, 18 và 19/4/2016) tại TP. Đà Lạt với chủ đề: ĐÀ LẠT, KIẾN TRÚC - RỪNG - HOA. Festival Sinh viên Kiến trúc được tổ chức thường kỳ 2 năm 1 lần nhằm phát huy khả năng sáng tạo của sinh viên kiến trúc và là sân chơi bổ ích, môi trường học hỏi lẫn nhau dành cho sinh viên các trường có đào tạo ngành Kiến trúc trên cả nước; đồng thời là hoạt động nghề nghiệp rất có ý nghĩa trong sự nghiệp đào tạo kiến trúc sư. Festival lần thứ X năm 2016 lần đầu tiên có mặt tại Đà Lạt do Hội KTS Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng và Trường Đại học Yersin Đà Lạt phối hợp tổ chức, thu hút 22 trường đại học với hơn 600 sinh viên tham dự. 

Festival Sinh viên Kiến trúc lần thứ X có 8 nội dung thi, ngoài chương trình văn nghệ “Cảm hứng Tây Nguyên” và diễu hành xe đạp đôi mang tính chất giao lưu, liên kết; thì 6 nội dung còn lại đều liên quan đến chuyên môn của ngành nghề kiến trúc và nhiều nội dung thi lấy ý tưởng từ những khám phá và trải nghiệm của các em về thành phố du lịch, thành phố hoa Đà Lạt. Các hoạt động và các cuộc thi tạo nên kết cấu một lễ hội. Mỗi đội thi đều có một gian hàng riêng gồm có các pano giới thiệu về trường mình, cũng là nơi trưng bày các sản phẩm trong những cuộc thi sắp diễn ra.
 
Các đội được tham quan, khảo sát 3 làng hoa ở Đà Lạt là Thái Phiên, Vạn Thành và Hà Đông là những làng trồng hoa truyền thống ở Đà Lạt, nhưng hiện trạng và những bề bộn từ cuộc sống sản xuất của người dân, cần phải chỉnh trang để làng hoa đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Qua việc đánh giá hiện trạng, nghiên cứu tác động các đội thi đưa ra ý tưởng thiết kế nhanh trong vòng 5 tiếng đồng hồ về quy hoạch kiến trúc cho một làng hoa… Ở phần thi tạo hình kiến trúc công trình, các đội cũng được trải nghiệm văn hóa cồng chiêng của dân tộc K’Ho ở xã Lát, Lạc Dương - gắn với hoạt động du lịch. Với mong muốn giữ gìn bản sắc dân tộc, nhiều ban nhạc tự phát khai thác cồng chiêng, nhưng mang tính thương mại, thiếu không gian chuẩn mực, quy mô giới thiệu ẩm thực, làng nghề chưa bài bản… Đề thi hướng tới việc tổ chức lại hình thức khai thác du lịch dựa vào tài nguyên nhân văn hiện nay ở xã Lát, huyện Lạc Dương…
 
Cuộc thi nhiếp ảnh “Kiến trúc - thiên nhiên và con người Đà Lạt” được phát động ngay ngày thi đầu tiên và kéo dài suốt lễ hội. Phần thi vẽ và viết về cảm xúc và hình ảnh du lịch của Đà Lạt dưới các góc nhìn. Cuộc thi “Kiến tái chế” + “Kiến sắp đặt” với chủ đề “Kiến trúc xanh”, các đội thi sẽ tạo nên một công trình từ những vật liệu bị bỏ đi, như vỏ gỗ thông, cành cây, lon bia, các loại rác khô... và được lưu lại trong suốt Festival… Ngày hội của sinh viên kiến trúc cả nước tại Đà Lạt còn khuấy động nhiều điểm du lịch, như Chợ đêm Đà Lạt, phố đi bộ, Nhà thờ Cam Ly, Thung lũng Tình Yêu, Rừng hoa, Nhà thờ Con Gà, Nhà thờ Domain, Trường CĐSP Đà Lạt, Nhà Ga Đà Lạt…
 
Trường CĐSP Đà Lạt với tháp chuông hướng về Hồ Xuân Hương, dáng cong mềm mại hài hòa với địa hình đồi thấp
Trường CĐSP Đà Lạt với tháp chuông hướng về Hồ Xuân Hương, dáng cong mềm mại hài hòa với địa hình đồi thấp
Thiên nhiên Đà Lạt - khơi nguồn sáng tạo kiến trúc
 
Theo KTS Trần Công Hòa (Giảng viên Trường ĐH Yersin): Xưa, do quy hoạch của người Pháp lấy Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng nên Đà Lạt có kiến trúc biệt thự đặc trưng. Không giống ở vùng đồng bằng, biệt thự Đà Lạt được xây dựng thành nhiều cụm, như ở đường Trần Hưng Đạo, Lê Lai… không có cái nào giống cái nào và hài hòa với địa hình đồi núi nhẹ ở Đà Lạt. Công trình công cộng cũng được thiết kế hài hòa với cảnh quan, hoặc nằm trên những ngọn đồi đẹp, không gian thoáng đãng, hướng về trung tâm thành phố là hồ Xuân Hương, như Trường Lycée Yersin (Trường CĐSP Đà Lạt), Nhà thờ Con Gà, KS Palace, các Dinh thự, chợ Đà Lạt, Ga xe lửa, Nha địa dư (Cục Bản đồ), villa toàn quyền (nhà làm việc của UBND tỉnh)… tạo nên kiến trúc đặc sắc cho Đà Lạt. Ngoài những công trình kiến trúc, Đà Lạt còn có điểm nhấn thiên nhiên, hay điểm mốc đô thị (landmark) đặc sắc là núi Lang biang.
 
Kiến trúc thời nào cũng là đáp ứng nhu cầu của xã hội thời đó. Kiến trúc Đà Lạt còn ảnh hưởng bởi kiến trúc của đồng bào dân tộc Lạch - cư dân gốc của Đà Lạt, là nhà sàn để chống chịu thiên nhiên và thú dữ, mà nay còn được lưu giữ là Nhà thờ Cam Ly, với dạng nhà rông 2 mái cao vút và không gian bên trong rộng rãi, sàn lát đá chẻ mát mẻ… Từ thời này sang thời khác đều có giai đoạn chuyển tiếp về kiến trúc với đặc điểm là cái trước được giữ gìn, cái mới đan xen. Vì thế, hiện nay, bên cạnh những công trình kiến trúc từ thời Pháp được giữ gìn là những công trình kiến trúc mới, đồ sộ, như Tháp Viễn thông, Trung tâm Hành chính, Nhà Văn hóa lao động… cùng với việc đầu tư hạ tầng Đà Lạt tương đối tốt, trồng cây xanh đường phố, đường vành đai…
 
Đà Lạt cũng được Chính phủ cho phép sử dụng cơ chế đặc thù và thực hiện dự án “Làng Đô thị Xanh”, với quy hoạch là những đô thị vệ tinh, đô thị mới giảm áp lực xây dựng cho khu trung tâm… Và hôm nay, hơn 600 sinh viên kiến trúc ưu tú từ khắp nơi đang có cơ hội đóng góp ý tưởng, đóng góp tâm huyết và công sức cho một Đà Lạt Xanh - Xanh về môi trường, Xanh về chất lượng cuộc sống, Xanh của nguồn sáng tạo và Xanh của điểm đến du lịch… như lời bài ca Festival Sinh viên Kiến trúc: “… Dốc quanh co, con đường xưa quá nhỏ… Thành phố nhỏ đón những giấc mơ thật to… Vẽ lên những ngôi nhà, vẽ lên những mộng mơ…”…
 
LÊ HOA