.

Quyết liệt ''phủ sóng'' vắc xin phòng COVID-19

01:08, 28/08/2022
 
(LĐ online) - Trong “cuộc chiến” mang tầm thời đại là phòng chống đại dịch COVID-19 nghiệt ngã, ròng rã vừa qua, chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất trong lịch sử từ tháng 3/2021 đã đóng vai trò quyết định để khống chế thành công đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. 
 
Thế nhưng, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp do tâm lý chủ quan, lơ là còn xuất hiện ở một bộ phận người dân, đơn vị. Và, một lần nữa chiến dịch tiêm chủng vắc xin lại được phát động mạnh mẽ, quyết liệt. Không nằm ngoài guồng quay chung của cả nước, toàn tỉnh Lâm Đồng cũng đang trên dưới một lòng để thần tốc thực hiện hiệu quả chiến dịch mang tầm chiến lược ấy.
 
 
Liêng Sronh những ngày cuối tháng 8, khi mà mùa mưa đã bắt đầu phủ trắng xóa, những con đường băng rừng trơn trươt, ngập ngụa bùn lầy… Trên diện tích rộng lớn gần bằng 1/3 diện tích của huyện Đam Rông như xã Liêng Sronh, có trên 2.000 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do từ các tỉnh khu vực Tây Bắc vào cư trú trái phép trong các tiểu khu thuộc rừng phòng hộ ở khu vực Tây Sơn, khu căn cứ Đạ Mpô, tiểu khu 178, 179, 181... Song địa phương này, hay nói đúng hơn là cả tỉnh Lâm Đồng chưa giây phút nào ngừng quan tâm, chăm lo cho đời sống bà con. Và việc đội ngũ cán bộ vượt mọi khó khăn, để sớm đưa vắc xin đến với từng người dân nói chung và bà con trong các tiểu khu nói riêng là minh chứng rõ ràng cho điều đó.
 
 
 
 
Bùn lầy, trơn trượt, té ngã… là những điều không lạ khi đi vào các tiểu khu ở Liêng Sronh vào mùa mưa này. Tiểu khu 181 hiện có 105 hộ với 536 nhân khẩu là người dân tộc H’Mông đang sinh sống. Đây một trong hai tiểu khu có đường đi vào khó khăn nhất ở huyện khó Đam Rông. Vào tiểu khu 181 chỉ có con đường mòn độc đạo. Để thuận lợi hơn cho việc di chuyển, bà con đã chủ động phát bớt lồ ô hai bên đường mòn. Tuy vậy, để vào được tiểu khu này vẫn thực sự là nỗi ám ảnh đối với mọi người, nhất là khi trời đổ mưa.
 
 
Anh Păng Tiêng Timo The - Công an xã Liêng Sronh cùng với anh Păng Tiêng Y Tông - Dân quân xã Liêng Sronh… là những tay lái “cừ khôi” nhiều năm kinh nghiệm vào các tiểu khu, với chiếc thùng vắc xin kê phía trước, chiếc áo mưa và sợi xích để quấn bánh xe, hành trình luồn rừng đưa vắc xin vào tiểu khu 181 bắt đầu… 
 
Không chỉ có công an, dân quân mà trên cung đường luồn rừng đầy gian khó ấy, các y, bác sĩ - những người vốn chỉ quen với ống nghe, kim tiêm cũng thuần thục không kém. Hành trang đi làm nhiệm vụ của họ luôn tối giản nhất có thể. Thuần thục quấn xích vào bánh xe và cứ thế họ lên đường.
 
 
Tiểu khu 181 cách trung tâm xã Liêng Sronh chỉ chừng hơn 20 km, cách trung tâm huyện Đam Rông chỉ chừng 30 km, nhưng phải mất hơn 3 tiếng mới vào được tới nơi. Bánh xe lần lượt lăn qua bùn lầy, vượt lên dốc đá, rơi ầm xuống rãnh sâu, chồng lên những vết hằn của bánh xe đi trước hay có khi chầm chậm di chuyển trên những triền đường đất trơn như đổ mỡ. Lưng người lái uốn lượn thật dẻo theo sự thay đổi đột ngột các trạng thái khó khăn của con đường. Người ngồi sau cũng linh hoạt không kém khi chủ động nhảy xuống ở những đoạn đường quá khó để phụ đẩy xe băng dốc, vượt lầy. 
 
 
Trời vẫn mưa lắc rắc không ngừng, nhưng mồ hôi ướt đẫm lưng các thành viên trong đoàn công tác. Chặng đường tưởng chừng dài vô tận ấy cuối cùng cũng kết thúc khi những mái nhà nhỏ hiện dần ra, những bộ váy xoè hoa rực rỡ của các em nhỏ người H’Mông thấp thoáng.
 
 
 
Trên đường đi vào tiểu khu, gặp xe máy của bà con đi ra, Bí thư Đảng uỷ xã Liêng Sronh và cán bộ y tế đều lo lắng. Bởi, để đảm bảo việc tiêm chủng được thực hiện hiệu quả nhất, ngoài việc tuyên truyền thường xuyên, trước đó một ngày, xã đã cử cán bộ vào làm việc với người uy tín trong tiểu khu để dặn dò bà con “sắp xếp công việc vườn, rẫy để ở nhà tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19”. Không ai bảo ai, các thành viên trong đoàn gọi với theo để dặn vội “Bà con đi công việc rồi quay lại sớm để tiêm vắc xin chống COVID nhé”. 
 
 
Điểm tiêm dã chiến được đoàn công tác thực hiện ngay tại cửa hàng tạp hoá duy nhất trong tiểu khu. Bởi đây là nơi “bà con lui tới nhiều nhất” - Bí thư Đảng uỷ xã Liêng Sronh Bùi Tiến Viết khẳng định.Và đúng thế thật, bởi bà con cứ thế lần lượt ghé điểm tiêm chủng. Nếu như Thiếu úy Timor The và anh dân quân Y Tông có nhiệm vụ đón người dân, thì Bí thư Bùi Tiến Viết phát bánh kẹo cho các cháu nhỏ tới tiêm để đảm bảo tốt nhất điều kiện làm việc cho các y bác sĩ. 
 
 
 
 
Chỉ trước đó vài tiếng, bác sĩ Kiên, bác sĩ Công, y tá Giang, y tá Thơ, trưởng trạm y tế Mai và cán bộ y tế Vui, Hiệp… còn vật lộn với đất bùn trên cung đường mòn trắc trở nay đã bắt tay làm công tác chuyên môn. Không kịp nghỉ ngơi, chân vẫn để nguyên trong đôi ủng, họ chỉ kịp cởi chiếc áo khoác ngoài để mặc vào chiếc áo blue quen thuộc - được giữ gìn cẩn thận không lấm bùn. 
 
 
Nghe những lời hỏi han: “Con học lớp mấy rồi”, “tiêm xong để mai mốt còn đi học nhé”, “Lý Seo Phừ tiêm xong về bảo vợ Phừ lên tiêm để không mắc COVID sau này nhé”, “Vàng Thị Păng ngồi vào để bác sĩ khám rồi tiêm vắc xin nha”… và tận mắt nhìn thấy hình ảnh Bí thư Đảng uỷ xã Bùi Tiến Viết phát bánh kẹo cho từng đứa trẻ sau mỗi mũi tiêm, mới cảm nhận được rằng ngoài trách nhiệm, những người “cán bộ” ấy còn phải có tình yêu thật lớn để gắn bó, cống hiến, thấu hiểu, quan tâm và chăm sóc với bà con. 
 
 
Bà con tiểu khu 181 sống rải rác thành từng cụm dân cư nên việc tiêm chủng cũng vì thế mà được thực hiện lưu động, di chuyển sâu dần vào trong để đảm bảo thuận lợi nhất cho bà con. Không điện, không internet, tiểu khu 181 gần như cách biệt hoàn toàn với thế giới. Không có ứng dụng để cập nhật thông tin tiêm chủng, mọi thủ tục làm hoàn toàn bằng thủ công. Cũng không sử dụng tin nhắn để nhắc nhở người dân đi tiêm chủng. Cán bộ y tế và cán bộ xã phải tới từng nhà để gọi và bà con nào đi làm chưa về thì cán bộ “chờ” đến tối về tiêm. 
 
 
Màn đêm buông, cả tiểu khu 181 quyện trong hương rừng và khí núi, đoàn công tác mượn tạm căn nhà trên đồi của Ban Quản lý Bảo vệ rừng để ở lại qua đêm. Trong không gian bốn bề tĩnh mịch, tiếng muỗi bay vo ve, tiếng côn trùng đập cánh quanh ánh đèn, họ vẫn vui vẻ, mỗi người một tay, người cầm điện thoại soi đường, người nhập dữ liệu bằng tay, người chuẩn bị dụng cụ tiêm vắc xin cho bà con đi rẫy về muộn, tối mới đến tiêm.
 
 
Những con người vừa lái xe điệu nghệ chinh phục chặng đường gian khó ban sáng, rồi khoác lên mình chiếc áo blue làm cán bộ y tế ban trưa, ban chiều, thì tới tối lại xắn tay nhóm bếp. Nắm lá bép tranh thủ hái trên đường đi được cho vào làm nồi mì gói dường như ngon lành hơn bao giờ hết. Bên ánh đèn pin hoà cùng chút ánh sáng yếu ớt của mấy chiếc điện thoại, họ tiếp tục chờ đợi bà con đến tiêm.
 
 
Nói với nhau đủ chuyện trên trời dưới bể, chuyện gần chuyện xa nhưng không ai trong số họ nhắc tới những vất vả hay mệt mỏi đã trải qua. Bởi với họ, ánh mắt trìu mến, nụ cười và câu nói của bà con, rằng: “Cán bộ mang vắc xin vào tận nơi, bà con mình mừng lắm đó” là đủ để vượt lên hết thảy. Và còn tiếp thêm động lực để tiếp tục hành trình vượt khó vào với bà con ở những tiểu khu khác để quyết tâm “phủ sóng” vắc xin.
 
 
Ngày 25/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 664/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19. Công điện nhấn mạnh: Kết quả tiêm vắc xin cao đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, nhất là giảm thiểu tình trạng bệnh chuyển nặng, nhập viện và tử vong, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Ngày 16/8 vừa qua, tại thành phố Bảo Lộc, UBND tỉnh đã phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong 6 tháng cuối năm 2022. Điều này khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể Nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cả cộng đồng là trên hết, trước hết bảo vệ người dân.
 
 
Trực tiếp phát động Chiến dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng nhấn mạnh: Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của Nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; đặc biệt, hiện nay chưa có thuốc đặc trị COVID-19 khiến công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để sớm tạo miễn dịch cộng đồng, giảm số người mắc COVID-19 chuyển biến nặng và giảm tỷ lệ tử vong, thì tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất và có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong phòng chống dịch.
 
 
 
Tỉnh Lâm Đồng đang tập trung tuyên truyền, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi bảo đảm hoàn thành trong tháng 8/2022; hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vắc xin cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông - vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp; giao chỉ tiêu và tiến độ thực hiện đến tận cấp xã.
 
 
Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai công tác tiêm chủng trên địa bàn, không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả tiêm vắc xin trên địa bàn.
 
Những ngày này, từ thành thị cho đến tận vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Lâm Đồng, Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang được thực hiện cấp tốc, quyết liệt. Lâm Đồng đang trên dưới một lòng, đồng loạt triển khai chiến dịch này dù phía trước vẫn còn không ít những khó khăn, trở ngại.
 

 

Nội dung: DIỄM THƯƠNG - NGỌC NGÀ
Dựng Video: HOÀNG ANH
Thiết kế: HẠ AN
Ý tưởng: HỮU SANG



Xem thêm bình luận