Cần cung ứng nguồn nhân lực du lịch chất lượng

09:07, 02/07/2020

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công hay thất bại của các ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Việc liên kết đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội đang đứng trước những thách thức lớn cho cả các đơn vị đào tạo lẫn doanh nghiệp.

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công hay thất bại của các ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Việc liên kết đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội đang đứng trước những thách thức lớn cho cả các đơn vị đào tạo lẫn doanh nghiệp.
 
Du khách tham gia hoạt động trải nghiệm du lịch về cà phê với người bản xứ ở chân núi Lang Biang
Du khách tham gia hoạt động trải nghiệm du lịch về cà phê với người bản xứ ở chân núi Lang Biang
Thiếu lao động chất lượng cao
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong những năm qua, lực lượng lao động làm việc trong ngành Du lịch Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng tăng nhanh, nhưng chất lượng nguồn nhân lực lại đang là vấn đề cần phải bàn đến. Như việc nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực khách sạn - nhà hàng chưa được đào tạo qua các nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ phục vụ buồng, nghiệp vụ phục vụ bàn, nghiệp vụ chế biến món ăn…; đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chưa am hiểu nhiều về văn hóa, lịch sử của đất nước, con người Việt Nam; kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ còn nhiều hạn chế; thiếu cán bộ quản lý có đủ năng lực điều hành… Đây chính là những vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển ngành du lịch.
 
Theo thống kê, tổng số nhân lực ngành du lịch hiện tại khoảng 13.000 lao động (lĩnh vực lưu trú 9.000 người; lữ hành, hướng dẫn và vận chuyển khách 1.550 người; khu, điểm du lịch 2.420 người; cơ quan quản lý về du lịch là 30 người). Trong đó, có 80% đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động được đào tạo, đào tạo lại, bố trí đúng ngành nghề, lao động có kinh nghiệm nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ có xu hướng ngày càng tăng. Nguồn nhân lực du lịch nhìn chung đa phần còn rất trẻ, độ tuổi lao động từ 18 - 35 tuổi chiếm hơn 60%.
 
Bà Ngọc cho biết, trong thời gian qua, mặc dù ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng trong việc đào tạo nguồn nhân lực nhưng hiện nay vẫn đang thiếu trầm trọng lực lượng lao động lành nghề, có chuyên môn, kỹ thuật cao. Đặc biệt, việc đào tạo giám đốc, chức danh quản lý cao cấp chưa được chú trọng. Có tình trạng trên là do công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội còn nhiều bất cập. Thể hiện rõ nhất là biên chế công chức quản lý Nhà nước về du lịch còn hạn hẹp; Chính sách, cơ chế, văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa được bổ sung, hoàn thiện kịp thời, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.
 
Hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi cần có nhiều kỹ năng, cả chuyên môn lẫn giao tiếp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ảnh: Thành Tân
Hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi cần có nhiều kỹ năng, cả chuyên môn lẫn giao tiếp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ảnh: Thành Tân
 
Đứng trên góc độ quản lý nhà nước về du lịch, bà Ngọc nhìn nhận rằng, mặc dù số lao động trực tiếp trong ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ đạt 80%; nhưng hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực du lịch vẫn là bài toán khó đối với nhà quản lý doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Sự chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực của ngành du lịch trong những năm qua chưa đảm bảo tính bền vững, quy mô nguồn lực du lịch còn quá nhỏ, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh du lịch của địa phương. Không những thiếu về số lượng, mà còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ; chất lượng phục vụ còn nhiều hạn chế. Nhiều lĩnh vực còn thiếu cán bộ chuyên môn và chuyên gia giỏi như cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính sách, bộ phận nghiên cứu thị trường, xây dựng quy hoạch, chiến lược... 
 
Du lịch là một ngành kinh tế đòi hỏi có sự giao tiếp rộng và trực tiếp đối với khách hàng, do vậy yêu cầu về chất lượng đội ngũ lao động làm việc trong ngành du lịch dịch vụ phải đáp ứng được kiến thức, kỹ năng chuyên môn, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch dịch vụ của tỉnh tăng nhanh, tuy nhiên chất lượng đội ngũ lao động chưa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của ngành. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch thiếu lao động có kỹ năng chuyên môn cao nên chất lượng dịch vụ dù có muốn cải thiện cũng khó làm được. Tuyển dụng, đào tạo được lao động có tay nghề đã khó nhưng khả năng bị các doanh nghiệp khác “lấy đi” cũng rất cao, đo đó doanh nghiệp không dám đầu tư nhiều cho đào tạo.
 
Những hoạt động du lịch ngày càng đa dạng, cao cấp cũng đòi hỏi yếu tố con người - nhân lực chất lượng. Ảnh Thành Tân
Những hoạt động du lịch ngày càng đa dạng, cao cấp cũng đòi hỏi yếu tố con người - nhân lực chất lượng. Ảnh Thành Tân
 
Tăng cường liên kết trong đào tạo
 
Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 6 cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch với quy mô tuyển sinh hàng năm trên 2.000 sinh viên, đa dạng từ bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Nhìn chung, hệ thống các trường đào tạo về du lịch tại Lâm Đồng có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực trong ngành, thậm chí còn cung cấp nguồn nhân lực và tham gia đào tạo về du lịch cho một số địa phương khác trong cả nước. 
 
Là một trong 2 đơn vị đào tạo cử nhân ngành du lịch, hằng năm chỉ tiêu tuyển sinh cũng như lượng hồ sơ dự tuyển vào ngành này của Đại học Đà Lạt luôn tăng. TS Nguyễn Văn Anh - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Đà Lạt cho biết, điều này cũng phù hợp với xu thế phát triển của ngành du lịch cũng như nhu cầu việc làm của xã hội. Du lịch nằm top 10 ngành được lựa chọn hàng đầu hiện nay. Theo khảo sát của Khoa Du lịch, hằng năm, gần như 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm theo đúng chuyên ngành hiện nay đang đào tạo là quản trị lữ hành và khách sạn - nhà hàng. Đáp ứng yêu cầu đó, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo. Nhà trường chủ động giao cho giáo viên liên hệ để gửi sinh viên thực tập thực tế tại các doanh nghiệp, tăng thời lượng thực hành, giảm lý thuyết. 
 
“Chúng tôi cũng lắng nghe ý kiến của cả doanh nghiệp và người học để tiếp tục có điều chỉnh gắn chặt với định hướng về tính thực tế, thực tiễn cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng tôi thường xuyên có những thỏa thuận hợp tác và đặt hàng từ phía các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh về nguồn nhân lực chất lượng. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp tham gia vào hỗ trợ đào tạo ra một thế hệ cử nhân chất lượng cao, thuần thục về cả kỹ năng và khả năng ngoại ngữ để có thể đáp ứng phân khúc thị trường cao hơn”, TS Nguyễn Văn Anh cho biết thêm.
 
Bàn về giải pháp liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo sinh viên ngành du lịch, ThS. Trịnh Thị Hà - Khoa Quản trị kinh doanh - Du lịch, Trường Đại học Yersin cũng nêu lên các giải pháp trong đó nhấn mạnh việc thực hiện liên kết, hợp tác đào tạo phải thống nhất chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, phương pháp và tổ chức đào tạo; cần có liên kết về địa điểm thực hành thực tập cho sinh viên, doanh nghiệp cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hướng dẫn, đánh giá kết quả; liên kết đội ngũ cán bộ quản lý tham gia giảng dạy tại trường bằng các hình thức workshop, seminar… và kinh nghiệm thực tiễn của các nhà quản lý vào hoạt động đào tạo; dự báo nhu cầu nhân lực và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên…
 
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong thời gian tới sẽ có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở đào tạo, nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó, nguồn nhân lực du lịch Lâm Đồng sẽ có sự chuyển biến tích cực theo hướng chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh.
 
HỒNG THẮM